NGHĨ VỀ MỘT TRẬN ĐÁNH

NGHĨ VỀ MỘT TRẬN ĐÁNH
Đại tá Nguyễn Trọng Kính (Nguyên chinh trị viên K20 đặc công từ 1968)

Nhớ lại trận đánh quân Mỹ cách đây đã 51 năm, lòng tôi bồi hồi xúc động bởi sau trận giáp chiến với giặc Mỹ, đơn vị đã thưa vắng nhiều anh em. Đồng thời tôi cũng rất tự hào về tinh thần gang thép của cán bộ và chiến sỹ Tiểu đoàn 20 (mật danh K20).
Từ mặt trận đường 9 (Bắc tỉnh Quảng Trị), trong đội hình sư đoàn 325C, ngày 23/3/1968 hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, ngày 24/4 đến Kon Tum. Đi bộ đường dài, lội suối, leo dốc, băng rừng bao khó khăn cứ lộ ra như thách thức sức bền bỉ của con người...nhưng K20 bảo đảm 100% quân số về đích. Luôn động viên nhau phải đi bằng “đôi chân và cái đầu”. Anh em còn nói vui: “Trung ương nên tặng mỗi người huân chương hành quân”.
Ngày 26/4 cán bộ tiểu đoàn đi nhận lệnh - Sư đoàn trưởng Chu Phương Đới trải tấm bản đồ, chỉ cho chúng tôi khu vực địch chiếm đóng đã được khoanh bàng mực đen, đó là cứ điểm Ngọc Cung Giao ở Tây Bắc tỉnh Kontum, đồng chí nói “K20 thay mặt sư đoàn nổ súng trước ở Tây Nguyên. Ở đây có 2 đại đội quân Mỹ, cách sân bay Đắc Tô khoảng 2 km, cách Plây cần khoảng l km. Cán bộ nhanh chóng điều tra, chuẩn bị xong là đánh, chưa xong cũng đánh vì phối hợp với ngày N toàn miền”.
Chúng tôi hỏi thêm và đề nghị:
- Những đơn vị cùng chiến đấu để căng kéo địch?
- Có pháo phản pháo địch?
- Có cao xạ đánh trả máy bay địch ... không?
Đồng chí bảo: “K20 độc lập tác chiến”.
Trên đường trở về đơn vị, chúng tôi tạm dừng nghỉ chân ở suối cạn, vài hớp nước suối giải khát, cùng bàn, trao đổi nhau: “Trận này chỉ có 3 đêm 4 ngày chuẩn bị với bao nhiêu việc cùng lúc phải làm như: Vận chuyển gạo, bổ sung súng đạn, quân số vận tải v.v...Nhất là “chỉ lệnh chưa xong cũng đánh”, đồng nghĩa quyết tử, bởi đánh mật tập chuẩn bị không tốt rất dễ thương vong, quân Mỹ đâu chỉ có nằm yên chịu thịt, máu xương anh em lấy gì bù đắp. Nhưng là mệnh lệnh tiến công phải nghiêm chỉnh chấp hành dù có phải trả giá hy sinh. Đặt niềm tin ở cán bộ chiến sĩ đã được huấn luyện bài bản, đã chạm trán với lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở đồn cồn Tiên, Đông Tri, Tà Cơn, Làng Vây tại mặt trận đường 9.
Trong tôi thoáng qua giai điệu bài hát mà nhạc sỹ Huy Thục đã khắc họa trong tiếng đàn Ta Lư...”Đi chiến trường, gùi trên vai nặng trĩu, đàn Ta Lư em cất tiếng ca vui cùng Bản làng, mừng thắng trận quê em”... “Anh thắng trận miền Tây Khe Sanh, Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy, Đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy”...
Cán bộ từ mũi trưởng trờ lên đi trinh sát đồn địch, ban ngày quan sát, tối âm thầm vào tận nơi. Chúng dàn quân trải rộng trên 3 mỏm đồi, chiếm đóng khá lâu nên hệ thống phòng thủ hoàn chỉnh.
Phương án tác chiến được bàn thảo kỹ, có cán bộ tham mưu, chính trị sư đoàn tham gia và nhất trí:
- Sử dụng lực lượng toàn tiểu đoàn.
- Có 3 đại đội C56, C58, C60, mỗi đại đội từ 20 - 25 tay súng, đánh địch ở 3 đồi. C58 chủ công. Liên lạc bằng bộ đàm và điện thoại rải dây.
- 9 giờ sáng ngày 9/5 xuất quân - 16 giờ đến vị trí tạm dừng. 23 giờ 30 đến vị trí tiếp cận (dưới chân đồi), 01 giờ ngày 10/5 nổ súng.
