CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ - TÂN CẢNH THÁNG 4/1972 .

Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972 là chiến thắng lớn nhất của quân và dân Tây Nguyên từ trước tới thời điểm đó . Nó đã đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên , giải phóng một vùng rộng lớn suốt từ Võ Định tới Play Cần . Nhân kỷ niệm 46 năm chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh . Trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Đoàn Viện về chiến dịch lịch sử này .

CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ - TÂN CẢNH THÁNG 4/1972 

Cuối năm 1971 quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng vạch kế hoạch mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn trên toàn mặt trận vào năm 1972, Tây nguyên được xác định một trong những hướng tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực nhằm phối hợp với chiến trường chính ở Quảng trị và miền Đông Nam bộ . Đắk tô - Tân Cảnh được chọn là mục tiêu “ điểm huyệt” , đòn đánh quyết định của mặt trận Tây nguyên . Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng đó , Đảng ủy và Bộ tư lệnh mặt trận Tây nguyên quyết định mở chiến dịch xuân hè 1972 “ tiêu diệt địch giải phóng Đắc tô, Tân cảnh , nếu thời cơ thuận lợi thì giải phóng thị xã Kon Tum “
Đây là một quyết định táo bạo , một chiến dịch quan trọng , vì ta phải chủ động tiến công địch trong hệ thống phòng ngự có công sự vững chắc . với lực lượng lớn , quy mô tác chiến hợp đồng binh chủng đồng bộ , lại diễn ra trên một bình diện không gian rộng, thời gian dài và địa hình phức tạp . Vấn đề đặt ra là dùng mưu mẹo nhử địch “điệu hổ ly sơn” , kéo lừa chúng ra khỏi hang , khỏi công sự vững chắc để đánh tiêu hao tiêu diệt từng đại đội ,tiểu đoàn, tiến tới đập tan toàn hệ thống phòng ngự mạnh nhất phía bắc Tây nguyên , kiên quyết không cho chúng cầm cự lâu dài , ta phải cầm chắc phần thắng trước mùa mưa . Từ những nghiên cứu phân tích trên, ta xác định cách đánh của chiến dịch là : “ Vây hãm với tiêu diệt kết hợp đột phá “. Quyết tâm của Bộ tư lệnh là “ Khắc phục khó khăn đạp bằng trở ngại , hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “ .
Kon Tum là một địa bàn hết sức quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược của địch ở Tây Nguyên nên chúng tập trung một lực lượng rất lớn với ưu tiên hàng đầu cho vùng 2 chiến thuật về quân số và trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại . Lực lượng địch tại Kon Tum gồm Sư đoàn 22 , Sư đoàn 23 ( thiếu ) , hai liên đoàn biệt động quân số 2 và số 6 , Lữ đoàn dù số2 . Tổng cộng tất cả gồm 44 tiểu đoàn bộ binh , 10 chi đoàn tăng thiết giáp , 7 tiểu đoàn pháo binh với khoảng 170 khẩu từ 105 đến 175 ly, về không quân với hơn 200 máy bay các loại khi cần là chi viện oanh kích kịp thời ngay . Tổng số địch tại mặt trận Kon Tum lên tới 27.000 tên . Riêng tuyến phòng thủ Đắk tô _ Tân cảnh lực lượng địch ở đây có : sư đoàn 22 bộ binh ( gồm trung đoàn 42 và trung đoàn 47 , Trung đoàn thiết giáp số 14 và 2 tiểu đoàn biệt động , tiểu đoàn dù số 9, tiểu đoàn 223 pháo binh ) , 7 đại đội bảo an , trên 300 xe cơ giới quân sự với bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 22 , bên cạnh còn có 20 tên cố vấn Mỹ.
Tuyến ngăn chặn từ xa bờ tây sông Pô Kô từ Ngọc Bờ Biêng ( gồm các cao điểm 1015 , 1049 ...) cho đến Chư Gô Tông do lữ dù 2 đảm nhiệm .
. Phía ta lực lượng có mặt tại chiến trường Tây nguyên lúc bấy giờ gồm có Sư 2 của QK5, sư đoàn 320A cùng các trung đoàn 28, 66 , 95, 24B , trung đoàn 40 pháo binh , trung đoàn 7 công binh , trung đoàn 675 pháo binh , 3 tiểu đoàn cao xạ, Đại đội 7 pháo tự hành, tên lửa mặt đất ( B72) tiểu đoàn 26 công binh, tiểu đoàn 25 vận tải, Tiểu đoàn 24 quân y cùng các lực lượng tỉnh đội Kon Tum , huyện đội H80, H16, H67 ,H40... hàng trăm đội công tác với hàng ngàn dân quân du kích dân công hỏa tuyến .
