ANH HÙNG - LIỆT SỸ TRẦN MINH SUNG

KỶ NIỆM 71 NĂM  NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ ( 27/7/1947 - 27/7/2018 )

ANH HÙNG - LIỆT SỸ TRẦN MINH SUNG
                                         Nguyễn Đình Thi

Liệt sỹ Trần Minh Sung sinh năm 1956 , người dân tộc Mường ở xã Trung Sơn , huyện Yên Lập , tỉnh Phú Thọ , thuộc Trung đoàn 24 , Sư đoàn 10 , Quân đoàn 3 . Sung là anh cả trong một gia đình có tới 9 anh em . Trình độ văn hoá chỉ có lớp 4 nhưng trước lúc nhập ngũ , Sung là giáo viên dạy vỡ lòng ở thôn , vì ở quê Sung thời điểm đó văn hoá lớp 4 cũng là cao lắm rồi . Nhà đông anh em lại là anh trai cả , các em còn bé lít nhít , trong đó có tới 3 người em bị mù bẩm sinh nên dù mảnh khảnh , nhỏ con song việc gì cũng đến tay Sung , từ làm ruộng , đi rừng , rồi việc nhà , Sung tỏ ra rất đảm đang . Sung rất giỏi săn bắn và đánh bẫy . Em trai Sung kể : Thời ấy quê em nhiều thú rừng lắm . Lợn rừng , Hươu , Nai có lần về tận gần nhà , có hôm anh Sung đánh bẫy được cả con nai . Tháng 4/1974 , Sung nhập ngũ . Sau 6 tháng huấn luyện ở Miền Bắc , đầu tháng 1/1975 , Sung vào tới chiến trường Tây Nguyên và bổ sung về đại đội 2 của tôi , lúc đó tôi là Chính trị viên phó Đại đội , còn Sung là chiến sỹ B40 . Sung mảnh khảnh , hiền lành và ít nói . Trận đầu tiên Sung tham chiến là trận cùng đại đội tôi đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 địch ở thị xã Buôn Ma Thuột . Đây là một trận đánh rất ác liệt . Sáng ngày 11/3/75 , khi đang đánh theo trục đường 429 tiến về Sở chỉ huy Sư đoàn 23 thì một xe bồn chở xăng của địch chắn ngang đường trúng đạn , bốc cháy dữ dội buộc đại đội tôi phải đánh vòng sang bên trái đường 429 . Đây là khu vận tải của Liên đoàn 350 . Chiếm được khu vận tải , đại đội tôi đánh ngoặt ra trục đường 429 để tiến về Sư bộ Sư 23 . Khi ra tới gần đường 429 , Trần Minh Sung phát hiện một khẩu đại liên của địch đang bắn như vãi đạn chặn quân ta từ hướng đường 429 tiến lên . Do từ phía sau tiến đến , và do tiếng súng giữa ta và địch bắn nhau loạn xạ nên tên địch bắn đại liên không phát hiện ra Trần Minh Sung đang ở phía sau mình . Sung giương B40 lên định bóp cò nhưng vì tên địch quá gần và ngay phía sau lưng Sung có bức tường nhà , nếu bắn B40 luồng lửa phía sau hất lại rất nguy hiểm . Nghĩ vậy , Sung quăng khẩu B40 xuống đất , bê vội hòn đá to như hòn gạch cạnh chỗ đứng , choảng mạnh vào đầu tên địch . Tên địch chết tại chỗ. Lập tức Sung quay ngược khẩu đại liên về hướng địch xiết cò , diệt thêm nhiều tên địch , hỗ trợ cho quân ta từ phía sau tiến lên chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 . Sau trận này Sung được tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng 3 . Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra . Cuối tháng 12/1977 , Sung cùng đơn vị ra Mặt trận với cương vị Tiểu đội trưởng . Trong vòng chưa đầy 3 tháng chiến đấu (từ cuối tháng 12/1977 đến tháng 3/1978 ), từ cương vị tiểu đội trưởng , Trần Minh Sung đã được bổ nhiệm giữ chức đại đội trưởng đại đội 10 - tiểu đoàn 6 - Trung đoàn 24 . Đêm 29/2/1978 , Tiểu đoàn 6 của Trần Minh Sung vào chốt giữ ở bản PLon - CPC . Địch dùng cả một Trung đoàn bao vây . Chúng cắt đứt đường liên lạc từ phía sau lên và tấn công liên tục vào các vị trí chốt của Tiểu đoàn . Riêng chốt của Đại đội Sung chúng tấn công liên tục suốt ngày đêm , Sung vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị đánh bật các đợt tấn công của địch , giữ vững trận địa . Ngày 3/3/1978 , chốt của Đại đội 9 ở phía trên cùng của Tiểu đoàn bị địch vây tròn 3 ngày liền và có nguy cơ bị chúng tiêu diệt hoàn toàn . Vũ khí , lương thực , nước uống không thể tiếp tế lên được . Trong khi đó địch vẫn tiếp tục hò hét tấn công lên với ý đồ bắt sống lực lượng Đại đội 9 còn lại . Trần Minh Sung lúc này được Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Sờ giao cho nhiệm vụ tổ chức một lực lượng phối hợp với C11 và C12 lên giải vây cho Đại đội 9 . Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn vì quân địch đã chiếm được nhiều vị trí chốt của ta , mặt khác lực lượng địch lúc này rất đông . Tình hình lúc đó không phải không có người dao động , kể cả cán bộ , nhưng Sung không sợ nguy hiểm , dẫn đầu đội hình xông lên chiến đấu . Khi tiến cách chốt Đại đội 9 chừng gần 100m thì số anh em đi cùng Sung hầu hết bị thương và hy sinh , chỉ còn lại anh và 2 đồng chí , anh động viên anh em và gom hết số vũ khí súng đạn của anh em bị thương và hy sinh lại tiếp tục chiến đấu . Lúc thì Sung dùng M79 , lúc thì Sung dùng B40 , B41 , lúc thì dùng AK đánh trả quân địch , diệt hàng chục tên . Lúc này Sung cũng dính đạn địch , bị thương ở vai , ở chân máu ra nhiều nhưng anh không hề nào núng , vẫn tiếp tục nổ súng đánh trả quân địch .Trận chiến kéo dài hàng tiếng đồng hồ , mỗi lần địch xông lên lại bị Sung đánh bật trở lại . Biết không thể bắt sống được Sung , địch tập trung hỏa lực ĐKZ bắn trực tiếp vào nơi Sung đang nổ súng và anh đã anh dũng hy sinh . Trong vòng hơn 1 tháng , trên cương vị đại đội trưởng ( từ tháng 2/1978 đến 3/3/1978 ) anh đã chỉ huy đại đội bắn cháy 2 xe tăng , diệt 150 tên địch , thu hơn 20 súng , bản thân Trần Minh Sung diệt 21 tên , thu 4 súng . Sau trận đánh này anh được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 2 . Ngày 28 tháng 8 năm 1981 , Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sỹ Trần Minh Sung.
37 năm yên nghỉ tại nghĩa trang Tây Ninh, năm 2015, Liệt sỹ Trần Minh Sung đã được chính quyền huyện Yên Lập đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà. Chỉ tiếc sau giải phóng, mãi tới năm 1977, trong đợt ra nhận quân ở Hà Nam Ninh, Sung chỉ được ghé qua nhà đúng 2 đêm, 3 ngày, chưa kịp cưới cô người yêu từ lúc chưa nhập ngũ mà 2 gia đình đã ăn hỏi rồi trở về đơn vị chiến đấu và hy sinh.

NĐT

Ảnh: LS Trần Minh Sung