NGUYỄN TRUNG DU - CON NGƯỜI VÀ THƠ TRÊN TRANG LÍNH TÂY NGUYÊN

NGUYỄN TRUNG DU - CON NGƯỜI VÀ THƠ TRÊN TRANG LÍNH TÂY NGUYÊN


Cùng bạn đọc thân mến !
Nếu ai đã từng đọc & yêu mến trang Lính Tây Nguyên, hẳn không thể không biết về cô giáo Nguyễn Trung Du, một thành viên của ban quản lí trang, một người bạn, một người chị, một người em của bao bạn đọc nói chung & cũng là một người em gái thân thương của những người lính Tây Nguyên chúng tôi, của trang Lính Tây Nguyên.
Vâng ! Quả đúng là vậy. Chúng ta bắt gặp hình ảnh một “Em gái Trung đoàn” ( Tên biệt danh chúng tôi dành cho chị ) trên trang FB cá nhân Nguyễn Trung Du nói riêng và trang Lính Tây Nguyên nói chung, một người phụ nữ tuổi ngoài bốn mươi đôn hậu, duyên dáng với nụ cười rất tươi .
Ở bài viết này, chúng tôi không đề cập tới vẻ đẹp tươi tắn và rất có duyên của chị mà muốn nói tới tâm hồn của chị qua hai mảng đề tài: Hình ảnh người lính Tây Nguyên & tình yêu trong thơ của chị.
Trước hết là mảng đề tài hình ảnh người lính Tây Nguyên.
Cánh lính Tây Nguyên chúng tôi nói riêng và bao bạn đọc nói chung mỗi khi đọc những bài thơ của chị không thể không trầm trồ khen ngợi những bài thơ đầy ắp tình người:
“ Em chưa một lần khoác lên mình áo lính
Nhưng trong em chất lính có lâu rồi
Khi anh vào chiến trường em còn ở trong nôi
Chiến tranh đi qua em vẫn là cô bé”
Ôi ! Lời tự giới thiệu sao mà khiêm tốn, vừa nhẹ nhàng, vừa êm ái đến như vậy. Cánh lính chúng tôi không thể không ngạc nhiên và tự hỏi thầm:
“ Em chưa một lần khoác lên mình áo lính
Nhưng chất lính trong em có tự bao giờ
Có phải chăng từ những vần thơ
Trong sách giáo khoa và đi vào giáo án.”
Tháng 6/2016, chị có dịp cùng đoàn Phòng Giáo dục và Đào tạo Phù Ninh, Phú Thọ vào thăm Tây Nguyên, chị đã làm bài thơ “ Tây Nguyên một thuở” . Đọc xong bài thơ, những người Lính Tây Nguyên chúng tôi thật sự xúc động trước một tâm hồn dạt dào chất lính. Những cụm từ “ anh đưa em”, “ anh dắt em” cộng với những địa danh Đắc Tô, Tân Cảnh, Măng Bút, Măng Đen..và những hình ảnh đặc trưng của Tây Nguyên như sông Sa Thầy, Pô Kô, Sê San, hoa Pơ lang, Dã quỳ...lần lượt xuyên suốt bài thơ khiến người đọc cứ ngỡ là một CCB lâu lắm rồi chưa được trở lại chiến trường xưa, nay được trở lại nơi mình đã sống và chiến đấu mới thốt lên được những vần thơ nồng nàn và cháy bỏng như vậy.
Anh đưa em về thăm lại Tây Nguyên
Thăm chiến trường xưa một thời máu lửa
Giữa cánh rừng cao su vẫn căng tràn dòng nhựa
Đồng đội mình đã nằm lại nơi đây…
Hơn bốn mươi năm vết thương sẹo đã lấp đầy
Những con sông vẫn đầy vơi theo mùa nước
Nhưng nỗi đau chẳng thể nào nguôi được
Bao đồng đội mình chưa trở lại quê hương”
Sự thay da đổi thịt của mảnh đất Tây Nguyên bởi những con đường nhựa thẳng tắp mịn màng, bởi những cánh rừng cao su, hồ tiêu rộng lớn, hay hoa Dã quỳ vàng ươm, hoa Pơ lang đỏ thắm vẫn không làm mờ đi được những gian khổ, đau thương, mất mát năm xưa. Chỉ có những người lính thực thụ mới cảm nhận được điều này. Vậy mà cô giáo Nguyễn Trung Du của chúng tôi đã có một sự đồng cảm thật sự sâu sắc và xúc động.
Năm 2017, chị có dịp vào Buôn Ma Thuột tham dự buổi lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ do đồng dội Ngô Duy Chuyên các CCB Buôn Ma Thuột tổ chức, chị gửi đăng bài “Giỗ trận tháng Ba”
“ Tôi lại về giỗ trận tháng Ba
Đồng đội gặp nhau trong nhạt nhòa hương khói
Trời Tây Nguyên cao xanh vời vợi
Lần từng tấm bia nghèn nghẹn gọi tên người”
Hình ảnh “gặp nhau trong nhạt nhòa hương khói” khiến người đọc cảm thấy ngậm ngùi. Những lần gặp gỡ trước thì tay bắt mặt mừng, những cái bắt tay nồng thắm, những nụ cười rạng rỡ, những vòng tay ôm chặt bởi bao ngày xa cách vậy mà hôm nay...
Phải chăng những làn khói hương nhạt nhòa đang lan tỏa kia chính là những sợi dây vô hình kết nối những người còn sống và những người đã mất hay nói một cách khác đấy là những tín hiệu thông tin kết nối giữa cõi âm và cõi dương giống như mạng lưới thông tin kết nối giữa các đơn vị trên cùng mặt trận thuở nào ! Tháng Ba, tháng gợi lên trong lòng người lính Tây Nguyên biết bao kí ức. Tháng của bước ngoặt lịch sử và cũng là tháng đau thương, mất mát. Mất mát quá lớn đối với trung đoàn đặc công 198 khi đánh sân bay Hòa Bình. Mất mát quá lớn ở tiểu khu Đắc Lắc đối với tiểu đoàn 6 trung đoàn 24. Chính vì vậy chị đã phải thốt lên:
“ Anh Tám, anh My, anh Oánh, anh Khải ơi
Chúng tôi về giữa cuộc đời, các anh nằm trong đất
Hôm nay gặp nhau tay trong tay nắm chặt
Nghe tim mình quặn thắt nỗi đau xưa”
Trong bài “ Kí ức tháng Tư”, chị cũng thể hiện một nỗi lòng trăn trở:
“ Ai đã từng đi qua tháng Tư
Sẽ không quên những ngày khói lửa
Giữa thẳm sâu một vùng quên, nhớ
Luôn hiện về kí ức tháng Tư”
Cũng như tháng Ba, tháng Tư đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người lính Tây Nguyên nói chung và cô giáo Nguyễn Trung Du nói riêng. Dường như chị cũng hòa mình vào đoàn quân đang trên đà thắng lợi:
“ Giải phóng Tây Nguyên các anh lại lên đường
Đánh Lữ dù 3 trên đèo Ma Đơ Rắc
Đường 21 ghi tên đèo Phượng Hoàng lẫm liệt
Chiến thắng lẫy lừng xương máu cũng nhiều thêm”
Mạch thơ của chị dường như một sợi dây vô hình theo sát bước chân người chiến sĩ. Đoàn quân bách chiến bách thắng đi tới đâu, mạch thơ của chị cũng đi tới đó.
Khi thì:
“ Tiến về thành đô qua Đồng Xoài, Bình Phước
Dầu Tiếng, Lâm Đồng, Di Linh, Bảo Lộc
Đến Ba Ngòi rồi còn tổn thất máu xương”
Khi thì:
“ Ai đã từng qua quốc lộ 22
Không thể quên trận Đồng Dù ác liệt
Sư 320 yểm trợ cho sư 10 quyết tiến
Về Sài Gòn giải phóng thành đô”
Trang Lính Tây Nguyên mỗi khi đăng bài thơ của chị, bạn đọc mỗi khi đọc bài thơ của chị không thể không thốt lên những lời thán phục, một cô giáo, một người chiến sĩ , một hồn thơ tràn đầy cảm xúc, chứa chan tình người.
Ở mảng đề tài thứ hai, chúng ta lại bắt gặp một hồn thơ lãng mạn và bay bổng với những hình ảnh minh họa thu hút người đọc. Cũng như đề tài về người lính, mỗi khi làm về thơ tình, chị lại dành hết tâm huyết vào hình ảnh trong tự nhiên để nắm bắt cái hồn, cái sắc của thế giới tự nhiên để đưa vào trong thơ.
“Bài thơ "Vô tình" chị của khiến người đọc đặt câu hỏi: Vô tình” hay “ hữu ý “ đây ? Một hồn thơ lai láng, một hồn thơ dạt dào như vậy mà “lơ đãng” đến vô tình được sao? Không đâu, đấy là cái cớ, cái duyên, cái khéo để dẫn dắt người đọc đi từ những sự vật, hiện tượng tưởng nhu vô tri nhưng lại được thổi hồn vào một cách rât hữu tình.
"Vô tình cơn gió lướt qua
Để cho tiếng sao ngân nga lưng trời
Vô tình giọt nước đánh rơi
Để cho hạt ngọc rạng ngời mắt ai
Vô tình tia nắng sớm mai
Nhòm qua khe cửa để ai thẫn thờ"
Những hình ảnh trong thơ chị nhẹ nhàng, lãng mạn, thanh thoát biết nhường nào. Tứ thơ, hình ảnh thơ, cảm xúc
cứ hòa quện vào nhau thành một vòng tròn quấn quýt, vương vấn người đọc. Vô tình ư ? Lẽ thường vô tình là người ta không để ý tới một sự việc nào đó mà không nhận biết được, đằng này, vô tình gì mà lại nắm bắt được cơn gió ven hồ, tiếng sáo lưng trời hay giọt nước, tia nắng, câu nói ỡm ờ...À thì ra đấy là cái cớ, cái tâm hồn rất thơ, rất lãng mạn mà chị muốn thể hiện.
Trong bài “ Gửi nắng cho anh” chị cũng dãi bày một tâm trạng, một hồn thơ rất lãng mạn. Hai mươi bốn câu thơ với đủ các loại nắng: nắng vàng, nắng heo may, nắng tháng năm, nắng hường...nắng nào người đọc cũng thấy nhẹ nhàng, bình dị rất thật,rất chân tình như chính con người chị.Mỗi một cái nắng chứa đựng một tâm trạng, một trạng thái mà chỉ riêng chị mới có. Trong cái nắng vàng có sự bẽ bàng của ngày xưa, có đường đi muôn nẻo, có đục trong của mỗi con người. Nắng heo may có bóng chim câu vụt thoáng trên cao. Nắng tháng năm thiêu cháy cả đêm rằm. Trong số những cái nắng mà chị thể hiện, có một cái nắng rất đặc biêt, cái nắng ấy có hình, có khối, rất nhẹ nhàng, rất dài và nhỏ mà ta có cảm tưởng giơ tay đón lấy được ấy là sợi nắng dây:
“ Gửi anh một sợi nắng dây
Em đem buộc chặt tháng ngày thênh thang”
Hình tượng đến thế là cùng! Bao nhiêu cái nắng chị gửi vào đó tất cả những tâm tư, tình cảm của mình để rồi chia sẻ cho mọi người. Thi vị đến nhường nào. Riêng chỉ có một cái nắng chị xin được giữ lại ấy là cái nắng của chiều hôm qua:
“ Gửi anh chút nắng hôm qua
Em đem gói lại để mà nâng niu
Còn đây chút nắng cuối chiều
Phần em giữ lại bấy nhiêu cho mình”
Có thể nói đoạn thơ cuối bài toát lên tình cảm thắm thiết nhất, chân thành nhất. Hai câu cuối bài khép lại bài thơ sao mà hay đến thế, hay đến mức không tưởng:
“ Còn đây chút nắng cuối chiều
Phần em giữ lại bấy nhiêu cho mình”
Khi bình bài thơ "Gửi nắng cho anh", Bạn FB Nhà thơ lão nông đã viết: "Nắng của Nguyễn Trung Du mùa nào cũng đẹp. Cái đẹp còn tỏa sáng trong con người em - một cô giáo duyên dáng, dịu hiền. Cái ắng trong tay em thật ấm áp, dễ chịu, kế cả cái ắng tháng năm". Quả đúng như vậy! Đọc thơ Nguyễn Trung Du, ta nhận thấy một sự khiêm nhường bình dị nhưng tràn ngập tình yêu thương, lòng vị tha đáng quý trọng biết nhường nào.
Bao nhiêu bài thơ được đăng tải, bấy nhiêu tình cảm của chị dành cho những người lính Tây Nguyên chúng tôi, dành cho bao bạn bè gần xa trên cả nước. Cảm ơn cô giáo Nguyễn Trung Du, cảm ơn người em gái đã góp phần chắp cánh cho trang Lính Tây Nguyên của chúng tôi thêm bay bổng và đầy thi vị.
Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt nam, trang Lính Tây Nguyên xin đăng bài bình thwo của anh Nguyễn Sau - Thành viên BQL trang như một bó hoa tươi thắm, một lời chúc tốt đẹp nhất gửi tới cô giáo Nguyễn Trung Du - "Em gái Trung đoàn"
                                                                                       Nguyễn Sau - E66 - F10

Nguyễn Trung Du vinh dự được diện kiến Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Nguyễn Trung Du thăm Trung tướng Ma Thanh Toàn tại tư gia

Nguyễn Trung Du được Tiến sĩ Luật tặng cuốn sách: tạ Đình Đề - Hững góc khuất cuộc đời
Nguyễn Trung Du nơi ngôi trường cô đang công tác