Tháng 7 năm 1973, chính quyền Sài Gòn phá hoại hiệp định Paris, thực hiện âm mưu “ Vết dầu loang” lấn chiếm vùng giải phóng. Tiểu đoàn 8 bộ binh cùng vài đại đội trực thuộc của Trung đoàn 66 vượt sông Pô Kô sang Ngô Thanh – Tà Rộp (thị xã Kon Tum) cùng Trung đoàn 95 giữ vùng giải phóng. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt diễn ra.
* * *
Qua hai ngày trèo đèo lội suối về phía Nam, hình như chúng tôi đang đi xuôi theo dòng Pô Kô thì phải. Núi đồi ở đây tuy không cao lắm nhưng lên xuống liên tục, rất ít có khoảng rừng bằng phẳng. Nhìn trên tấm bản đồ thu được của địch thì tiểu đoàn đang đi cách bờ sông khoảng hơn hai cây số gì đấy. Địa hình gấp khúc, rừng nhiệt đới đa dạng, le vầu lẫn lộn và không có cây cổ thụ. Thỉnh thoảng lại cắt ra một đoạn đường xe ngựa bỏ hoang từ thời Ngô Đình Diệm, cây cối mọc trên đường um tùm. Người ta nhận ra đường bởi vì còn sót lại bờ tà luy rựng đứng và mặt đường phủ đầy lá mục. Không thấy một bản làng bỏ hoang nào cả. Những trận mưa ào đến rồi lại bừng nắng để cho mặt đất nhớp nhúa, bốc hơi bảng lảng như sương mù. Thỉnh thoảng leo trênh vênh trên sườn núi, ngó sang thung lũng bên kia một khoảng trời mênh mông, cây cối ngút ngàn, có đàn vượn thấp thoáng gọi bầy.
Hành quân một tiếng lại nghỉ mười phút, vai đeo ba lô mỏi nhừ. Trời đã về chiều, thấy ánh nắng xiên từ phía sau tới, lại cắt ra phía Đông rồi. Nghe đâu sắp đến bờ sông thì phải. Có tiếng máy bay phản lực ào qua, tiếng đại bác ì ùng phía trước.
- Sắp ra bờ sông chưa anh Choóng? Tôi hỏi Đại đội trưởng khi anh đang ngửa cổ tu nước trong chiếc bi đông nhựa.
- Tối nay sẽ vượt sông đấy! Sang bên kia là hậu cứ của Trung đoàn 95. Thôi cố gắng đi một tiếng nữa rồi dừng lại ăn cơm.
Sẩm tối chúng tôi lần ra bờ sông. Tối mịt mùng, cứ bám theo nhau mà tụt dốc. Thỉnh thoảng đã thấy mặt nước lấp loá sau cánh rừng thưa.
Mẹ kiếp! Mưa nhiều quá! Bùn lầy làm dép trơn nhầy nhụa, nhiều khi phụt lên tới bắp chân. Có lúc phải bám vào cây ven rừng tụt lưng xuống trước.
Bờ sông khá dốc, Được lệnh dừng lại ven đường, có tiếng mái chèo lách cách và tiếng nước óc ách phía dưới.
- Dừng lại nghỉ đi! Không ai được bật lửa. Sang sông hơi bị lâu đấy!
Nghe đâu chuyển quân chỉ có hai chiếc thuyền độc mộc lấy từ trong bản dân tộc, mỗi chuyến chỉ chở được 6 người. Biết khi nào cho Đại đội cuối cùng vượt sông? Có mà sáng!
Hàng đàn dĩn ở đâu lăn xả vào chân, vào cổ của lính mà đốt. Ngứa không thể chịu được. Kiểu này chắc chết! Có lẽ loài dĩn này ở đây lâu lắm mới thấy hơi người nên nó thi nhau cắn phá. Tôi kéo tấm chăn dù hoa cuốn kín người, kín cổ, mặc kệ bùn đất ướt át. Tôi tỉnh giấc khi có ai đó đập vào ba lô.
