VƯỢT SÔNG MÊ CÔNG BẰNG SỨC MẠNH
Trung tướng KHUẤT DUY TIẾN (kể)
TRẦN TIẾN HOẠT (ghi)
Vì vậy, ngay sau khi nhận nhiệm vụ trên giao, mặc dù lực lượng lúc này khá phân tán (Trung đoàn 48 thiếu đang phát triển theo đường 15 về hướng Nam công kích thị xã Prây Veng, một số đại đội giúp bạn ổn định đời sống nhân dân ở Suông, Chúp), Sư đoàn chỉ có hai trung đoàn 64, 52 và một số tiểu đoàn trực thuộc, nhưng Bộ Tư lệnh Sư đoàn vẫn hạ quyết tâm dốc toàn lực chạy đua với thời gian chuẩn bị cho trận đánh quan trọng này. Trước hết về công tác tham mưu tác chiến, cùng với việc chỉ đạo Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) tích cực bám sát mép sông đề phòng địch đánh sang bến vượt, điểu chỉnh hai trung đoàn 64, 52 dâng cao đội hình ra cách bờ sông từ 1km đến 3km, thiết lập trận địa pháo binh 105mm, 85mm, các trận địa pháo cao xạ 57mm, 37mm, 4 xe tăng T54 chiếm lĩnh trận địa sát bờ sông ngắm bắn trực tiếp tuyến tiền duyên địch, tôi và Tham mưu trưởng quân đoàn Lê Minh cùng với các đồng chí chỉ huy các trung đoàn và các cơ quan ra bờ sông trực tiếp quan sát sự bố phòng của địch, tính toán các yếu tố kỹ thuật (chú ý lưu tốc dòng chảy) lập phương án tác chiến. Về công tác chính trị tư tưởng, tôi thống nhất với Chính ủy sư đoàn giao cho Phó Chính ủy Nguyễn Văn Thứ, Chủ nhiệm Chính trị Lê Nông thường xuyên bám sát các đơn vị chỉ đạo nội dung sinh hoạt nâng cao ý chí chiến đấu, chấp hành kỷ luật dân vận quốc tế, công tác địch vận với ý thức "giúp bạn là tự giúp mình”.
Qua hơn hai giờ bám trụ trận địa Tiểu đoàn 1 quan sát toàn cảnh khu vực tác chiến của Sư đoàn, tôi và các thành viên trong đoàn nhận thấy rõ: Thị xã Kông Pông Chàm nằm bên bờ Tây sông Mê Công (trước năm 1975 là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa ở Miền Đông Campuchia) dưới thời Pôn Pốt nó hoang tàn vắng lạnh và đã trở thành căn cứ quân sự lớn. Từ đây theo quốc lộ 6 đi về phía Bắc đến Poi Pét giáp biên giới Thái Lan, theo dường 7 về phía Đông tới huyện Mê Mút giáp Việt Nam; ngược dòng Mê Công lên phía Bắc qua Kra Chê tới đất Lào, xuôi về phương Nam gặp dòng Tôn Lê Sáp vào Phnôm Pênh. Hiện thời, dù đang bị co kéo chống đỡ khắp nơi với cuộc tiến công chiến lược của quân cách mạng (được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam), nhưng tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari vẫn chỉ thị cho Xon Xen và bộ tổng tham mưu cấp tốc điều động lực lượng lập tuyến phòng thủ thị xà Công Pông Chàm vừa bảo vệ phía Bắc Phnôm Pênh vừa giữ vừng quốc lộ 6 để khi cần có thể rút chạy về biên giới Thái Lan. Bên dòng sông rộng hờn l km chảy xiết này, dựa vào triền đê nhiều chỗ vách đứng, chúng kè đá cao kết hợp cải tạo địa hình đào hố chiến đấu, hào giao thông, đắp ụ súng cùng với xe tăng, thiết giáp được huy động tạo thành những công sự di động và trấn giữ các ngã ba, ngã tư đường phố cùng với các trận địa pháo đã chuẩn bị kỹ phần tử sẵn sàng "biến Mê Công thành dòng sông lửa thiêu cháy Liên quân cách mạng Campuchia - Việt Nam".
