TÔI VÀ XE TĂNG

TÔI VÀ XE TĂNG
                                                            Đại tá Khuất Duy Hoan - nguyên Tư lệnh phó Quân đoàn 3

Cuộc đời lính trận ít ai không một lần giáp mặt với xe tăng dù là của ta hay là của địch. Nó gầm rú , trườn bò… và nhất là hoả lực của nó thì thật đáng sợ. Lính binh chủng Tăng-Thiết giáp tự hào với định nghĩa: “ Húc đổ - đè bẹp - nghiền nát”, lính bộ binh diễu cợt thêm hai từ “ Đúc nồi”. Ấy là nói đến một vài loại xe thiết giáp của địch sau chiến tranh bà con nhân dân thu dọn tận dụng làm phế thải.
Lần đầu tiên tôi giáp mặt xe tăng địch là đầu tháng 4/1974 khi chúng tôi tiêu diệt lực lượng phản kích của quân ngụy Sài Gòn nhằm giải nguy cho đồng bọn bị đơn vị bạn bao vây đánh chiếm căn cứ Lê Ngọc thuộc huyện Chư-Prông tỉnh Gia Lai ngày hôm trước. Đúng như dự đoán, sáng ngày 11/4 máy bay và pháo binh địch đánh phá ác liệt vào các điểm cao dọc hai bên đường 20 nghi có lực lượng ta phục kích đồng thời sử dụng một tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng, thiết giáp cơ động vào Lê Ngọc. 13giờ Lực lượng đi đầu của địch chạm chán với bộ phận cơ động phục kích của đại đội 7, tiểu đoàn 8 trung đoàn 64 chúng tôi. Hai bên nổ súng quyết liệt giằng co nhau từng mét đường 20. Hoả lực trên xe tăng địch bắn loạn xạ vào đội hình đơn vị. Khi ấy tôi là tiểu đội trưởng cối 60 của đại đội, đang loay hoay lấy phần tử bắn thì tiểu đoàn trường Dương Văn Niên súng AK cắp nách chạy tới quát át cả tiếng súng đạn: “ Bộ binh xung phong ra đường rồi mà các cậu còn nằm ở đây à?” rồi ông chạy thẳng lên phía trước. Chúng tôi cuống cuồng “ Thupháo” chạy theo ông nhưng cũng chỉ được vài chục mét đã phải dừng lại vì đạn 12,8 ly và pháo tăng địch bắn rát rạt. Tiểu đoàn trưởng Niên lệnh cho đại đội điều tất cả xạ thủ giữ súng chống tăng B40, B41 lên phía trước, khi nào thấy cối 60 của tiểu đội tôi bắn cấp tập thì ngóc đầu dậy mà bắn cháy cho được xe tăng địch. Chúng tôi phấn chấn lấy hướng bắn, phần tử bắn và thả đạn vào nòng pháo. Mọi việc sau đó diễn ra đúng theo mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng. Sau loạt bắn dồn đập của khẩu đội tôi, 2 xe tăng địch bị ta bắn cháy… Trận đánh sau đó kết thúc thắng lợi, xạ thủ Nguyễn Trọng Mật người bắn quả B41 tiêu diệt chiếc xe tăng đầu tiên kể lại: “ Tao nghe tiến nổ đầu nòng cối chúng mày bắn đến quả thứ 8 thì súng 12,8 ly của địch câm tịt, tao vội ngóc lên thì thấy khỏi bụi mù mịt trên tháp pháo tăng địch, chớp thời cơ tao ngắm giữa thân xe bóp cò. Cảm ơn súng cối đã giúp tao lập công”. Thì ra là như vậy, ngay lần đầu gặp xe tăng địch, tôi và nó đã là “ duyênnợ” của nhau rồi. Cũng từ trận đánh này, Nguyễn Trọng Luân, bạn chiến đầu nhưng năm tháng ở Tây Nguyên cho đến ngày toàn thắng đã viết thành chuyện ký “ Phó Tư lệnh Quân đoàn bắn cối 60 rất giỏi”.