- Dậy đi! Đến lượt mình sang sông rồi! Có ai đấy ngáp ngủ, một tiếng quát nhẹ:
- Khẽ chứ! Biệt kích nó nghe thấy thì có mà ăn pháo!
Không ai buồn trả lời, có lẽ đều ngái ngủ cả. Phía trước thấp thoáng những chiếc ba lô như lưng Lạc đà tụt dốc. Xuống đến bờ sông, tôi sờ vào mạn thuyền, một lớp rêu trơn bám vào mạn thuyền sứt sẹo. Có ai đấy sảy chân nhảy òm xuống nước:
- Kìa ông này! ướt hết bây giờ!
Tiếng súng va vào nhau lách cách, tiếng suỵt, tiếng mái chèo khua nước, tiếng của người bơi đò ra lệnh ngồi tản ra cho cân thuyền. Tất cả không ai thấy mặt ai, chỉ có những ngôi sao trôi theo dòng nước lấp loá ánh bạc. Thuyền lừ đừ sang sông. Nước cắn cạp chòng chành như muốn lệch. Có tiếng thác ào ào xa xa phía hạ lưu. Nó mà lật thuyền bây giờ thì có mà lao xuống thác. Tôi cố nín thở.
Cũng may đoạn sông này rất hẹp. Sang bờ bên kia dốc thoai thoải. Bờ sông thấp và có vẻ bằng phẳng lắm! Chúng tôi lục tục kéo nhau lên bờ.
Từng đàn dĩn lại lăn xả vào đầu, vào cổ của lính mà đốt. Nếu bị thương mà nằm ở bờ sông này không chết vì vết thương thì cũng toi vì loại dĩn này.
Leo qua một bụi Xấu hổ lùng nhùng, gai cào xước chân, tôi bước lên một khoảng rừng bằng phẳng toàn cây le mọc. Nguyễn Văn Thấu (Đại đội phó) người Thái Bình đứng ở ven đường bảo:
- Các đơn vị khác tiến về phía trước! Còn lại Đại đội 7 vào đây! Khẽ thôi!
Rẽ sang khu rừng bên phải, đến một con suối khá rộng, chúng tôi đi ngược theo dòng suối. Không biết là mấy giờ rồi! Chắc sắp sáng.
Dừng lại vị trí đóng quân, tất cả tản ra xung quanh buộc võng vào bụi le nghỉ tạm. Kiểu này đêm mưa xuống chắc là ướt hết mất.
Sáng ra, nắng phết nhẹ trên những dải mây phía Đông. Hôm nay nắng to lắm. Thấy Nguyễn Văn Tình (anh nuôi) người Thanh Hoá đang lấy xoong nồi ra khỏi gùi. Tôi hỏi:
- Tình! Suối có xa không?
- Gần đây thôi!
Cầm khăn mặt theo Tình xuống suối thấy Trần Văn Hợp (Tổ trưởng nuôi quân) quê Thanh Sơn – Phú Thọ và Lý Sài Quẩy (Người Lào Cai) đang đào bếp Hoàng Cầm. Tôi ngạc nhiên:
- Này! định chốt ở đây lâu hay sao mà đào bếp to thế?
- Biết quái thế nào được. Hợp đủng đỉnh: Không làm thì cán bộ quát!
- Hình như bên kia có nương lúa? Gần dân làng à?
- Đâu...! Nương lúa của thằng 95 đấy!
Có tiếng đại bác từ phía Đông bắn qua. Tiếng nổ đầu nòng của nó nghe gần lắm! Viên đạn vo vo như ong nối nhau qua đầu rồi nổ ình oàng bên kia bờ sông. Đánh nhau đến nơi rồi! Tôi về võng, quấn tâm chăn dù nhét vào ba lô. Có vậy thôi, đời lính đơn giản lắm! Tăng thì gấp sẵn kẹp nắp ba lô, có lệnh hành quân chỉ cần tụt võng, quấn lại tống vào ba lô là đi được ngay.