Căn cứ hình thái phòng ngự của địch ở thị xã Công Pông Chàm, Bộ Tư lệnh Sư đoàn họp dự kiến kế hoạch vượt sông bằng hai phương án. Một là, sử dụng Trung đoàn 52 bí mật vượt sông bất ngờ đánh chiếm bờ Tây thị xã. Hai là, dùng hỏa lực chế áp các mục tiêu để Trung đoàn 64 vượt sông bằng sức mạnh tiêu diệt địch đánh chiếm bãi đổ bộ.
Tuy nhiên khi thảo luận, chúng tôi thấy phương án bí một vượt sông với lực lượng lớn có những điều không ổn. Bởi vì địch cũng đánh giá được vị trí quan trọng của thị xã đầu cầu này và trên thực tế chúng đã triển khai hệ thống hỏa lực, binh lực dày đặc, thường xuyên kiểm soát chặt chẽ mặt sông và cả hai bên bờ, nhằm đánh phá ngăn chặn lực lượng, phương tiện vượt sông của ta. Mặt khác, ta khó có thể huy động đủ tàu xuồng có vận tốc lớn để đưa một lúc một trung đoàn qua dòng sông rộng. Vài ý kiến nêu tận dụng bè mảng, thuyền, phao bơi để vượt sông là khó khá thi vì tốc độ chậm rất dễ làm mồi cho hỏa lực địch. Từ sự phân tích cụ thể trên, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định chuyển nhiệm vụ chủ yếu cho Trung đoàn 64 và nhấn mạnh: Đơn vị cùng một lúc thực hiện hai hình thức tác chiến trên một đoạn bến vượt, trong đó Tiểu đoàn 9 bí mật vượt sông đánh chiếm bờ Tây mở rộng đoạn đổ bộ, tạo điều kiện cho lực lượng chủ công của trung đoàn tiến công vào trung tâm thị xã. Nếu gặp tình huông khó khăn, Sư đoàn, trung đoàn sẽ tập trung hỏa lực, phương tiện cho Tiểu đoàn 7 vượt sông bằng sức mạnh đánh vỡ phòng tuyến địch. Để việc chỉ huy được sâu sát hơn, tôi cho Sở chỉ huy Sư đoàn rời khu vực Chúp lên gần bờ sông và cử đồng chí Tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Hữu Mão trực tiếp xuống tăng cường Trung đoàn 64, sau đó báo cáo phương án tác chiến với Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn.
Giữa lúc cả Sư đoàn đang khẩn trương hoàn tất mọi công việc cho trận đánh gấp (đánh theo mệnh lệnh, đánh theo yêu cầu) thì đúng 20 giờ trong ngày, Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn điện cho tôi: "Sư đoàn được phép chuẩn bị thêm một ngày". Theo đó, Tư lệnh nhấn mạnh thêm ý nghĩa chiến dịch của trận đột phá này và không quên nhắc nhở tôi phải tính toán cẩn trọng, cụ thể, tỉ mỉ từng khâu chuẩn bị và việc vận dụng các hình thức chiến thuật, kỹ thuật trong tác chiến vượt sông, đặc biệt là việc tập trung tạo sức mạnh không chế hỏa lực địch ở bờ phía Tây để xung lực đủ điều kiện phát triển. Tin này làm đa số cán bộ chỉ huy tham mưu có cảm giác "dễ thở hơn" đôi chút về sức ép thời gian. Nhưng đây lại là trọng trách chính trị, là sự ủy nhiệm tin cậy của Tư lệnh Quân đoàn đối với tôi - một cán bộ có nhiều năm dưới quyền chỉ huy của ông.
