TIÊU DIỆT CĂN CỨ KLENG - KON TUM

TIÊU DIỆT CĂN CỨ KLENG - KON TUM
Căn cứ Kleng (địch gọi là Lệ Khánh) nằm trên Điểm cao 530, cách thị xã Kon Tum 22km về phía tây được Mỹ xây dựng từ năm 1965 trong hệ thống bảo vệ vòng ngoài ở Tây Nguyên (gồm Đăk Pét, Đăk Siêng, Plây Cần, Kleng, Chư Nghé, Đức Cơ và Ea Súp). Sau này, địch củng cố thành căn cứ biên phòng trọng yếu án ngữ phía Tây Nam tỉnh Kon Tum.
Trấn giữ căn cứ này là tiểu đoàn 62 biệt động quân biên phòng mà hầu hết binh lính là người Thượng đã bị tuyên truyền lừa phỉnh nên rất ác ôn và ngoan cố, cùng một trận địa pháo 105mm… tổng cộng hơn 400 tên. Tết Nhâm Tý (1972), tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đến thăm, khích lệ binh lính ở căn cứ Kleng đã tuyên bố: “Đây là một mắt xích rất quan trọng trong hệ thống phòng ngự chiến lược liên hoàn có công sự kiên cố, vững chắc. Nếu Việt Cộng liều lĩnh tấn công vào đây nhất định sẽ thất bại, không một mảnh giáp trở về”.
Sau khi nghiên cứu thảo luận, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 đã quyết định giao cho Trung đoàn 52 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hồ Hải Nam và Chính ủy Đặng Ngọc Truy . Trung đoàn được tăng cường một số phân đội hỏa lực, công binh tiến công tiêu diệt căn cứ Kleng.
Đúng 5 giờ ngày 4-5-1972, Trung đoàn trưởng Hồ Hải Nam phát lệnh nổ súng thực hành vây lấn Kleng. Cùng lúc, các trận địa pháo chiến dịch tăng cường hỏa lực cối 82mm, ĐKZ, 12,7mm của trung đoàn bắn phá dồn dập vào căn cứ địch. Hầu hết tuyến công sự, lô cốt vòng ngoài bị pháo bắn thẳng của ta phá sập, một bộ phận quân địch và phương tiện bị diệt, phá hủy. Trong lúc pháo ta bắn, các hướng, các mũi vào vị trí chuẩn bị chiếm lĩnh trận địa, công binh dò mìn chuẩn bị đường cơ động cho xe tăng. Sau ít phút choáng váng, chỉ huy địch ở Kleng gọi máy bay các loại đến thả bom, phóng rốc két, bắn đạn 20mm xuống xung quanh căn cứ. Các trận địa cao xạ lập tức phát hỏa bắn rơi một số máy bay địch. Địch lại dùng pháo cối bắn mạnh ra ngoài, đồng thời gọi máy bay chiến lược B-52 đến ném bom rải thảm, làm một số cán bộ, chiến sĩ ta thương vong, trong đó có 3 đại đội trưởng hy sinh. Đặc biệt, lúc 9 giờ 30 phút ngày 4-5, một quả đạn từ trực thăng địch phóng xuống trúng nơi họp của Tiểu đoàn 6 làm đồng chí Phó trung đoàn trưởng và Trợ lý Pháo binh trung đoàn hy sinh, Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trợ lý Tác chiến tiểu đoàn và một số cán bộ khác bị thương. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 6 mất sức chiến đấu. Trung đoàn phải đưa Trưởng ban Tác chiến và Trưởng ban Tổ chức xuống chỉ huy Tiểu đoàn 6, đồng thời cử cán bộ thay thế các đồng chí đã hy sinh để tổ chức bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa.
Sau 5 ngày vây lấn, pháo binh ta đã phá hủy hơn 60% công sự, lô cốt cùng một bộ phận sinh lực địch; các kho bốc cháy, trận địa pháo 105mm và phần lớn hỏa lực cối của địch bị tê liệt. Trong khi đó, các lực lượng của trung đoàn đã khống chế địch ở Chư Dom (phía đông nam căn cứ 2km), tiêu diệt bọn biệt kích thám báo ở vòng ngoài, làm chủ điểm cao 600 (phía tây căn cứ gần 3km), cầu Đăk Si (đông nam căn cứ), hình thành thế bao vây chặt căn cứ địch; bộ binh ở các hướng đã triển khai đúng kế hoạch; đường cơ động cho xe tăng đã hoàn thành; bộ phận phá hàng rào bằng bộc phá FR đã sẵn sàng. Từ thực tế đó, chỉ huy Trung đoàn 52 quyết định tiến công dứt điểm căn cứ Kleng vào sáng 9-5.
Vào lúc 3 giờ ngày 9-5, trên hướng chủ yếu phía Tây do Tiểu đoàn 6 đảm nhiệm, được pháo binh chi viện, các chiến sĩ công binh đã mở xong hai cửa mở; ta tiếp tục sử dụng bộ FR mở một cửa mở rộng hơn 6m thông qua 11 lớp rào thép gai. Dưới làn pháo chi viện, bộ binh và xe tăng ta tiến vào vị trí xuất phát tiến công.
Đúng 5 giờ, sau đòn sấm sét cuối cùng của pháo binh ta trút xuống căn cứ Kleng, từ hai hướng Tây và Tây Nam, Đại đội 9 và Đại đội 10 (Tiểu đoàn 6) được 3 xe tăng yểm trợ đã vượt qua cửa mở đồng loạt phát triển vào bên trong. Xe tăng ta dùng pháo tiêu diệt các lô cốt, hỏa điểm địch còn lại và dùng súng máy 12,7mm bắn mạnh vào hai bên sườn, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong. Địch dốc hết lực lượng cuối cùng ra phản kích, chúng điên cuồng phóng chất độc hóa học, bắn hơi cay, dùng hỏa lực và các loại súng bắn như vãi đạn về phía ta. Một số cán bộ, chiến sĩ ta tiếp tục bị thương vong. Cùng lúc đó, từ hướng Đông Nam, Đại đội 2 (Tiểu đoàn 4) sau khi tổ chức xung phong bị địch dùng hỏa lực ngăn chặn, đã nhanh chóng vòng về cửa chính ở hướng Nam, dùng bộc phá phá cổng tiến vào phối hợp cùng Tiểu đoàn 6 đánh địch. Trước sức tiến công như vũ bão của ta, quân địch chống cự yếu ớt, phần lớn bị diệt tại chỗ, số còn lại theo đường hầm chạy ra phía Đông. Đúng 6 giờ 30 phút ngày 9-5-1972, ba mũi tiến công của hai tiểu đoàn gặp nhau ở sở chỉ huy địch. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Trần Văn Quyến báo cáo về Sở chỉ huy trung đoàn ta đã làm chủ căn cứ Kleng.
Căn cứ Kleng-“lá chắn thép” cuối cùng của địch ở phía Tây thị xã Kon Tum bị đập tan đã mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở phía Tây Nam tỉnh Kon Tum nối với hành lang vận tải chiến lược ở phía Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đưa lực lượng, phương tiện kỹ thuật vào tiến công địch ở thị xã Kon Tum. Với chiến công này, Trung đoàn 52 đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng Ba.
NGUYỄN HÙNG TẤN
Hình ảnh một góc căn cứ KLeng bị ta phá hủy
Nguyễn Sau, CP Giang và 95 người khác
27 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