Anh Hà Văn Lan (Quê Tứ Mỹ - Tam Nông – Phú Thọ) chính trị viên Đại đội đi kiểm tra một vòng vị trí đóng quân, xong anh bảo tôi:
- Ông Choóng lên tiểu đoàn hội ý rồi! Anh đi kiểm tra sức khoẻ bộ đội thế nào? Mấy chiến sĩ đã cắt cơn sốt chưa? Không ở đây lâu đâu!
Các đơn vị tập trung hội ý khi người Đại đội trưởng từ tiểu đoàn bộ về, tôi mới biết đây là hậu cứ của Trung đoàn 95 cắm chốt từ chiến dịch năm 1972. Phía Nam có con sông Đắk Bla gặp sông Pô Kô từ phía Bắc chảy xuống, giao nhau ở ngã ba Kon tum. Nguyễn Văn Thiệu phá hoại Hiệp định ngừng bắn, bắt đầu thực hiện chiến dịch “ Vết dầu loang” lấn chiếm từng vùng giải phóng. Chúng tăng cường 3 Trung đoàn: 53 – 44 – 45, có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, xoá bỏ bằng được cái thòng lọng nằm sát thị xã này.
Vậy phía chúng tôi chỉ có một Trung đoàn 95 vừa đánh vừa di chuyển hậu cứ. Tiểu đoàn 8 của tôi cùng vài Đại đội truc thuộc Trung đoàn 66 sang đây, không quen đánh dã ngoại chắc lại ác liệt lắm.
Ăn cơm xong lại nghỉ lấy sức. Một vài chiếc trực thăng bay phía đường 14. Có lẽ chúng đang chuyển quân. Pháo vẫn bắn ì ùng sang bờ tây sông. Địch làm ra vẻ vô tư như không có gì xảy ra.
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi về hướng Đông. Trinh sát Tiểu đoàn dẫn đường, lúc thì đi theo bìa rừng dọc một nương lúa, lúc lại cắt qua một điểm đóng quân của thằng 95 đã bỏ đi. Những chiếc hầm thùng, hầm chữ A còn ấm hơi người. Vài con gà lạc đàn táo tác bới đống cỏ gianh còn xót lại.
Buổi chiều đi qua một cánh rừng dốc thoai thoải, bắt gặp những chiếc đầu lâu Ngụy nằm chỏng lỏn trong chiếc mũ sắt ngập nước. Hai hố mắt thao láo ngước nhìn bộ đội qua rừng. Cẳng xương chân còn cắm trong đôi gệt Mỹ, xung quanh đầy xương sườn và ba lô Ngụy. Anh Lan bảo:
- Chỗ này mới đánh nhau trước lúc cắm cờ. Địch lấn ra đây đấy! Thằng 95 đánh dã ngoại tốt lắm!
Qua một con suối nước ngập ngang ống chân có xác lính Ngụy nằm bên bờ cỏ. Bộ quần áo rằn ri mục nát để thò ra hai cẳng tay trắng hếu. Có lẽ tên này bị thương, bò ra suối và chết trên bờ nước.
Khoảng 2 giờ chiều đến một khu hầm không có người ở. Phía trước là một cánh rừng lầy, cây cổ thụ um tùm. Một vài cây cọ nước và dương xỉ rủ bóng có vẻ hoang sơ lắm. Trinh sát nói:
- Theo dông bên trái có một con đường xe ngựa bỏ hoang dẫn đến một bản nhỏ không có dân ở. Phía ấy có địch! Còn men theo rừng lầy bên phải vị trí đóng quân hiện nay, qua một đoạn rừng thưa là nương lúa của Trung đoàn 95 bỏ lại. Cứ đi qua một khoảng rừng lại có một nương lúa. Phía ấy theo đài kỹ thuật của ta báo về: Cũng có địch! Chưa xác định chính thức toạ độ nào! Vậy bên trái, bên phải Đại đội tôi đều có địch cả.