Vì thế, tranh thủ thời gian quý báu còn lại (đêm 4 ngày 5-1), tôi cùng các anh trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn thay nhau xuống các trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc kiểm tra, đôn đốc cán bộ các cấp từ đại đội đến trung đoàn khẩn trương hoàn thiện kế hoạch công việc chuẩn bị, tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị và các hướng chiến dịch. Trong buổi làm việc với Trung đoàn 64, tôi nói rõ lực lượng, phương tiện của Sư đoàn, Quân đoàn tăng cường chi viện cho trận đánh (18 xuồng máy, 4 xe tăng T54, bốn xe tăng PT76, sáu khẩu pháo 155mm, 4 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu pháo cao xạ 57mm, 4 khẩu pháo cao xạ 37mm) để cán bộ chỉ huy tác chiến (đặc biệt là Tiểu đoàn 9 đảm nhiệm bến vượt bí mật và Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm bến vượt công khai) tập trung thảo luận tìm ra phương án tối ưu: Làm sao vượt sông nhanh nhất đánh chiếm được thị xã, mở đường cho chủ lực Quân đoàn tiến vào Phnôm Pênh!
Sau gần một ngày đêm ráo riết chuẩn bị bổ sung vật chất, tinh thần cho trận đánh lớn, 19 giờ ngày 5-1-1979, lệnh chiếm lĩnh trận địa của Bộ Tư lệnh Sư đoàn phát ra. Trong đêm mờ se lạnh, gió lộng thổi từ mặt sông lên, các phân đội công binh cầu phà ở hai bến vượt (cách nhau l,8km) chuyển toàn bộ số xuồng máy hạ thủy an toàn. Hàng trăm người dân vùng mới giải phóng (nạn nhân của chế độ diệt chủng Pồn, Pôt) bất chấp pháo địch bắn như vãi đạn từ cầu Khmung ra bến sông, vẫn bình tĩnh giúp đỡ bộ đội kéo, đẩy hàng chục khẩu pháo vào trận địa trên đoạn đường dài gần 5km...
Mọi công việc chuẩn bị cho trận tiến công của Sư đoàn đang diễn ra suôn sẻ thì bỗng nhiên xuât hiện tình huống (nằm trong dự kiến). Hai giờ sáng ngày 6-1, địch bí mật đưa một tiểu đoàn từ phía Tây Nam vượt sông sang phía Đông Bắc (tiếp cận nơi xen kẽ giữa Tiểu đoàn 9 và Tiểu đoàn 1) kết hợp với tàn binh bất ngờ đánh vào Tiểu đoàn 1. Để xử lý tình huống này, một mặt tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 1 giữ chắc tuyến công sự trận địa bảo vệ Tiểu đoàn 9 chuẩn bị bến vượt. Mặt khác, tôi chỉ thị cho Trung đoàn 52 dùng Tiểu đoàn 6 dâng cao đội hình đánh thẳng vào lưng địch, phối hợp với Tiểu đoàn 1 đánh chính diện tiêu diệt chúng. Bị phản đòn quyết liệt tiểu đoàn ô hợp địch hoảng sợ phá chạy, tốp nhảy xuống sông, tốp dạt lên phía Bắc.
4 giờ 30 phút (giờ G đã điểm), sau khi kiểm tra toàn bộ các mũi hướng (xung lực, hỏa lực) đặc biệt là hai bến vượt, tôi hạ lệnh cho Trung đoàn 64 cho Tiểu đoàn 9 vượt sông theo phương án bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ. Phân đội đi đầu của Tiểu đoàn 9 tiến được 1/3 sông thì địch bên bờ Tây phát hiện và tập trung hỏa lực ngăn chặn. Trong vòng 15 phút 6/9 xuồng máy vượt sông bị bắn thủng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 9 hy sinh, hỏa lực địch đan chặt mặt sông, không thể ra được.
Thấy thời cơ bí mật vượt sông tiếp cận không còn, được sự đồng ý của Tư lệnh Kim Tuấn, chúng tôi cho Trung đoàn 64 chuyến sang phương án tiến công bằng sức mạnh.