Địch lúc này cũng đã đánh hơi thấy ta chuẩn bị đánh lớn ở chiến trường Tây Nguyên nhưng không biết mục tiêu nào , ở đâu ? Tấn công vào thời gian nào ? . Để đảm bảo cho chiến dịch giành chắc thắng , Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Mặt trận Cánh Đông , đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Quân - phó tư lệnh Mặt trận làm Tư lệnh , đồng chí Đặng Vũ Hiệp - làm Chính ủy . Gần 500 tấn lương thực , thực phẩm , thuốc men , đạn dược phục vụ cho trận đánh đã được quân ta bí mật vận chuyển bằng gùi , tập kết chủ yếu về hướng đông , Quân ta đã tạo ra một yếu tố hết sức bất ngờ mà kẻ địch không hề biết . Lúc này ta chủ động đánh địch ở khắp nơi . Tây bắc đường 19 bị trung đoàn 95 chặn đánh , Đông nam đường 14 bị trung đoàn 28 chặn đánh , các cao điểm 1015 và 1049 ( từ Ngọc Bờ Biêng đến Cư Tông Gô ) bị trung đoàn 64 của sư đoàn 320 tập kích đánh tiêu diệt . Ta để lộ ý đồ vây ráp đánh lấn uy hiếp thị xã Kon Tum , chia cắt thị xã Plei ku , buộc địch phải điều quân ra khỏi công sự , hầm hào kiên cố để ngăn chặn thì bị ta bao vây tiêu diệt , làm cho lực lượng địch bị hao mòn nghiêm trọng lâm vào thế lúng túng, hoảng loạn .
Ở phía tây sư đoàn 320 A mở màn chiến dịch bằng những trận đánh dữ dội trên các dãy núi cao phía tây sông Pô Kô dọc dãy Ngọc Bờ Biêng Ngọc Rinh Rua (1015 . 1049...) từ đêm 30/3 đến 14/4 /1972 , trung đoàn 52 và tiểu đoàn 19 đặc công vây ép tiêu diệt 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn dù 2 , trên cao điểm 1049 , địch chưa kịp hoàn hồn thì lại bị trung đoàn 64 và trung đoàn 48 của sư 320 tiêu diệt tiếp tiểu đoàn 3 - Lữ dù 3 tại cao điểm 1015 , toàn bộ tuyến phòng ngự phía tây Sông Pô Kô bị đập tan , địch phải co cụm chạy về cố thủ ở thị xã Kon Tum.
Hướng Bắc và Tây Bắc ta có trung đoàn 1 của sư đoàn 2 QK5 cùng trung đoàn 24 và 40 phối hợp với tiểu đoàn 304 bộ đội địa phương tỉnh Kon Tum tiến đánh và bao vây công kích căn cứ Đắc Tô 2, Sân bay Phượng Hoàng và chi khu Quận lỵ Đắk Tô khiến cho quân địch lâm vào cảnh khốn đốn . Trên quốc lộ 14 Trung đoàn 28 chặn đánh cắt đường giao thông tiếp tế của địch đã tiêu diệt gọn 2 chi đội xe thiết giáp , đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 23 Biệt đông quân ngụy . Pháo binh ta bắn trúng bộ chỉ huy lữ dù số 2 và số 3. Đại đội 19 đặc công Trung đoàn 28 tập kích thắng lợi tiêu diệt trận địa pháo hạng nặng ở bản Kon Trang Lang Loi , phá hủy 10 khẩu pháo 155 ly và 20 xe quân sự .
Hướng Gia Lai, Trung đoàn 95 với tiểu đoàn 631 và tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 24 phối hợp với bộ đội địa phương cắt đường 14 , đánh chiếm Chư Thoi , áp sát PLei Ku phá hủy nhiều kho tàng và phương tiện chiến tranh , phá hủy 200 xe tiếp tế quân vụ của địch . Tại căn cứ E42 - Trung tâm chỉ huy của địch ở Bắc Kon Tum lực lượng địch phòng thủ ở đây rất mạnh gồm sở chỉ huy tiền phương sư đoàn 22, sở chỉ huy Trung đoàn 42 , sở chỉ huy thiết đoàn xe tăng 14, một tiểu đoàn xe tăng M41, và hai tiểu đoàn pháo cùng 1.500 quân . Để không cho địch tập trung quân đông tại căn cứ E42 , ta đã nhử buộc địch phải điều tiểu đoàn 1, Trung đoàn 42 ra phía Nam, vùng Hồ thiên Thai,thì bị ta đánh thiệt hại nặng . Tiểu đoàn 3 nống ra phía Bắc đồi Đắk Chu cũng bị ta tiêu diệt. Tiểu đoàn 2 chốt chặn mặt chính ở đồi chùa Tân Cảnh cũng bị ta đánh cho thiệt hại thảm bại . Lực lượng của địch co cụm trong căn cứ E42 bắt đầu hoang mang dao động . Thời cơ tiêu diệt địch ở căn cứ E42 đã bắt đầu xuất hiện , Tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra lệnh cho Tư lệnh cánh Đông - Nguyễn Mạnh Quân chỉ huy nhanh chóng chớp thời cơ tổ chức đột phá đánh chiếm Trung tâm chỉ huy