NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ NĂM 1975
Nguyễn Trọng Luân
Tháng 4 năm 1975 của tôi bắt đầu bằng trận đánh giải phóng tỉnh Phú Yên rồi cuốn về Sài Gòn. Với những người lính từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh thì tháng 4 là màu xanh và tháng 5 là màu đỏ. Xanh và đỏ. Như vừa mới đây thôi.
21 tháng 4 .
Ngày đầu tiên về ém quân ở đất Củ Chi.
Nơi chúng tôi ém quân ở Bến Đình có một đơn vị giao bưu. Chỗ đó nhiều cây ổi lắm. Ổi xùm xòa xuống sông. Những cành ổi gác che mái nhà cho cái trạm giao bưu này nhiều mùa mưa nắng. Trưa nóng, tôi mắc võng sát mặt nước. Nằm nhìn lục bình trôi xuôi dòng và những con cối xay lan lan chạy trên mặt nước tôi chợt nhớ nhà, nhớ ngày bé con của mình.
Cách chừng 10 mét có một cái võng, một cô gái giao bưu cỡ tuổi tôi ngồi thõng chân nhìn bất động ra sông. Mấy ngày nay bộ đội chủ lực về đây đông nghìn nghịt kín cả triền cỏ dọc sông Sài gòn. Bộ đội đông đến nỗi con chim sâu cũng vui. Nó nhảy nhót trên vòm lá mâm xôi ven bờ sông thủy triều lên xuống kêu như tiếng hát của lũ trẻ tí hon trong cổ tích.
Cô gái giao bưu nhớ gì mà cô im lặng đến hàng giờ. Gương mặt đẹp, cô chỉ nhìn vào đám lục bình trôi ngoài sông Sài Gòn. Mặt sông lốm đốm những đám lục bình trôi. Những chùm hoa tím chĩa lên trời. Sóng sông lom tom như cá quẫy. Trưa nắng, có cả tiếng bìm bịp kêu. Sông Sài Gòn lên hơi như khói.
Không biết người con gái ấy nhớ ai? không biết có điều chi uẩn khúc? Gương mặt đẹp, mái tóc kẹp cặp ba lá, ngực căng bà bà đen. Chỉ có con mắt là buồn tê tái. Tê tái ngay cả lúc trưa nắng và đầy con trai bên bờ sông im tiếng súng. Chưa bao giờ tôi thấy cô nói, chỉ nhìn thẫn thờ đoàn quân ồ ạt trẻ trung như kẻ mộng du rồi laị nhìn ra sông. Cứ thê cô như một hòn vọng phu búi tóc.
Trời ở đây thật kì lạ. Ngày nắng và nhiều gió nhưng chập tối là đổ mưa. Mưa ngắn mà to. Những cơn mưa không thèm doạ dẫm sấm chớp, cũng chẳng cần dây dưa lâu la. Ngạc nhiên nhiều nhất là khi thấy phụ nữ không thèm trú mưa. Kệ cho ướt, áo bà ba bó chặt thân người cong ỏng. Ướt rồi lại khô, thật đơn giản. Gái Củ Chi cô nào cô nấy chắc như củ khoai sọ. Nước da nâu thật là duyên, tóc gọn gàng bằng cặp ba lá. Hỏi các cô có cần gì không thì các cô nói chỉ thích lựu đạn và dép đúc Trung Quốc. Cô nào cũng khoái dép đúc của chủ lực, vì dép của du kích thường bằng vỏ ô tô đi đau chân lắm.
Đơn vị nằm dọc sông Sài Gòn. Khoét hầm vào những bờ cỏ ven sông. Những vạt rừng thưa thớt đông nghịt người, ngồn ngộn vũ khí. Nhiều trung đội chui vào trong cỏ, dẹp ra từng cái ổ nằm xuống mà sinh hoạt họp hành. Quân đông như kiến, xen lẫn chủ lực là những đơn vị biệt động. Nhiều các cô cậu học sinh trẻ măng, mười tám đôi mươi. Họ hăm hở và nhiệt tình đến khó tin. Trong số ấy nhiều người từ bỏ cuộc sống vật chất sung sướng nơi phồn hoa đô thị mà dấn thân vào kháng chiến.
27 tháng 4…
Lệnh:
Tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải khâu một miếng vải trắng trên ngực ghi vào đó phiên hiệu đơn vị. Mỗi chú một mảnh vải đỏ đeo vào tay áo như băng đội trưởng trong đấu bóng đá. Có một yêu cầu khá thú vị đặt ra, trận này tất cả phải mặc quần áo mới, phải quán triệt thái độ đối xử với đồng bào trong thành phố giải phóng.