Lần thứ hai giáp mặt với xe tăng địch khi đơn vị tôi chặn đánh quân địch rút chạy từ quận lỵ Củng sơn về Phú Yên. Trưa ngày 24/03/1975, sau ít giờ đơn vị bạn nổ súng đánh chiếm Củng Sơn thì lực lượng rút chạy của địch lọt vào trận địa phục kích của đại đội tôi. Ngay lập tức chiếc xe tăng đi đầu bị bắn cháy khiến đội hình địch ùn tắc, rối loạn. Chính trị viên Nguyễn Đình Tập phát động thi đua diệt xe tăng địch trong toàn đại đội. Sẵn có khẩu chống tăng B40 trong tay ( ngày ấy các tiểu đội trưởng Bộ binh đều được trang bị súng hoả lực B40 hoặc RPD) tôi nung nấu quyết tâm bắn cháy bằng được xe tăng địch nên dẫn cả tiểu đội men theo bờ sông Ba truy tìm xe tăng địch. Không lâu sau tôi may mắn phát hiện một chiếc M41 đứng tại chỗ bắn xối xả vào rừng cây bên kia đường nơi đại đội 5 cùng tiểu đoàn đang tiển khai đội hình chiến đấu. Rất bình tĩnh tôi tỳ súng B40 lên thân cây đổ lấy đường ngắm chính xác và bóp cò, thấy khói đen trùm kín xe tăng địch, tôi vội di chuyển vị trí vì sợ chúng bắn trả. Lát sau nhìn lên thấy xe tăng vẫn đứng im tại chỗ, đoán là xe bị hỏng địch đã bỏ chạy tháo thân. Vừa hay chính trị viên Tập chạy tới, tôi và anh cùng vận động tiếp cận xe địch, nhìn vết đạn B40 nổ trúng buồng máy xe địch, anh Tập bắt chặt tay và nói “ Tớ ghi công cho cậu đã diệt một xe tăng địch trong trận chiến đấu này,tiếp tục phát huy lập công mới nhé”. Cùng lúc ấy có một chiến sĩ của đại đội 5 bị thương gãy xương chân được đồng đội cõng ra từ trong rừng. Nghe ai đó hỏi xem có khẩu AR15 nào của địch bỏ lại không,tháoốp nhựa nẹp chân cho thương binh, tôi nghĩ trong xe địch thế nào cũng có nẹp cáng bèn trèo lên tháp pháo chui vào xe. Đang loay hoay tìm kiếm thì thấy đạn lửa nổ toang toác trên nóc xe nhìn qua mắt kính ở tháp pháo tôi phát hiện một chiếc xe tăng nữa của địch đứng không xa đang nã đạn vào xe mình.Tôi chợt nghĩ “ Thôi chết rồi, chắc nó nhìn thấy mình chui vào xe nên bắn chặn, không ra nhanh nó bắn pháo tăng huỷ xe thì mình cung tiêu luôn”. Thắt lại quai mũ, dây lưng tôi rút chốt quả US (lựu đạn của lính Mỹ) đếm 1,2,3 và ném về phía xe tăng địch rồi lợi dụng lúc khói bụi khi lựu đạn nổ vọt qua tháp pháo lăn xuống bờ sông trong sự lo lắng của anh em cùng tiểu đội.Vừa vục vội hớp nước sông cho đỡ khát, quay lên đã thấy chiếc xe tăng mình vừa chui ra bốc cháy ngùn ngụt. Hú vía, chợt nghĩ đến cái “ duyên nợ” gặp nhau giữa tôi và xe tăng địch lần thứ hai này. Hai lần gặp xe tăng địch, nhờ có đồng đội, nhờ được huấn luyện chu đáo, nhờ chút kinh nghiệm cơ mưu qua thực tiễn chiến đấu mình đã chiến thắng. Nghe chuyện, bạn tôi Nguyễn Trọng Luân bảo :” Mày nặng vía với tăng địch lắm. thế còn với xe tăng của ta thì sao”. Chuyện là thế này…