địch ở căn cứ E42 . Trung đoàn 66 , được giao nhiệm vụ chủ công đánh chiếm cụm cứ điểm E42 . Đã có một cú lừa địch ngoạn mục, trong khi chiến sự xẩy ra dồn dập khắp mặt trận thì trung đoàn 66 còn nhởn nhơ ở vùng căn cứ Chư Chok, cách Đắk tô - Tân Cảnh khoảng 100km về phía Tây Nam , cách Kon Tum koảng 50km. Tình báo địch luôn theo dõi mọi hoạt động của Trung đoàn 66 . Vì theo chúng, hễ Trung đoàn 66 ở đâu thì Việt Cộng đánh lớn ở đó ! Theo lô gich nhận định ấy , Trung đoàn 66 phải tiến về tiến về đánh chiếm thị xã Kon Tum . Nhưng ngược lại , Trung đoàn 66 đã bí mật xuyên sơn qua vùng chiến sự ác liệt và rừng núi hiểm trở , vòng sang phía đông , như một mũi giao nhọn bất ngờ áp sát sau lưng căn cứ E42 mà địch không hay biết .Liên tiếp các ngày 21, 22. và 23 tháng 4 các trận địa pháo binh của Trung đoàn 40 và 675 bắn phá quyết liệt vào các mục tiêu xung yếu của cụm cứ điểm E42. Toàn bộ lô cốt bong ke bên ngoài bị phá hủy . 36 chiếc máy bay các loại của địch liên tục oanh kích chi viện cho Tân Cảnh bị ta bắn rơi tại chỗ .
Đêm 23 tháng 4 năm 1972 , 9 xe tăng T54 của đại đội 7 thiết giáp xuất kích, vượt qua ngầm Pô Kô Hạ theo con đường chiến thuật độc đạo K50 mà công binh Trung đoàn 7 mới mở , luồn lách qua các điểm chốt chặn của địch mà chúng không hay biết . Được sự hỗ trợ của xe tăng , trung đoàn 9 phối hợp với đội công tác H80 vừa đánh địch vừa kêu gọi tổ chức nhân dân nổi dậy cướp chính quyền, ta giải phóng Tân Cảnh lúc 4 giờ 55 phút ngày 24/4/ 1972
5 giờ 10 phút toàn bộ hỏa lực pháo binh các loại và tên lửa mặt đất của ta chuyển làn đánh đòn sấm sét cuối cùng vào sào huyệt E42 . Các chiến sỹ trung đoàn 66 cùng xe tăng dũng mãnh xông lên băng qua giao thông hào , hàng rào vượt qua đầu cầu cửa mở xông lên đánh giáp lá cà với quân địch , chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt , người trước ngã người sau tiến lên , xe tăng của ta lúc di chuyển ta lắp ống giảm thanh để địch không nghe tiếng động cơ , đến gần mục tiêu được tháo ra , rồ ga tiếng máy xe tăng gầm rít uy hiếp làm cho địch vô cùng hoảng sợ , tên lửa B72 lần đầu tiên xuất hiện ở chiến trường Tây Nguyên điều mà bọn cố vấn Mỹ không lường trước loại vũ khí khủng khiếp này nó được điều khiển bằng hệ thống ra đa hữu tuyến , đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào đã chọn , lại có sức công phá lớn . Hàng chục quả tên lửa đan xen thi nhau chớp lửa xanh lè , rùng rợn liên tiếp tiêu diệt các xe tăng và lô cốt địch trong căn cứ . Bộ binh ta đã dũng mãnh xung phong tiêu diệt các mục tiêu còn lại . Đúng 11 giờ , quân ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ 42 , một tập đoàn phòng thủ mạnh nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên . đại tá Lê Đức Đạt - Tư lệnh sư đoàn 22 bị tiêu diệt , Đại tá Vi Văn Bình - phó Tư lệnh sư đoàn 22 và hơn 500 tên địch còn lại trong căn cứ bị ta bắt làm tù binh , ta thu 9 xe tăng , 20 khẩu pháo hạng nặng loại 105 và 155 ly hơn 100 xe quân sự các loại và toàn bộ trang thiết bị phục vụ chiến tranh trong căn cứ . Sau khi làm chủ căn cứ 42 , xe tăng Trung đoàn 273 cùng lực lượng của Sư đoàn 2 -QK5 tổ chức tấn công cụm cứ điểm Đắk Tô 2 , sân bay Phượng Hoàng và Quận ly Đắc Tô và đã làm chủ hoàn toàn các căn cứ này .
Chiến dịch giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh đã kết thúc thắng lợi , lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn phía tây Bắc Tây Nguyên , nối liền từ Cánh Bắc xuống cánh Nam , tạo đà cho những trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng sau này của quân và dân ta


                                                                                                            Đoàn Viện

Sỹ quan và binh lính địch ở căn cứ Tân Cảnh ( E42 ) kéo cờ trắng ra hàng trưa ngày 24/2/1972 .