5 giờ 30 phút, trời sáng dần đã có thể quan sát được các mục tiêu bên kia sông, tôi ra lệnh pháo bắn chuẩn bị. Trong khi hai trận địa pháo 155mm (của Quân đoàn) bắn cầu vồng đạn thi nhau chụp xuống trung tâm chỉ huy trong thị xã, thì từ các trận địa pháo bắn thẳng 105mm, 85mm, 57mm, 37mm dồn dập nã đạn vào tuyến công sự sát mép nước. Các xe tăng T54 cùng tiến ra bờ sông dùng pháo l00mm chế áp mãnh liệt mục tiêu địch. Trong lịch sử chiến đấu của Sư đoàn có lẽ chưa bao giờ thấy mật độ hỏa lực tập trung và có hiệu qụả như thế. Những tiếng nổ chồng lên nhau, kéo dài, rền vang. Hai chiếc ca nô lớn của địch bị bắn cháy ngay từ loạt đạn đầu, khói cuộn lên che khuất tầm nhìn hàng trăm mét, một loạt các hỏa điểm bị phá hủy và bị chế áp. Thị xã Công Pông Chàm ngập trong biển lửa, sở chỉ huy tiền phương của bộ tổng tham mưu và tướng Xon Xen bị trúng đạn rối loạn, các tuyến hỏa lực sát mép nước và bờ đôi diện bị đập nát.
6 giờ 30 phút, cuộc vượt sông bằng sức mạnh của bộ đội ta bắt đầu. Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Vũ Cối, Tham mưu trưởng sư đoàn Nguyễn Hữu Mão và cán bộ tham mưu rời hầm chỉ huy lao ra sát mép nước trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 7 và lực lượng phối thuộc thần tốc vượt sông. Sau này, mỗi khi gặp tôi đồng chí Vũ Cối vẫn xúc động tâm sự: "Đây là trận thú vị nhất trong đời chiên đấu và chỉ huy chiến đấu của tôi. Khi bộ đội đã lên thuyền, xuồng áp mép nước dàn trận thì chỉ có một con đường vượt thật nhanh chiếm bờ phía địch, chiếm bằng được thị xã mở đường cho đơn vị bạn tiến vào Phnôm Pênh do đó, khi mũi chủ công Đại đội 3 Tiểu đoàn 7 do Đại đội trưởng Nguyễn Đức Thại và Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều chỉ huy được 6 xuồng cao tốc chuyên chở nhằm thẳng bờ bên địch rẽ nước xốc tới, các cấp chỉ huy từ Sư đoàn đến trung đoàn đều hồi hộp theo dõi, sẵn sàng xử lý những tình huống xảy ra.
Sau cơn choáng váng vì đạn pháo, địch dần hồi lại và hốt hoảng khi phát hiện được những chiếc xuồng, thuyền ta đang lao như tên trên sông. Chúng hò nhau phát hỏa đánh trả, phút đầu còn chuệch choạc, về sau càng dồn dập. Đã ra giữa sông mà khoảng cách vẫn còn là lớn. Trong chiến tranh, đôi khi những khoảng cách "ý chí và nghị lực” không chỉ đo đếm bằng đơn vị chiều dài thông thường, mà bằng hệ số bom đạn đã nhân lên gấp bội. Dưới những loạt đạn pháo 85mm, ĐKZ, những chùm 12,7mm, đại liên, súng cối các loại của địch xối ra, mặt sông oằn lên sôi sục. Trước thử thách khắc nghiệt đó, bộ đội ta dũng mãnh nhằm thẳng vào kẻ địch và tăng hết tốc độ đánh chiếm bãi đổ bộ.