Ngày 29/04/1975, cùng với toàn mặt trận, đơn vị tôi ( Quân đoàn 3 – Binh đoàn Tây nguyên) mở đợt 2 Chiến dịch Hồ Chí Minh – Giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Đại đội 7 của chúng tôi trong đội hình tiểu đoàn 8 , Trung đoàn 64 làm nhiệm vụ luồn sâu tiêu diệt đồn Ấp Chợ - Tân Phú Trung để đảm bảo đường cơ động hướng tiến công chủ yếu của Quân đoàn 3 từ Tây Bắc đánh vào Sài Gòn. Trận đánh giằng co ác liệt kéo dài suốt từ mờ sáng đến 10 giờ vẫn chưa dứt điểm. Địch dựa vào lô cốt, hàng rào thép gai cố thủ. 10 giờ 30 phút, Trung đoàn trưởng Trần Văn Thân xuống tận công sự chiến đầu của đại đội chúng tôi, sau một hồi quát tháo ông ra lệnh: “Các đồng chí Đảng viên, mỗi người nhận một quả bôc phá lên mở cửa đánh chiếm đồn địch ngay. Chủ lực ta từ Củ chi sắp tới đây rồi”. Tôi nhận quả bộc phá ống thứ tư đồng nghĩa với việc sẽ là người thứ tư lên mở cửa. Hoả lực chi viện chỉ vẻn vẹn có 2 khẩu 12,7 ly của tiểu đoàn, hai khẩu cối 60 và vài khẩu B40 – B41 của đại đội, yếu tố bí mật bất ngờ không còn nữa, khó khăn nguy hiểm đang chờ đợi, biết vậy nhưng chẳng một ai trong chúng tôi ngần ngừ toan tính. Tôi tự nhủ nếu trúng đạn bị thương mà không chết thì cố lăn ra ngoài cửa mở càng nhanh càng tốt. Đang loay hoay chuẩn bị thì bỗng ngoài đường 22 rầm rầm tiếng xe tăng, xe bọc thép chạy tới, nhìn ra thì thấy toàn là xe của địch từ Đồng Dù. Củ Chi tháo chạy về Sài Gòn, ngay sau đấy là đoàn xe tăng ta cắm cờ giải phóng ầm ầm truy kích xe địch chạy tới, chúng tôi lao ra đường reo hò và chỉ tay vào tháp canh trong đồn Ấp Chợ, ngay lập tức lính tăng quay pháo bắn sập tháp canh rồi vượt qua. Chúng tôi ào vào cổng chính đồn đã thấy lính địch vứt súng giơ tay đứng hàng trong sân. Trận đánh thắng lời bất ngờ. May mắn thay chúng tôi không là những người lính cuối cùng ngã xuống trước giờ toàn thắng. Cảm ơn xe tăng ta, lần đầu tiên gặp tăng ta trong trận chiến, chúng tôi nợ các bạn một chiến công. Sau này trên cương vị chỉ huy các cấp tôi đều ưu ái giành sự quan tâm đến việc xây dựng, huấn luyện, kiểm tra góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng xe tăng thiết giáp trong Sư đoàn, Quân đoàn ngầm trả ơn với lính tăng đã chia lửa vô cùng kịp thời và quý giá trong trận đánh trước ngày toàn thắng. Nhân dịp được về học tập và nghiên cứu tại Học viện Lục quân, gặp lại Trung đoàn trưởng Thân khi ấy ông là Đại tá Trưởng khoa Quân sự địa phương. Trong một lần gặp mặt thầy trò đã từng có thời gian cùng sống, chiến đấu ở Sư đoàn 320,khi men rượu, men ký ức chiến tranh ngà ngà, tôi nói vui “ Bây giờ anh dạy bọn em khi tổ chức một cửa mở phải có bao nhiêu hoả lực cầu vồng, hoả lực bắn thẳng….. chi viện. Vậy mà ngày đánh Ấp Chợ anh ra lệnh cho chúng em…” Anh cười hiền hậu: “ Nguyên tắc là vậy, còn vận dụng thực tiễn nữa chứ, còn yếu tố thời cơ, thế trận nữa chứ…”. Rồi anh dí dỏm”Chưa biết chừng ngày ấy cậu là sư đoàn trưởng như bây giờ gặp tình huống ấy cậu có khi còn ra lệnh cho tớ lên mở cửa cũng nên….”. Tôi và anh ôm nhau cười thân thiện rồi nước mắt ràn rụa bởi chợt nhớ thương những đồng đội cuối cùng ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn ngày ấy.
Năm nay kỷ niệm tròn 40 năm ngày Giải phòng Miền Nam, một chút hồi ức chiến trận từ lâu ấp ủ nay viết lại cho mình, cho con cháu mình và cho những ai đó biết trân trọng quá khứ cùng cảm nhận, tự hào và ghi nhớ.
Đại tá: Khuất Duy Hoan - Nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 3.