Chiều ấy trong cái nóng nực Củ Chi chúng tôi từng người đăng kí danh hiệu “ Dũng sĩ thành đô trên đất thành đồng “. Trong phương án tác chiến mà trung đoàn phổ biến thì hướng của đơn vị tôi sẽ nhằm tới tận bộ chỉ huy đầu não của Nguỵ quyền Sài Gòn. Cán bộ từ trung đội trở lên phải chuẩn bị cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng cắm lên các cơ quan đầu não hay các công sở Nguỵ quyền. Cả sáng hôm ấy chộn rộn, hối hả, tôi có cảm giác ngứa râm ran cả người. Trưa, tôi quyết định xuống thăm lại đại đội 7. Đại đội cũ của tôi nay quá nửa là lính mới. Số lính cũ sứt mẻ sau hơn một tháng trời chiến đấu nhiều quá. Luật B trưởng lên C trưởng thay Nguyễn Thừa Kế lên làm tiểu đoàn trưởng. Còn Trần Đông Chấn lên chính trị viên phó, chiến sĩ cũ hầu hết trở thành cán bộ cả. Trung đội của tôi nằm quanh mấy bụi tre cụt. Chúng nó đang cắt tóc cho nhau. Thấy tôi đến chúng nó reo lên, nhờ anh Luân giải quyết mấy cái đầu của bọn Cao Bằng đi. Thì ra khi vào Chơn Thành có đợt tân binh Cao Bằng bổ sung về trung đoàn. Tiểu đội trinh sát cũng có hai chú đó thôi. Cả hai đều là người dân tộc, rất ngoan, dễ thương, nhưng chậm lắm. Tôi rất lo khi vào trận mấy chú này sẽ lớ ngớ hỏng việc hoặc lại phơi ngực hứng đạn thì khổ. Linh cảm ấy có phần đúng. Ba đứa người Cao Bằng được tôi cắt tóc cho hôm ấy chẳng có đứa nào trở về trong trận đánh hôm sau.
Chiều xuống, tôi và Sỹ kêu anh Thuỷ chụp ảnh. Tuy không dám nói ra nhưng trong bụng đứa nào cũng nghĩ thầm... nói dại nếu có chết ngày mai thì còn cái ảnh mà thờ.
Từ đầu chiến dịch tới giờ đây là những ngày nhàn nhã nhất. Không phải đi lấy gạo, vác đạn, ngoại trừ nhóm chúng tôi hai ngày bò Tân Phú Trung rồi trở về vẽ sơ đồ với cán bộ tiểu đoàn. Sa bàn cũng không đắp, chỉ theo bản vẽ tay, rồi bản đồ địa hình của trinh sát nằm vùng đưa ra mà họp mà hạ quyết tâm. Rõ là thế của kẻ mạnh.
Nắng cả ngày rồi chiều thì mưa. Cơn mưa chiều nào ở đây cũng to và thật nhanh. Một tuần nay chúng tôi đã quen như thế. Ba lô cứ gói buộc sẵn sàng chỉ để tấm ni lông lên trên cùng. Súng cứ lau đi lau lại, dép cứ nắn đi nắn lại từng quai, vuốt ve cái dây ba lô mòn bóng nhem nhẻm mồ hôi. Tựa lưng vào ba lô mà trò chuyện. Có anh đọc đi đọc lại lá thư nhà mà giao liên đưa đuổi theo ở Chơn Thành. Ngắm nhìn những khuôn mặt đồng đội trước lúc vào trận sao mà thấy ai cũng trẻ, khuôn mặt nào cũng bâng khuâng, cũng hiền… đến lạ. Đã bao lần trước lúc vào tiếp cận nhưng tôi đâu có để ý như bây giờ. Có lẽ bởi những trận đánh ở Tây Nguyên luôn bất thình lình hoặc do rừng rú, đêm tối hay những lúc mùa mưa thâm xám trời đất chả có thời gian đâu mà để ý. Chỉ biết gập mình dò dẫm, bò tườn trong đêm. Còn bây giờ, giữa vùng bình địa gần sát đô thành này mọi khuôn mặt vào trận nó mới sáng trưng ra dưới hàng ngàn đồng đội. Suốt cả mấy ngày nay pháo ta và địch bắn đối nhau ầm ầm. Cái thứ tiếng xèo xèo bay ngược chiều nhau. Pháo từ Đồng Dù bắn ra, từ thành Quan Năm Hóc Môn, từ Ngã ba Tân Qui đồng loạt nã về. Trái phá nổ trên ngọn đồi có cửa hầm địa đạo, nổ dưới sông, nổ phía bên kia sông. Cột nước tóe trắng hắt ngược những cụm lục bình lên trời, hoa lục bình tím bay lả tả hòa vào mặt sông.