Đế xử lý tình huống này, sau khi nhận được điện qua máy PRC (vô tuyến) của Đại đội trương Nguyễn Đức Thại để nghị cấp trên chi viện, Trung đoàn 64 lập tức cho hỏa lực tiêu diệt những hỏa điểm lợi hại nhằm hạn chế lưới đạn địch quét trên sông. Vào cách bờ chừng l00m chiếc xuồng đi thứ hai bị trúng đạn làm Tiểu đoàn phó
Nguyễn Văn Điều bị thương và một chiến sĩ hy sinh. Chiếc xuồng vẫn quả cam lao thẳng bờ địch. Giây lát sau xuồng đi đầu của Thại cũng trúng đạn, thủng hai lỗ. Binh nhất Vũ Mạnh Tuấn cởi áo bịt chỗ thủng. Đã tới tầm sử dụng hỏa lực, bộ đội ta nổ súng quét mạnh vào quân địch dọn vị trí đổ bộ. Một tốp lính áo đen lợi dụng kè đá nhảy xuống mấy công sự sát mép nước. Chúng lựa thế xoay khẩu 12,7mm và nạp đạn vào khẩu ĐKZ 82mm. Nhưng chúng chưa kịp phát hỏa đã bị hàng chục chớp lửa đạn các loại của ta chụp xuống làm câm bặt.
Chớp thời cơ thuận lợi, quân ta bắn theo từng chùm đạn đủ loại, chớp nhoáng lên sau kè đá. Sáu mũi xuồng vừa lần lượt gán vào lợi cát, các chiến sĩ ta đã nhảy qua mép nước áp vào bờ lựa vật che chắn tiến công địch. Hoảng hốt, một số tên vứt súng tháo chạy ngược lên. Thại nhảy tới chụp khẩu ĐKZ 82mm quay nòng, nạp đạn. Nhưng nó đã bị hỏng kính ngắm. Anh nheo mắt theo nòng "bắn vo" năm quả đạn diệt và khống chế các hỏa điểm địch. Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Phương dẫn đầu các chiến sĩ chiếm từng gò đất, gốc cây. Một khẩu đại liên địch lợi dụng thân cây thốt nốt đổ, bắn cày tung đoạn dốc trước mặt. Hai chiến sĩ ngã xuống. Trung đội bị chững lại. Hạ sĩ Đinh Xuân Khoa xách B40 bám theo vạt cỏ thấp bò sang trái. Hiếu ý bạn, hạ sì Nguyền Đình Phùng dùng khẩu PRĐ bắn thu hút. Khoa cứ nhích dần lên. Khi khẩu đại liên địch không còn vật che khuất, nòng súng của Khoa đã hướng vào mục tiêu thì bất ngờ bị quả M79 nổ cạnh. Trán Khoa dính mảnh, máu chảy tràn qua mắt. Khoa nén đau vuốt mặt, rồi lựa thế đứng bật dậy, bắn quả B40 nổ trùm lên khẩu đại liên. Mục tiêu bị diệt, Nguyễn Đức Thại, Nguyền Ngọc Phương dẫn bộ đội ào lên băng qua đường.
Cùng lúc ở phía trái bờ cát, Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Điều mặc dù bị thương vần trực tiếp chi huy hai trung đội đánh bật dịch khỏi các vị trí cố thủ, lần lượt chiếm từng dãy công sự. Bằng tinh thần quá cảm quyết chiến, quyết thắng, sau hơn 30 phút chiến đấu. Đại đội 3 với vài chục tay súng (được hỗ trợ đắc lực của đơn vị bạn) đã đánh chiếm đoạn đổ bộ chừng 300m (kể cả mặt đê).
Trên tinh thần chủ động, mau lẹ, ngay sau khi Đại đội 3 chiếm được dãy công sự vành ngoài trong hệ thống phòng thủ thị xã của địch, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Kiều Bảo và Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Hội lập tức cho các đại đội 1, 2 và hỏa lực lợi dụng đoạn đột phá của Đại đội 3 mở rộng bãi đổ bộ làm bàn đạp cho chủ lực của trung đoàn tiến vào thị xã Công Pông Chàm. Bất chấp pháo đạn địch ở thị xã bắn ra mặt sông, Đại đội xe tăng lội nước PT76 triển khai đội hình vượt sông chi viện cho các đơn vị bộ binh. Các phân đội công binh nhanh chóng hạ thủy ghép phà chuyên chở bộ đội và binh khí kỷ thuật. Tiếp đến chỉ huy Trung đoàn 64 cho Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 1 vượt sông tạo thêm mũi hướng tiến công vào thị xã.
