Tiếp theo truyện ký rất ấn tượng và cuốn hút người đọc “Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015), Nhà văn, Tiến sỹ Dương Thanh Biểu lại “trình làng” tiểu thuyết “Miền sáng tối”, tiếp tục nguồn mạch quen thuộc là bảo vệ pháp luật, là chuyện về các vụ án, thậm chí trọng án. Viết về các vụ án không phải là việc quá khó nhưng cũng không hề dễ chút nào. Không khó là vì hiện thực đời sống đã xẩy ra, là các vụ án đã được điều tra, xét xử (tác giả lại là người tham gia quá trình tố tụng, có vụ án là từ đầu đến cuối); không dễ là vì chuyện vụ án thường khô khan, toàn là xét hỏi, bắt bớ, truy tố, tranh tụng, kết án. Cũng giống như truyện ký “Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời”, ở “Miền sáng tối”, nhà văn Dương Thanh Biểu tỏ rõ là một tác giả chịu khó, nghiêm túc, sâu sắc, công minh, vị tha, sáng tạo.
Đọc “Miền sáng tối”, mỗi chúng ta đều tự hào về những người lính cách mạng năm xưa, hăng hái rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chịu hy sinh, mất mát. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, họ đã trở thành những người lãnh đạo cấp cao của tỉnh Đá Trong, là Tư Thắng (Bí thư Tỉnh ủy), Tám Miện, Năm Phong và Hai Tần…(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Tuy nhiên, do dễ dãi với công việc, dễ dãi với chính mình, buông lỏng quản lý, đam mê tiền tài, quyền lực nên họ đã sớm bị rơi vào cảm bẫy cuộc đời, nhiều người trở thành kẻ phạm tội phải ra vành móng ngựa.
“Miền sáng tối”, được xây dựng với hai tuyến nhân vật chính diện (Tám Miện, Sáu Tùng, Ba Phương, Bảy My, các cán bộ điều tra…) và nhân vật phản diện (Hai Tần, Tư Thắng, Năm Phong…), trong đó Tám Miện và Hai Tần là nhân vật trung tâm, là trục xuyên suốt tác phẩm. Người đọc bùi ngùi, xót xa cho hoàn cảnh của Tám Miện, đồng đội năm xưa với Hai Tần nhưng lại bị Hai Tần vu oan và bị bắt giam cả gia đình một cách cay đắng. Tám Miện là nhân vật chính diện được tác phẩm nêu rõ nét về phẩm chất người cán bộ, đảng viên vì nước vì dân nhưng lại bị oan sai vô lối. Đối lập với Tám Miện là nhân vật phản diện Hai Tần gian xảo, độc ác.Tác phẩm đã dành dung lượng phù hợp để diễn tả, khắc họa tâm lý, hành vi của nhân vật này. Bên cạnh đó, nhân vật Thanh Hiền, người tình của Hai Tần, được tác giả khắc họa làm cho người đọc cảm thấy vừa đáng trách, đáng thương. Bảy My và Ba Phượng là những nhân vật nữ nhưng khác với Thanh Hiền.Ba Phượng (vợ Tám Miện), Bảy My (vợ Hai Tần) là những phụ nữ hiền lành, chất phác, còn giữ được nhiều phẩm chất “công dung ngôn hạnh”.
Người đọc trân trọng những trang viết của nhà văn Dương Thanh Biểu về chiến tranh, nhiều chi tiết, tình tiết gây xúc động. Có thể nêu vài ví dụ tiêu biểu: Câu chuyện Tám Miện và Hai Tần đang chỉ huy đơn vị chiến đấu thì bị B52 của Mỹ trút hàng chục, hàng trăm quả bom lên đội hình. Giữa khói lửa mịt mù, hai người bị thương nặng nhưng cố nhường cho nhau sự sống, nhận về mình cái chết. Đoạn đối thoại giữa hai nhân vật Tám Miện và Hai Tần, nhất là khi Tám Miện phát biểu đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ cho người đồng chí của mình. Nhất là phần mô tả, phân tích tâm lý nhân vật (bị cáo Hai Tần và bị hại Tám Miện). Cảnh Ba Phượng (vợ Tám Miện) bị bắt giam khi mới sinh con hai tháng…
Hoạt động tư pháp, nhất là phiên tòa hình sự, vốn khô khan, cứng lạnh, nhưng dưới ngòi bút chân thành, nhân văn, giàu cảm xúc của Dương Thanh Biểu đã làm cho sự việc, tình tiết và con người tại các phiên tòa trở nên giàu kịch tính, giàu tâm trạng và cuốn hút. Thông qua các phiên tòa, tác giả đưa đến cho người đọc cảm xúc tự tin, biết lắng nghe, biết vượt lên số phận.
Nhà văn Dương Thanh Biểu tái hiện, khắc họa những sự kiện và con người trong Miền sáng tối góp phần làm nổi bật những vấn đề rất lớn, bức xúc hiện nay: Sử dụng quyền lực và kiểm soát quyền lực; giữa bóng tối và ánh sáng; giữa cao thượng và thấp hèn; giữa cái ác và cái thiện; là thông điệp lên án mạnh mẽ cái xấu, cái lạc hậu, cái thấp hèn; yêu thương, nâng niu cái tốt, cái tiến bộ, cái chân chính…Đây chính là cuộc đấu tranh vô cùng cam go, phức tạp, hy sinh, gian khổ trên bước đường xây dựng xã hội mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm quyền dân chủ cơ bản của công dân.
Cuối cùng tôi muốn đề cập đến cái tâm, cái đức và cả cái tài của người cầm bút. Nhà văn Dương Thanh Biểu vốn là người lính thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi trở thành cán bộ cấp cục, cấp vụ, được đề bạt lên giữ chức Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ông có vốn sống phong phú, đa tầng, nhất là trong lĩnh vực tư pháp. Những tư liệu được Nhà văn sử dụng đều rất chân thực, chuẩn xác, trách nhiệm, tạo được độ tin cậy lớn trong công chúng. Mấy năm gần đây, Dương Thanh Biểu đã cho ra đời các tác phẩm: “Một thời trận mạc”; “Theo dòng công lý”, “Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời”…và bây giờ là “Miền sáng tối”. Tác giả là người nhân hậu, nghiêm túc, cầu thị. Đối với các loại tội phạm, ngòi bút của ông đấu tranh kiên quyết, với tinh thần không có vùng cấm. Nhưng đối với những người bị oan thì kiên trì đi đến cùng để tìm kiếm và bảo vệ lẽ phải và công lý.Đọc “Miền sáng tối” và các tác phẩm của nhà văn Dương Thanh Biểu, có cảm giác, phía sau những sự việc, tình tiết khô khan, cứng nhắc, nhưng bằng giọng văn rất riêng, sâu đậm, điềm tĩnh, chúng ta có được cái nhìn đa chiều hơn, đúng đắn về hoạt động tư pháp. Trong đó toát lên những bài học về pháp lý, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp của các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng. Dường như trong sâu thẳm con tim mình, thông qua “Miền sáng tối” cũng như các tác phẩm khác, tác giả muốn gửi gắm, nhắc nhở những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước nói chung, các chức danh tư pháp nói riêng, phải luôn đề cao và phát huy lương tâm và trách nhiệm khi thừa hành công vụ; biết trăn trở, âu lo trước thân phận, số phận mỗi con người, không để xẩy ra oan sai, trì trệ.
Xin chúc mừng và chia vui với nhà văn Dương Thanh Biểu. Cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có thêm một ấn phẩm thu hút bạn đọc.
Hà nội, ngày 21.10.2017
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Ủy viên Trung ương Đảng
Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam
Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW