THƯƠNG NHỚ ĐỒNG ĐỘI NGUYỄN XUÂN KHANG

THƯƠNG NHỚ ĐỒNG ĐỘI NGUYỄN XUÂN KHANG
Liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang
Sau 43 năm yên nghỉ tại nghĩa trang Buôn Ma Thuột , Nguyễn Xuân Khang quê ở Minh Bảo - Trấn Yên - Yên Bái, thuộc Đại đội 1 - Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24, người đã hy sinh trong trận đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã được gia đình và đồng đội đưa về quê yên nghỉ. Trưa 12/11 /2018, khi nghe tin gia đình Khang vào Buôn Ma Thuột đưa Khang về quê, anh em đồng đội E24 ở Buôn Ma Thuột đã vội vã đến ngay nghĩa trang BMT để tiễn đưa Khang. Khi đến nghĩa trang thì được tin gia đình Khang vừa đưa Khang đi rồi. Tưởng nhớ người đồng đội năm xưa, trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu 2 bài viết về Nguyễn Xuân Khang - một bài của bạn học với Khang và một bài của đồng đội cùng chiến đấu với Khang hôm 10/3/1975 ở thị xã BMT, như một nén tâm nhang để tưởng nhớ người đồng đội yêu quý Nguyễn Xuân Khang.
Bài 1. Người viết: CP Giang
Tôi vừa nhận được tin từ vợ chồng người em trai của Liệt sĩ Nguyễn Xuân Khang cho biết: gia đình đang trên đường vào Buôn Ma Thuột để cất bốc hài cốt liệt sĩ. Dự kiến ngày 14/11/2018 sẽ viếng LS tại gia đình. Đến 13 giờ ngày 15/11/2018, Đảng ủy và chính quyền địa phương sẽ tổ chúc truy điệu và an táng hài cốt LS tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnhYên Bái.
Với Nguyễn Xuân Khang, tôi vừa là bạn đồng hương, bạn đồng học (từ lớp 4 đến hết lớp 10), đồng thời là bạn đồng ngũ. Khi vào đến Tây Nguyên tôi được bổ sung về Sư đoàn 320, còn Khang được bổ sung về Sư đoàn 10. Lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi là tại Tân Kim, Phú Bình, Bắc Thái, đã hơn 45 năm rồi.
Nhớ bạn trong nhạt nhòa nước mắt. Tôi treo lại bài viết về LS Nguyễn Xuân Khang coi như một nén tâm hương, tưởng nhớ về người bạn học thông minh, tài hoa, người đồng đội dũng cảm nhưng bạc mệnh. Bài viết này đã được đăng trang trọng trong cuốn “Ký ức tuổi học trò”, cuốn hồi kí của cựu HS khóa 1969-1972 trường phổ thông cấp 3A Yên Bái.
Bài viết này cũng thay cho lời mời các bạn đồng ngũ, các cựu chiến binh, các bạn đồng học về quê hương để chúng ta cùng tri ơn liệt sĩ, đón liệt mẹ
* * * *
Câu chuyện về Liệt sĩ NGUYỄN XUÂN KHANG (1955-1975)
Nguyễn Xuân Khang là học sinh lớp B, khóa học 69-72 Trường Phổ thông cấp 3A Yên Bái. Hồi đi học, bạn bè thường gọi là “Khang con”, để phân biệt với Trần Mạnh Khang (Khang lớn). Nguyễn Xuân Khang là học sinh giỏi các môn xã hội, đặc biệt là có năng khiếu về văn học, thơ ca. Những năm cấp 1, cấp 2, Khang học tại trường phổ thông cấp 1, 2 xã Minh Bảo, Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Tốt nghiệp phổ thông, Khang nhập ngũ, huấn luyện tân binh ở đại đội 2, Tiểu đoàn 90, Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc. Sau thời gian huấn luyện, Khang đi B trong Đoàn 3016 vào B3 Tây Nguyên. Vào đến mặt trận, Khang được bổ sung về Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng Bắc Tây Nguyên.
Suốt năm 1974, Nguyễn Xuân Khang đã tham gia chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng ở Đắc Tô – Tân Cảnh, tỉnh Công Tum (Bắc Tây Nguyên).
Đầu năm 1975, Sư đoàn 10 lật cánh hành quân về hướng nam mặt trận, bố trí ở phía nam thị xã Buôn mê Thuột, chuẩn bị tham gia chiến dịch Tây Nguyên.
Trong trận then chốt mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, Tiểu đoàn 4 (d4/e24/fBB10), đơn vị của Khang được BCH mặt trận Tây Nguyên lựa chọn là đơn vị phối thuộc cho Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 có nhiệm vụ thọc sâu, tiến công thị xã Ban Mê Thuột từ hướng tây tây nam...Tiểu đoàn 4 được phối thuộc 1 Đại đội xe tăng T-54, 1 đại đội xe bọc thép K-63 của Lữ đoàn xe tăng 273, thực hành tiến công chọc thủng phòng tuyến mạnh nhất của địch ở BMT, dùng sức mạnh hợp đồng binh chủng (bộ binh, xe tăng, pháo binh…) thọc sâu qua khu vực trung tâm thị xã, khu vực Ngã 6, tiến công khu truyền tin và khu vận tải, áp sát căn cứ SCH Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 ngụy.
Sáng ngày 10/3/1975, Nguyễn Xuân Khang là tiểu đội phó Tiểu đội chủ công, đã chiến đấu dũng cảm, vượt qua tuyến phòng ngự của lực lượng biệt động quân VNCH ở vòng ngoài thị xã, nhanh chóng giải phóng trung tâm thị xã - khu vực Ngã 6. Đến khoảng trưa 10/3, khi Tiểu đoàn 4 đột kích xung phong đánh chiếm Trung tâm Truyền tin của SCH Sư 23 ngụy, địch kháng cự điên cuồng. Tổ xung kích của Khang có 3 người, sau khi 2 đồng đội trong tổ hi sinh, Khang đã cầm cờ xung phong lên cắm cờ, đánh chiếm mục tiêu. Vào thời khắc đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thì bạn Khang của chúng ta bị trúng đạn thẳng và hi sinh ngay trên nóc hầm Trung tâm truyền tin SCH Sư 23 ngụy vào buổi trưa ngày 10/3/1975. Tấm gương hi sinh anh dũng của Nguyễn Xuân Khang được phổ biến đến các đơn vị tham gia trận Ban Mê Thuột, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội.
Nguyễn Xuân Khang được truy phong quân hàm trung sĩ ngay trên trận địa, được Nhà nước công nhận là LIỆT SĨ, được truy tặng Huân chương chiến Công giải phóng hạng 3.
Bài 2. Người viết: Duy Chuyên Ngô
Thôi không đủ duyên tiễn bạn: Liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang hành hương về quê mẹ Yên bái .
Tôi treo mấy tấm hình chụp chiều nay thay cho nén nhang thơm cầu Trời Phật gia hộ cho hương linh Nguyễn Xuân Khang siêu thoát .
Nhớ lại , đêm 10/3 năm ấy Đại đội 3 chúng tôi chiếm giữ khu truyền tin và lập chốt chặn địch ngang đường Mai Hắc Đế .
“ ...Khói súng , khói bom đạn khét lẹt , sặc sụa quyện với máu đồng đội , tôi không thể nào khóc được nữa .
Xác bạn đồng đội C3, C1 ... Nguyễn danh Tám chết quỳ gục đầu vào cột cổng , Phan quý Dương trúng đạn cuộn người giữa đường Mai hắc Đế , Lê Văn Giao chết rồi mà thân xác vẫn dính chặt vào rào kẽm gai bùng nhùng , Bùi đức Chín , Võ Văn Lai , Hà Văn Nghĩa , Nguyễn Văn Khang , Trịnh Sơn Then , Phạm văn Thành , Nguyễn phong Phú ... nằm xếp lớp lên nhau từ cổng vào đến cột cờ khu truyền tin của địch . ..
Gần sáng , anh em C3 chúng tôi bắt sống được tên tù binh cùng chiếc xe dép . Xe thì vẫn nổ máy , bốn bánh trúng đạn xẹp lép . anh em vận tải chưa vào đưa tử sỹ ra . Tôi Lo địch trong trung tâm thị xã phản kích ra bạn tôi trúng đạn lần nữa . Thương các bạn , tôi bắt tên tù binh lái xe chở xác bộ đội khỏi khu truyền tin , nó từ chối với lí do xe bể bốn bánh không chạy được . Căm phẫn trào lên tôi dí súng vào đầu hắn gào lên với nó : mày có lái xe hay ăn đạn ? nó quỳ xuống chân tôi van lạy , xin tha tội , xin chạy .
Thế là , Tôi và Toản ( Nguyễn văn Toản - liên lạc C3) cùng anh em c3 lần lượt kéo rồi khênh xác bạn lên xe Zép . Tôi nhớ Toản ngồi dí súng vào lưng tù binh bắt nó lái xe bể cả bốn bánh chở đầy xác người và chở năm sáu chuyến thì trời sáng .
( Ngô Duy Chuyên - nguyên Chính trị viên phó Đại đội 3 hôm đánh Sư đoàn 23 Ngụy ở thị xã BMT )
Đồng đội Ngô Duy Chuyên bên phần mộ Nguyễn Xuân Khang tại nghĩa trang BMT trưa 12/11/2018