Chia nhau vào các hầm để chốt, Đại đội bộ ở gần hầm chỉ huy dã chiến của tiểu đoàn, có một đài 2W và ông phó chính trị viên tiểu đoàn cùng một tổ trinh sát tăng cường. Anh nuôi xuống ven bãi lầy đào giếng và chuẩn bị bữa ăn. Các Trung đội củng cố hầm hào, lau chùi súng đạn chuẩn bị chiến đấu. Tôi cầm thuốc cứu thương đi đến các hầm phát thuốc cho chiến sĩ chưa cắt cơn sốt, bổ sung bông băng đến các tổ.
Chiều, trinh sát cùng trung đội 1 và trung đội 2 theo hai hướng bám địch, không thấy.
Tối, chia nhau canh gác, còn lại ngủ lấy sức.
Sáng hôm sau, theo đài kỹ thuật báo về: toạ độ X có một đại đội địch, xem bản đồ cách vị trí đóng quân của chúng tôi không xa lắm. Trung đội 1 được lệnh xuất kích, đại đội trưởng Choóng trực tiếp chỉ huy.
Khoảng hơn 10 giờ, có tiếng mìn và đại liên nổ phía đường xe ngựa. Không có tiếng AK bắn trả. Một lúc sau, B40 nổ và lác đác tiếng AR15 của địch.
Trung đội 1 đánh nhau rồi!
Trung đội 3 được lệnh chuẩn bị xuất kích. Pháo địch bắt đầu bắn dọc đường xe ngựa. Tai chúng tôi căng ra, hồi hộp. Có ai việc gì không đây?
Khoảng 1 giờ chiều, Đại trưởng Choóng về, im lặng. Mất 3 chiến sĩ. Không lấy được ai ra cả. Cuộc hội ý khẩn cấp trong hầm đại đội bộ.
Anh Choóng nói: “Đi đến toạ độ X, ngay ven đường xe ngựa, tôi ra lệnh cho bộ đối cúi thấp người xuống, đi thưa ra. Cùng lúc ấy, mìn nổ ngay ven đường, đại liên địch bắn xối xả. Anh em đi sau lăn xuống vệ đường, tôi nấp sau ụ mối thấy trinh sát và một chiến sĩ nằm bất động. Thằng Trung B40 vẫn còn cựa quậy, tôi bò lên lấy khẩu súng B40 bắn một quả rồi rút. Địch đông lắm! Nó phục sẵn mình rồi! Một tiếng sau chúng tôi cắt rừng ra lấy liệt sĩ. Nhìn sang bên đường thấy địch gài thêm mấy quả mình bấm cạnh liệt sĩ của mình. Nó chặt đầu thằng Trung rồi! Không thấy đầu đâu cả. Phải đánh bọn này để lấy liệt sỹ đấy!”
Ra quân trận đầu đã bị tổn thất. Bám địch kiểu ấy chắc không ổn. Đại đội giữ kín việc Trung bị chặt đầu, sợ chiến sĩ hoang mang, dao động. Đại đội điện về Tiểu đoàn xin trinh sát. Tiểu đoàn đồng ý và lệnh cho chúng tôi chuẩn bị đánh địch. Còn ba chiến sĩ hy sinh, Tiểu đoàn cho một tổ trinh sát và Trung đội vận tải bám địch để lấy ra bằng được.