28/4/75.
Buổi chiều.
Mặt trời thật vàng, trôi thật chậm. Tiểu đoàn ắng lặng. Chúng tôi ngồi ôm cái ba lô đã mấy tiếng đồng hồ. Lính cũ thì gà gật, lính mới thì phấp phỏng cứ nhìn các đàn anh như dò hỏi : thế nào là thế nào rồi hở anh ?
4 giờ, thấy đơn vị biệt động thành hành quân qua. Trẻ quá, nhiều con gái quá. Lại xinh nữa, lung liếng mắt nhìn các anh chủ lực đang há mồm nhìn theo những bắp chân trắng cứa đỏ bởi dây dép cao su .
Mặt trời khuất hẳn, lệnh hành quân.
Cả ngàn người bám vào nhau. Chưa có cuộc chiếm lĩnh nào chúng tôi bám xít nhau như thế. Một cuộc hành quân chiếm lĩnh rộn rực trong lòng đến vậy. Hơi thở người đằng sau phả vào gáy người đi trước. Tôi vượt lên đầu tiểu đoàn để nhận một nữ biệt động dẫn đường. Chúng tôi trao đổi ngắn gọn về hướng hành quân và chỉ kịp nhận ra cô còn trẻ nhưng chắc lẳn với cái tên Mỹ Hạnh.
Phía đông nam là một quầng sáng lung linh.
Phía tây cột lửa đỏ bốc cao ngùn ngụt. Kho xăng Đồng Dù bị pháo kích lúc chập chiều đang ù ù cháy. Nóng, ngột ngạt những mồ hôi và thì thầm của lính. Pháo bất thần nổ. Đội hình phía sau tôi ùn lại, một chiến sĩ trinh sát quay lại rồi chạy lên. D7 hi sinh 3 bị thương 4. Trung đoàn lệnh hành quân khẩn trương. Một con mương sâu rộng chừng 15 mét. bộ đội ào xuống, phì phò ì ọp khúc khích cười. Rồi có tiếng : chết đuối rồi ! chết thằng Dìn rồi. Mỹ Hạnh quay ngoắt lại trong mập mờ đêm, nhoáng cái lôi chàng Dìn vào bờ. Chúng nó hỏi mày không biết bơi à? em không biết. Hinh hích hinh hích, lính ta cười. Mỹ Hạnh càu nhàu, đồng đội chết ỉm đến cổ còn húm vào cười. Lính ta chả ai nói gì .
Vượt qua đường 8 đoạn Phước Vĩnh An. Cái đồn địch bắn đạn 12,8 đỏ lừ lừ. Cành cành cành. Chó sủa râm ran. Mặc, chúng tôi cứ nhắm Cầu Bông mà lội tới. Mùi bùn, mùi lúa con gái ngai ngái trong đêm. Lính hỏa lực ì ọp ngã lên ngã xuống. Bờ ruộng thì nhỏ lại bùn trơn. Tôi bảo Mỹ Hạnh, tôi chiếu bản đồ Hạnh dẫn bộ đội lội trên lúa. Hạnh cự, nát lúa uổng lắm. Tôi gắt, không thể để chậm giờ vào chiếm lĩnh. Tôi truyền lại lội ruộng theo trinh sát. Thế là hàng mấy trăm người bì bõm dưới ruộng, rồi leo lên ruộng cạn rồi lại xuống nước. Cứ thế chúng tôi vòng qua cánh đồng rìa làng Tân Thông Hội, xuống Tân Phú Trung.
Một giờ sáng, trăng bất thần nhú ra. Cả đội hình đến cánh đồng trồng dưa của dân Tân Phú Trung. Truyền xuống hạ ba lô im lặng. Trinh sát bàn nhau, xin mấy quả đi. Lập tức bị Mỹ Hạnh phản ứng. Đi làm cách mạng mà ăn trộm của dân à?