Tình huống bất ngờ: Đúng trưa ngày mồng 9, khi vượt qua đoạn trống, máy bay trinh sát L19 của địch phát hiện, bắn khói chỉ điểm. Thái Hữu Trực mũi phó C56 rất nhanh dùng mũ chụp đè, khói không vọt lên cao nên máy bay phản lực không oanh tạc được, đơn vị vượt qua an toàn (Thái Hữu Trực quê ở xã Hưng Chính, Hưng Nguyên, Nghệ an đã hy sinh ngày 15/3/1971 khi đánh vào quận lỵ Phú Nhơn tỉnh Gia Lai).
Tình huống bất ngờ thứ hai: 24 giờ, cán bộ và trinh sát C58 đi kiểm tra đường vào (đã đánh dấu khi đi điều tra) vấp mìn sáng, 2 quả lửa vút lên cao. Ngay lập tức C130 bay đến thả pháo sáng và bắn đại liên. Pháo các trận địa bắn quanh đồn. Sau 15 phút chúng dừng. Chúng tôi đi kiểm tra, nắm tình hình thì có 2 cán bộ hy sinh: Trưởng Mạnh Cháu đại đội trưởng C56 và mũi trưởng Tường C58. Chiến Sỹ Đản C58 bị thương gãy tay.
Nhanh chóng hội ý cán bộ, phân tích tình hình và quyết định:
- 2 cán bộ cấp phó thay cấp trưởng chỉ huy.
- Phân tích: Nếu địch biết ta thì phi pháo chúng đánh ác liệt hơn, thời gian dài hơn. Mìn sáng đó có thể nghi thú rừng vướng nổ. Ta phải lợi dụng yếu tố bất ngờ này đánh chúng. Phải đánh nhưng giờ nổ súng lui đến 02 giờ 30 sáng ngày 10.
Giờ quy định đã đến, các hướng đồng loạt xông lên, bộc phá nổ rền vang nhà lính, bãi đỗ xe, điện đài - B40 bấn lô cốt và trận địa súng cối...Những tên địch bị thương kêu la ghê sợ. Đến 5 giờ sáng trận đánh cơ bản kết thúc, chỉ còn 2 tổ thọc sâu vẫn nổ súng.
Quân Mỹ chết và bị thương tại trận địa chúng tôi không biết, nhưng đài kỹ thuật mặt trận Tây Nguyên nắm tin của địch thì chúng chết một nửa, số còn lại bị thương mất sức chiến đấu.
Chiến lợi phẩm chủ yếu lấy của những tên chết và bị thương có súng Carbin, đồng hồ đeo tay, đô la Mỹ.
Riêng K20 hy sinh 30 dũng sĩ, mất tích 10 (trong số này có đồng chí Nguyễn Công Huần sau thời gian dài đi lạc đã tìm về đơn vị nên còn 9. Hiện nay đồng chí Huần ở thôn 8 xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình).
Nghĩ về đồng đội đã hy sinh vì Tổ Quốc và để nhắc nhở lớp cháu con. Đồng chí Nguyễn Thọ Thăng là tồ trưởng trận đánh nay là Đại tá cùng gia đình định cư ở số nhà 787 Ngô Quyền, TP Đà Nẵng, lập bát hương; cứ đến ngày 10/5 hàng năm mặc niệm và rắc lễ vật ra đường, mong linh hồn liệt sỹ theo về gặp đồng đội.
Các Cựu chiến binh K20 thăm chiến trường xưa, đến đỉnh đồi Ngọc Cung Giao ai cững rưng rưng dòng lệ vì thương nhớ, thắp hương thơm tri ân, tâm niệm mấy dòng thơ:
.. .Máu xương đã thấm đất này
Khói hương là để giải bày tình thâm.
Hương cắm đất, đau nhói lòng,
Nhớ ngày sum họp, ngẫm buồn chia ly!
Xét về giá trị trận đánh phối hợp ngày N đợt 2 tổng tiến công và nổi dậy toàn Miền Nam. Tập kích quân Mỹ ở trong công sự vững chắc, có hỏa lực bản thân và chi viện của phi pháo mạnh. Đơn vị chiến đấu độc lập; dù biết sẽ khó khăn nhưng cán bộ và chiến sỹ đồng lòng, quyết tâm cao...hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn K20 được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng nhì. C58 và C60 hạng nhất.
Trận đánh này được xếp vào lịch sử truyền thống của K20 “ra quân đánh thắng trận đầu”. Đã được các lớp cán bộ và chiến sĩ tự hào, phát huy suốt chiều dài chiến đấu tiếp theo đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
K20 đã được Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ - cứu nước,

                                                                                       Ngày 10 tháng 5 năm 2019