Pháo địch bắt đầu bắn dọn đường. Cứ ngồi một chỗ mà nghe tiếng đầu nòng các khẩu pháo chết chóc ấy thì coi như ba bên đều có tiếng nổ. Khẩu pháo gần, khẩu pháo xa loạn xạ cả lên. Oái oăm thay, điểm nổ lại chụm vào một chỗ mà người ta gọi là pháo bầy. Nó có thể phát quang một vạt rừng và vô phúc đúng vào đội hình hành quân thì không biết có còn ai thoát nạn hay không. Tôi đã từng hành quân ngang qua cánh rừng vừa bị B52 hoặc pháo bầy cưa đổ. Cây rừng xơ xác bị cắt cụt đổ ngổn ngang không khác gì bãi phát nương. Cái mùi đặc trưng của sự huỷ diệt này là mùi nhựa cây hăng hắc và mùi khét của khói bom. Những chùm lá xanh mơn mởn bị pháo dập nát, những thân cây một người ôm bị mảnh bom cắt cụt, xé tước ra....
Đêm, pháo bắn cầm canh. Chúng tôi chia nhau gác các ngả có thể địch đột nhập vào.
Trời về khuya, mây đen bảng lảng, thỉnh thoảng một cơn mưa ào qua rồi trả lại khoảng không màu ngọc bích cho những ngôi sao le lói.
Sáng sớm, chui ra khỏi hầm, cơn mưa đêm còn đọng lại những giọt nước long lanh phản ánh nắng mặt trời, có con chim giật mình vỗ cánh bay về phía rừng lầy. Xung quanh yên lặng. Anh nuôi gọi các Trung đội xuống bếp lấy cơm. Không khí vội vàng, căng thẳng, chuẩn bị xuất kích. Khoảng 8 giờ sáng, một đại đội địch tiến về phía chúng tôi, mũ sắt lố nhố.
Tổ tiền tiêu Trung đội 2 chạy về xin lệnh Chỉ huy Sở. Đại đội dàn theo cánh rừng cạnh con đường mòn từ nương lúa dẫn vào vị trí đóng quân, mặt ai cũng biến sắc, chỗ tụ vào rồi lại tản ra. Tim tôi đập thình thịch.
Đánh nhau rồi!
Địch không biết chúng tôi đóng quân ở đây, nghênh ngang tiến theo hàng một gần lắm. Đáng ra để địch tiến thêm chút nữa rồi đồng loạt nổ súng, sau đó khẩu cối bắn chặn hậu thì chắc chắn đã diệt gọn Đại đội địch này. Thế nhưng theo lệnh người Chính trị viên phó lại quá bài bản: Dùng cối 82 ly bắn trước rồi bộ binh xung phong. Nghe tiếng nổ đầu nòng của cối, địch hoảng loạn chảy tản ra nương lúa, một số lao xuống ven rừng lầy. Tiếng nổ rất gần cùng từng loạt AK bắn loạn xạ. Địch kêu thất thanh, tiếng người lệnh xuất kích, tiếng hô di chuyển tầm cối bắn về phía rừng lầy. Tất cả loạn cả lên, không ai nghe ai cả. Trung đội 2 được lệnh tiến sát xuống bãi lầy xả súng bắn về phía địch đang kêu khóc inh ỏi, tiếng miền Nam chí choé.
Người ta khiêng về một thương binh dáng người gầy gò, nhỏ thó. Tôi nhận ra Nguyễn Văn Đê quê ở Hà Bắc.Viên đạn xuyên từ trước ra sau lưng phía dưới rốn. Máu chảy trong ổ bụng chưa thấm ra ngoài. Đê vừa gào khóc vừa gọi mẹ. Vết thương rất nặng, hai chân tê liệt, mọi cảm giác phía dưới đã biến mất. Tôi và Tạ Văn Sang (Quản lý Đại đội) quê Thái Bình khiêng Đê xuống hầm. Băng bó vết thương và tiêm cho Đê một liều Moóc phin loại thuốc giảm đau cực mạnh. Hai tay Đê bấu vào hai đùi và kêu:
- Tiêm làm cái gì! Sao chân tôi lại thế này! Con chết mất mẹ ơi!
Vết thương ổ bụng ngoài khả năng của y tá Đại đội, tôi quay máy điện thoại gọi về quân y tiểu đoàn cho người ra cáng thương về đội phẫu. Tôi sốt ruột quá! Từ Tiểu đoàn ra chỗ đánh nhau khoảng hơn một tiếng đi bộ xuyên rừng. Liệu quân vận tải có ra kịp không?