Tôi đưa cho Mỹ Hạnh gói lương khô. Mỹ Hạnh mừng quá ăn ngay, vừa ăn vừa nói lương khô chủ lực ngon quá trời. Tôi bảo mỗi trận anh đánh chỉ được một gói thôi. Hạnh ăn rồi thì anh phải ăn dưa thôi. Cô biệt động kêu trời, rằng bộ đội lừa nhân dân. Chúng tôi cười khoái trá và bổ dưa ăn.
Đội hình lên đủ để bộ đội tập hợp lực lượng ngoài đồng, chúng tôi bò vào trận địa với tham mưu trưởng trung đoàn lần nữa.Trăng sáng mới chết chứ. Cánh đồng gần ấp Chợ đầy rau mùi và hành. Nhắc nhau cẩn thận đừng dẵm lên luống mùi và hành sực mùi lên bọn lính gác nó phát hiện. Lúc bò qua một vườn cam và chanh, sờ thấy có quả nhưng không dám ngắt định bụng quay ra vặt mấy quả. Đêm đầu tiên chiếm lĩnh một trận địa ven đô, bồi hồi lạ lắm. Mùi của cánh đồng lúa đang kì trổ đòng, mùi bùn ruộng lẫn trong mùi phân của trâu bò. Mùi mồ hôi của lính và lại là lần đầu tiên đi cùng một cô gái, rất gần rất nhẹ nhàng là hương tóc con gái cứ phảng phất đâu đây. Đêm chiếm lĩnh, lội đồng rồi chui lên vườn tược ngửi thấy, cảm nhận thấy những mùi vị có tên chung, nhưng cũng có mùi mang cái tên riêng chỉ người cảm nhận nó đặt tên được. Chúng tôi nhìn về Tân Sơn nhất đèn đỏ nhấp nháy trên cao, chịu chả biết là gì. Những cái máy bay bay đêm lên xuống, đại bác 130 li của ta vẫn cầm canh bắn vào phía ấy. Ra sát đường thấy có cái gì to và lóa lóa trắng, mò lại gần thấy thằng tây đen nhe răng trắng ởn, bảo nhau lùi thôi ẹ biết là gì, lát nữa bảo DK phang vào đấy mấy phát. Thằng Minh thì thầm, qué phải hỏa điểm gì đâu, thuốc đánh răng đấy ( biển quảng cáo kem Hinos). Đưa các đại đội vào chiếm lĩnh xong xuôi, không gian nén lại, thời gian trôi thật chậm. Tôi quay ra Sở chỉ huy ở ngoài đồng trên một con mương ken dầy những cây bằng lăng. Nhìn lên đường số một từ hướng Tây Ninh về Sài Gòn thỉnh thoáng có vệt đèn xe honda. Trong đêm tiếng động cơ xèn xẹt thành vệt dài rồi chìm vào đêm. Trận địa im lặng. Nghe thấy cả tiếng ếch nhái. Mắt đăm đăm dõi về hướng mấy cái lô cốt ngoài Ấp Chợ, rồi lại lom lom ngó cái đồn đầu Cầu Bông. Quay lại về hướng bắc, Đồng Dù vẫn sáng, vẫn hồng hồng cái thứ ánh sáng của trận đốt kho xăng lúc chiều qua. Một vùng phía Bắc Sài Gòn nín thở trước giờ phút bùng nổ một trận công phá cuối cùng. Mấy thằng lính thông tin dải dây vào các đại đội trở về ngồi trên bờ ruộng thay nhau dúi đầu xuống mương hút thuốc. Trung đoàn trưởng lừ lừ đi tới. Tiểu đoàn trưởng đứng lên. Tôi biết cái giờ nổ súng bắt đầu.
…. Vậy là đêm 28/4/75 trở thành cái đêm cuối cùng của đời tôi hành quân chiếm lĩnh, cũng là cái đêm lần đầu tiên tôi được bì bõm trên đồng ruộng vùng ven. Từ hôm đó cho tới nay đã về già không bao giờ mình bước xuống cánh đồng thơm ngái hương bùn và bâng lâng phóng đãng như tình người nam bộ vậy. Có ai đó nhớ về trận chiến có thể quên những mùi hương của không gian trận địa, chứ tôi thì tôi nhớ, nhớ mãi màu sắc hương vị trước giờ nổ súng. Trận đánh cuối cùng, đêm chiếm lĩnh cuối cùng có mùi hương rất quyến rũ của cánh đồng Nam bộ