CHUYỆN HẠT GẠO NGHĨA TÌNH

 CHUYỆN HẠT GẠO NGHĨA TÌNH

Khuất Duy Hoan - Nguyên Tư lệnh phó Quân đoàn

Sắp tới ngày 26/3, ngày thành lập Quân đoàn 3 – Binh đoàn Tây Nguyên của chúng tôi. Cả đời binh nghiệp của tôi gắn bó với Quân đoàn. Sống, chiến đấu, làm việc và trưởng thành từ người chiến sĩ Bộ binh qua tất cả các cấp chỉ huy, tham mưu đến cấp Quân đoàn. Kỷ niệm vui buồn, đau thương mất mát sống mãi cùng thời gian mỗi khi nhắc tới đơn vị, thủ trưởng cấp trên và đồng đội đã cùng kề vai chia ngọt sẻ bùi.
26/3 năm nay tròn 45 năm ngày truyền thống của Quân đoàn 3. Nếu không có dịch COVID-19 hoành hành thì những ngày này cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Quân đoàn và những cựu chiến binh, cựu quân nhân đã từng sống, chiến đấu, công tác và học tập tại Quân đoàn đang háo hức chờ ngày được hội tụ để chung vui truyền thống. Nhưng vì cuộc chiến mới của cả Thế giới,chúng ta tạm gác lại niềm vui gặp mặt để cùng nhân dân cả nước chung tay dập tắt Đại dịch toàn cầu. Mong sớm có ngày gặp lại nhau niềm vui sướng chắc sẽ trọn vẹn hơn nhiều. Những ngày này học sinh, sinh viên nhiều nơi đang phải tập học qua mạng công nghệ, vậy chúng mình cũng nhờ mạng công nghệ thông tin này kể cho nhau nghe những kỷ niệm thời cùng sống để nhớ tới nhau. Xin gửi tới các cựu thủ trưởng, các anh chị em cựu quân nhân của quân đoàn bộ một kỷ niệm nhỏ mà mình không bao giờ quên dù năm tháng đã qua đi khá lâu rồi.
Cuối năm 1988, từ Gia Lai nơi Quân đoàn 3 đóng quân, tôi được nghỉ phép năm về khu tập thể mỏ than Khánh Hòa, tỉnh Thái Nguyên nơi vợ đang dạy học tại trường phổ thông cấp 1 Khánh Hòa đúng dịp sinh cháu thứ hai. Cũng như nhiều anh chị em khác, ngày ấy có tên gọi là thời kỳ GIÁ LƯƠNG TIỀN, lương sĩ quan trung cấp (Thiếu tá) và lương giáo viên phổ thông cùng chế độ tem phiếu, sổ gạo thì đời sống khó khăn thế nào, nhất là với những người lính đóng quân xa nhà như chúng tôi.
Một buổi trưa, tôi đang lúi húi sửa chữa mái căn bếp bị dột nước mỗi khi trời mưa thì hàng xóm gọi vọng sang: Ông Hoan ơi lên đón khách này. Tôi vội vã chạy lên nhà trên thì thật bất ngờ, trước mắt tôi là Thiếu tướng Khuất Duy Tiến Tư lệnh và Thiếu tướng Tiêu Văn Mẫn phó Tư lệnh về chính trị (Chính ủy) Quân đoàn. Nhân dịp ra làm việc ngoài Bộ Quốc phòng lên kiểm tra đội than 84 của Quân đoàn ( Hồi ấy được sự đồng ý của BQP và sự quan tâm của địa phương cho đơn vị thành lập đội khai thác than thủ công tại mỏ Khánh hòa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đơn vị với phiên hiệu là đội 84), xong việc các thủ trưởng ghé thăm gia đình của tôi. Ngồi trong gian nhà tập thể chật trội, bàn ghế đơn sơ, xộc xệch tôi quá ái ngại mà các thủ trưởng thì cứ vui cười chuyện trò, thăm hỏi sức khỏe vợ con và sinh hoạt cửa gia đình. Tôi thành thật kể cho các thủ trưởng nghe mọi chuyện và hứa hết phép sẽ trở vào đơn vị công tác. Thấy hai thủ trưởng ghé tai nhau trao đổi nho nhỏ, rồi Tư Lệnh Tiến lấy giấy bút ghi chép gì đó xong đưa cho tôi mảnh giấy và nói: “Bộ tư lệnh trợ cấp cho đồng chí 20 kg gạo đỡ phần nào khó khăn trước mắt. Hôm nào rảnh qua hậu cứ của Quân đoàn bên Đồng Bẩm mà nhận nhé”. Cầm tờ giấy trên tay mà cả hai vợ chồng tôi đều rân rấnnước mắt.
Mấy hôm sau nhân dịp xe của đội 84 sang nhận hàng, tôi đi nhờ qua hậu cứ của Quân đoàn. Cầm tờ lệnh tôi đưa cho anh Định (Nguyên trưởng phòng Cán bộ Quân đoàn) làm chỉ huy trưởng hậu cứ, đọc xong anh bảo: “Tớ sẽ cho cậu vay thêm vài chục ký nữa, nay mai vào Gia Lai tìm cách trả lại cho bếp Quân đoàn bộ”. Đắn đo mãi tôi mới dám đề xuất: “Vậy thì anh cho em vay thêm 80 kg cho tròn hai bao, em hứa vào sẽ báo cáo và trả đầy đủ cho đơn vị”. Về tới nhà vần hai bao tải gạo (100 kg) xuống cửa, hàng xóm ngạc nhiên như là chuyện lạ.
Hết phép trở về đơn vị làm việc, tâm sự với anh em cùng là trợ lý phòng Tác chiến. Bộ Tham mưu, ai cũng xúc động trước sự quan tâm của thủ trưởng Quân đoàn đối với không ít cấp dưới có hoàn cảnh khó khăn như tôi. Những ngày sau đó chưa tìm được cách trả nợ cho bếp cơ quan thì có đợt Quân đoàn trợ cấp bằng gạo cho các đồng chí sĩ quan có gia đình ở ngoài Bắc. Cùng cơ quan với tôi có anh Tạ Ngọc Oanh (Sau này cũng là Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu nay ở Hà Nội), Trung tá Ngô Như Sao (Người Phú Bình,Thái Nguyên đã mất) và Phạm Duy Phê (Sau này là Đại tá tùy viên Quân sự VN ở Nam Phi đã nghỉ hưu nay ở Hải Dương) đã tặng tôi tiêu chuẩn gạo được trợ cấp để tôi trả lại vừa đủ số gạo đã vay tại hậu cứ khi mà chính gia đình các anh cũng chẳng khá giả gì. Năm tháng qua đi, các thủ trưởng và các đồng đội của tôi ngày ấy đều đã trưởng thành trên những cương vị công tác cao hơn trong Quân đội nay đều đã về với cuộc sống đời thường cùng gia đình, con cháu, quê hương nhưng truyền thống và tình cảm đồng chí , đồng đội mãi mãi là tài sản vô giá sống mãi trong mỗi chúng tôi.