Pháo địch bắt đầu tập trung bắn vào vị trí đóng quân. Bọn này giỏi thật. Mới dứt tiếng súng chúng nó đã lấy được toạ bắn rất trúng mục tiêu. Chúng tôi bỏ hầm thùng chui vào ngách chữ A tránh pháo. Đạn nổ chát chúa ngay trên nóc hầm. Mảnh bay lắc cắc, cây xanh bị tiện đứt đổ ào ào xuống hầm. Khoảng 30 phút cấp tập, pháo ngớt. Có tiếng máy bay OV – 10 bay trên đầu, tiếng vo vo đều đều của nó làm người ta rất khó chịu, loại máy bay chỉ điểm này đến chắc là gọi bom đây!
Đê chết rồi. Chúng tôi dùng tăng và võng liệm cho Đê. Một anh lính trẻ măng nhập ngũ năm 1972 về Đại đội tôi tròn 7 tháng thì hi sinh. Một mình nằm đó, không có gia đình nội ngoại, đồng đội khâm liệm và buộc chặt bằng những vòng dây dù.
Có tiếng xèo xèo của loại đạn khói phân giới từ chiếc máy bay OV – 10 bắn xuống. Hai chiếc máy bay A37 từ đâu ào đến bổ nhào. Bom rồi! Tôi bịt tai chui vào hầm.
Hai tiếng nổ inh tai, trần hầm rung lên bần bật. Đất tơi tả rơi xuống đầu xuống cổ. Bom đánh từ bìa rừng chuyển dần về phía chúng tôi, lại bổ nhào chiếc nữa. Hai quả bom dài ngoẵng lao phăng phăng xuống đất. Tôi chui vào hầm.
Tiếng bom vừa dứt, tôi thò đầu ra cửa hầm, thấy máy bay lao xuống rất thấp. Cắt bom xong lượn vòng xịt khói, le ve lượn lên chiếm độ cao. Lại chiếc nữa lao xuống, hai quả bom từ cánh máy bay được cắt ra tròn xoe. Tôi thụt vào hầm nghĩ bụng: “Quả này chết thật rồi!”.
Ục! Mặt đất rung chuyển, bụi đất bay mù mịt. Tai ù đặc không nghe tiếng máy bay ào qua. Vậy là ta chưa chết, tôi thò đầu ra cửa hầm.
Khói đen xì bốc lên ngọn cây phía trước cách tôi 7 mét, một khoảng rừng trống chơ cây đổ ngổn ngang bay tung tóe. Bom ném trúng hầm tiểu đoàn bộ hất tung kèo hầm vung vãi. Có liều phóng B40 của ai đó để trên nóc hầm bắt lửa xịt khói xanh biếc.
Tôi vội bỏ hầm chạy lui về phía anh nuôi cách đấy 5 mét. Cùng lúc ấy tiếng bom rít trên đầu, hơi bom hất nhào vào cửa hầm. Tôi ngồi dậy, máy bay ào qua. Lại một chiếc khác bổ nhào. Tôi bảo Tô Văn Mậu (anh nuôi) người Lạng Sơn:
- Bom đánh sập hầm Tiểu đoàn bộ rồi...! Chạy đi!
Không hiểu sao tôi vọt ra cửa hầm, một đoàn người lốc nhốc chạy theo. Tiếng bom rít ghê người trên đầu. Tôi nhảy xuống một khe nước nhỏ bịt tai lại, thấy có ai đó nhảy đè lên người. Sau tiếng nổ đinh tai nhức óc, vẫn chưa chết. Chúng tôi vùng lên chạy về căn hầm cuối cùng.