Quan sát, chỉ huy, nắm bắt toàn cảnh diễn biến chiến đấu của bộ đội, tôi cầm máy (hữu tuyến) báo cáo Tư lệnh Quân đoàn Kim Tuấn, trong đó nhấn mạnh Tiểu đoàn 7 đã chiếm được đầu cầu phía Tây. Địch còn chống trả mạnh, nhưng lực lượng của Trung đoàn 64 đã đang vượt sông đánh chiếm những vị trí có lợi... Từ đầu dây bên kia, Tư lệnh lặng yên nghe tôi báo cáo. Ông có vẻ hài lòng, chỉ nhắc nhở tôi nhớ 10 giờ 30 phút. Đó là thời điểm Sư đoàn 320 phải làm chủ thị xã để mở đường cho Sư đoàn 10 thọc sâu phối hợp cùng các quân đoàn bạn trên các hướng tiến vào giải phóng Phnôm Pênh.
Sau khi báo cáo Tư lệnh Quân đoàn, tôi cùng các cán bộ chủ chốt của Phòng Tham mưu rời sở chỉ huy đi ra bến sông trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 64 nhanh chóng cho các tiểu đoàn (đã vượt sông) thọc sâu chia cắt địch (theo kế hoạch), khống chế chặt và tiêu diệt các mục tiêu (cụm địch), đồng thời đốc thúc các lực lượng phối thuộc đẩy nhanh tốc độ vượt sông để hỗ trợ cho các đơn vị chiến đấu. Đã hơn nửa năm chỉ huy Sư đoàn chiến đấu trên Mặt trận biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, tôi biết rõ đối tượng tác chiến này chỉ lì lợm đánh trả lúc ban đầu, khi bị ta đánh mạnh, đánh đau, thấy không còn cơ hội bám trụ là phá chạy đế giữ gìn lực lượng. Vì thế, sau gần một giờ bị Tiểu đoàn 7 đánh chính diện thu hút để Tiểu đoàn 8 thọc sâu chia cắt địch thành hai mảng, chúng còn tổ chức chống cự, phản kích lại. Đến khi hai tiểu đoàn 9 và 1 sang sông mau lẹ mở rộng địa bàn vừa tiến công bên sườn vừa vu hồi có xe tăng yểm trợ thì địch núng thế hoảng loạn phá chạy. Thừa thắng, quân ta dồn địch vào từng ngõ phố, căn nhà kêu gọi đầu hàng để được khoan hồng. Những tốp địch ngoan cố chạy túa ra "mở đường máu" định thoát thân. Nào ngờ gặp lực lượng ta ở phía sau tràn lên chà đi xát lại.
Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của ta, gần một sư đoàn địch còn lại chốt giừ trung tâm thị xã Công Pông Chàm đã bị vỡ trận. 10 giờ ngày 6-1-1979 "Cánh cửa thép" phía Bắc vào Phnôm Pênh được khai thông. Sư đoàn 10, lực lượng thọc sâu (có lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phối hợp) ào ào vượt sông nhằm thẳng hướng mục tiêu quyết chiến chiến lược xốc tới. Với sức mạnh không gì ngăn cán nổi, Sư đoàn 10 (do Trung đoàn 28 dẫn dầu) được xe tăng, thiết giáp và pháo binh yếm trợ, lần lượt nhổ tung các tuyến phòng thủ của địch ở ngã ba Xơ Kun, dãy Phu Chê vượt sông Tôn Lê Sáp đánh chiếm các mục tiêu lử thủ đô Nông Phênh như : nhà máy xay, nhà máy cơ khí, kho súng đạn... rồi phát triển sang phía Đông chiếm bộ Tổng tham mưu của quân đội Pôn Pốt - Iêng Xari, bắt liên lạc với Quân đoàn 4 ở hướng tiến công chủ yếu. 11 giờ 30 phút ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng. Lá cờ năm ngọn tháp vàng của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia phần phật tung bay trên đỉnh cột cờ hoàng cung, chấm dứt chế độ diệt chủng phản dân hại nước của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari.
Hình ảnh sông Mê Công |