Máy bay lượn hai vòng rồi chuồn mất. Hết bom, lúc bấy giờ mới nhận ra rằng mình chạy không có dép, tập tễnh ngang qua hầm anh nuôi, thấy Mậu thò đầu ra cười toe toét:
- Mẹ, các bố bỏ chạy hết. Tôi định chạy theo thấy bom rơi gần quá lại tụt vào hầm!
- Chết một đống còn hơn sống một mình! Ông ở lại bom hớt mất gáo thì sao? Chúng tôi nhìn nhau cười.
Quay về tới hầm Tiểu đoàn bộ. May quá! Bom đánh trúng hầm thùng. sáu người chui vào ngách hầm chữ A chỉ bị sức ép chảy máu tai, máu mũi, không ai việc gì cả. Pháo địch lại bắn về lúc nhặt lúc thưa, vừa pháo khoan vừa pháo phạt. Ở đây hầm làm chắc lắm, mày làm đếch gì được chúng tao!
Chiều tà rồi tắt nắng. Pháo địch thôi không bắn nữa. Bầu trời im ắng có tiếng máy bay OV – 10 ở đâu rất xa. Có lẽ lũ Ngụy nghỉ ăn cơm chiều. Chúng tôi cũng tranh thủ sửa sang lại hầm hào. Anh nuôi nhóm bếp Hoàng Cầm để thổi cơm. Có bốn người ở Trung đội vận tải tiểu đoàn mang gạo và đạn ra, cáng thương binh về phía sau. Ở chiến trường này, tất cả đều trên vai người lính từ gùi đạn, gùi gạo, khiêng vác pháo cối cho đến cáng thương, gùi cơm gùi nước tuốt tuồn tuột. Những lần hành quân chiến dịch tôi thấy sáu anh chàng pháo thủ của đơn vị pháo hoả lực, khiêng chiếc bàn đế của khẩu cối 160 ly. Nó to bằng chiếc nong phơi lúa, địa hình thì lên dốc xuống khe, vừa đi vừa dẹp đường xuyên rừng. Sức mạnh của người lính vĩ đại thật!
Tổ vận tải nhận lệnh của Tiểu đoàn có thương binh thì đưa về đội phẫu. Số liệt sĩ, đơn vị chôn cất ngay tại mặt trận, vẽ sơ đồ, chấm toạ độ gửi về Tiểu đoàn giải quyết sau.
Chiều tối, các Trung đội đi chốt chặn các hướng chủ yếu, Đại đội bộ còn lại anh Lan, tôi và Sang. Anh Lan bảo chúng tôi làm công tác tử sĩ, chọn địa điểm cách hầm Đại đội khoảng sáu mét, bên cạnh một cây to nham nhở mảnh bom. Chưa đào được ba lượt xẻng đã nghe tiếng pháo địch bắn tới. Chúng tôi quăng xẻng chạy tới cửa hầm, quả đạn xẹt qua, một loạt ánh chớp và tiếng nổ inh tai, mảnh và đất đá bay rào rào.
Chui vào cửa hầm chữ A vừa thở vừa nghe ngóng, chung quanh im lặng, hay là nó bắn cầm canh? Thôi, lên đi!
Vừa thò đầu ra cửa hầm lại thấy tiếng cùng...cùng..., vội thụt vào hầm. Một loạt tiếng nổ xé màn đêm. Cứ như thế chúng tôi chơi trò ú tìm với pháo địch, không biết bao nhiêu lần chạy lên chạy xuống.
Đê được quấn trong tấm vải liệm, bên ngoài bọc võng và tăng, sợi dây dù buộc xung quanh cứng nhắc. Tôi ôm đầu còn Sang vác chân đưa lên cửa hầm. Cách có sáu mét thôi mà tránh pháo dấp dứ mấy lần mới đưa đến miệng huyệt. Vùi vội vùi vàng, hai ba lần chạy pháo mới gọi là lấp kín miệng hố. Thôi, tạm thế đã! Pháo bắn dữ quá, để mai ngớt pháo đắp thêm cho Đê.
|