CHUYỆN VUI Ở CHIẾN TRƯỜNG , KHÔNG HỀ THÊM BỚT

 51 NĂM - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Lê Sơn - E28
CHUYỆN VUI Ở CHIẾN TRƯỜNG , KHÔNG HỀ THÊM BỚT
...
Năm 1969.
Có ai ở Hạ Hoà - Phú Thọ , tôi xin kể câu chuyện về anh Tuyển - anh nuôi của Tiểu đoàn 1 - trung đoàn 28.
Chuyện là thế này : Anh Tuyển hơn tôi 10 tuổi , nhưng cùng nhập ngũ năm 68 . Anh có nước da ngăm đen , khỏe mạnh và rắn chắc , anh không được đi học nên không biết chữ nên được phân công làm nhiêm vụ anh nuôi , chuyên đưa cơm lên trận địa , mặc dù vậy anh luôn khao khát được trực tiếp chiến đấu cho nên đi đâu lúc nào anh cũng mang theo khẩu AK bên mình.
Tôi làm trinh sát nên thường dẫn anh và mấy anh nuôi đưa cơm lên chốt . Mỗi khi trên đường đi gặp pháo địch bắn anh thường hay nói đùa : kệ mẹ nó , việc ai nấy làm , chết có số.
Nhiều lần đưa cơm lên trận địa mà gặp địch nổ súng là anh cũng ở lại chiến đấu cùng đơn vị , không ngần ngại , ấy thế mà anh không hề bị thương lấy 1 lần , chỉ khổ nỗi anh không biết chữ . Vào chiến trường gần 1 năm thì anh nhận được thư của vợ , .anh nhờ anh em đọc thư hộ . Trong thư có đoạn viết :
- Anh à , hôm nay trời mưa , Bầm bảo em ở nhà nghỉ , tranh thủ xay giã vài cối lúa , chó nhà mình vừa đẻ 6 con , Bầm dặn anh bao giờ hết chiến tranh anh về đừng sang chơi với nhà bác Hoành nữa , Bầm và bác ấy cãi nhau rồi.
Tranh thủ em giải lao đi anh ..., em nhớ anh em nói chuyện với anh thế thôi.
Người Hạ Hoà - Phú Thọ thật thà là vậy đấy các bạn ạ.....



    

THÁNG CHIẾN BINH

 THÁNG CHIẾN BINH

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân - Sư đoàn 320
Có những điều diễn ra mới đây thôi mà quên tịt thì lì. Có những điều đã qua gần nửa thế kỉ thì nhớ đau nhớ đớn. Tôi như một sự kí gửi vô duyên vào nghề thép sau này chứ thật ra tôi đã thuộc về một cuộc đời khác trước đó. Chả thế tôi không mấy nhớ gì về đoạn đời đi làm Thép là mấy. Kể cũng tiếc.
Gọi tháng 12 là “tháng chiến binh” bởi tinh thần của tháng này như ngày xưa đi học cấp 1 có chủ đề quân đội là thích đọc lắm. Ở đấy có chuyện chú bộ đội hùng dũng mũ sao súng ống và nụ cười thật tươi. Nói thật nhé, bộ đội ngày xưa khác bộ đội thời nay lắm. Sự trong sáng giảm mất nửa phần. Sự dũng cảm cũng mất gần nửa phần. Chỉ có sự đẹp thì tăng lên đôi phần. Dù gì gì thì tháng 12 cũng vẫn là tháng chiến binh và người lính thì đời nào cũng khổ ( chỉ lính thôi nhé) .
Tháng 12 năm 1973 những trận đánh ở chốt Chư rông Ràng , 784, Chư ga ra , chư gôi, phía tây Pờ lây cu diễn ra liền tù tì. Không có ngày nào là không đánh nhau. Không ngày nào là không dưới chục lần pháo từ Thanh An , đồn Tầm, Hàm Rồng , Phú Mỹ bắn về. Những ngọn núi lúc nào cũng có khói và cây đổ. Sau này khi trở lại Tây Nguyên nhìn những xe gỗ dài hơn chục mét lại nhớ đến những cây gỗ rừng cao to trên 784 trên chư rông rang cắm nát thân cây vì mảnh bom mảnh pháo. Những tháng cuối năm mùa khô mùa hoa dã quy là tháng đánh nhau và chết chóc. Thằng Lương Lợi đại học Cơ Điện, thằng Huấn Cơ điện Hoàng Văn Thụ cũng chết vào dạo ấy... Mỗi trận đánh nghe thấy tên bạn quen hi sinh là buồn ngao ngán. Nhiều thằng lẩm bẩm chả biết lúc đéo nào đến lượt mình. Tháng 12 hoa vàng rưng rưng khắp những triền đồi trước trận địa . Lúc ấy nhìn những cánh hoa dã quỳ như tang tóc.
Tháng 12 năm 1974 cũng thế. Mùa khô là mùa chiến dịch. Mùa khô kéo dài đến tận hết tháng tư năm sau. Thế là mới tháng 10 là địch đã hành quân và quân ta thì tháng 10 cũng ngừng mọi hoạt động râu ria mà giành cho đánh nhau. Tôi nhớ tháng 12 năm ấy trung đoàn 53 của sư 23 ngụy hành quân ra vùng hành lang Lang Dịt ở đường 19 . Tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 đón đánh vào đầu tháng 12. Ngày 9/12 năm ấy ta bám địch không chắc đánh không thành công. Tiểu đoàn trưởng d9 là anh Nghiêm lúc ấy vừa được lên TMP trung đoàn đi chỉ huy ở sở chỉ huy trung đoàn thấy trận đánh căng thẳng liền bỏ sở chỉ huy xông lên trận địa chỉ huy. Anh Nghiêm bị chính ủy phê bình kịch liệt và chịu hình thức khiển trách. Tháng 12 năm ấy lại mất vài đứa bạn nữa cùng đại đội huấn luyện ngoài bắc. Đó là thằng Bạn người Ý Yên kĩ thuật địa chất đoàn 12, thằng Dương phỉ thì bị thương nặng. Sau trận đánh ấy là đến dịp 22/12 trung đoàn cho phép mổ lợn tăng gia ăn tết quân đội. Bữa cơm có thịt của lính ở chiến trường vừa nụ cười và nước mắt trộn lẫn. Thương những thằng chết mồ chưa cỏ mọc , chết trong lúc đói cơm , nửa năm không có miếng thịt . Chết chưa biết cái kẹo điếu thuốc lá quăn queo miền Bắc gửi vào.
Rồi những tháng 12 năm sau và những năm sau đến tận bây giờ tháng chiến binh là những rượu bia và chém gió. Những người đã chết những người thương tật chả thể chém gió được nữa. Chiến tranh lùi xa và như một bộ phim hay mà mỗi người bình luận một kiểu. Những người lính như chúng tôi thì cứ tháng 12 là nhớ rừng Tây Nguyên , ở đó có những cành hoa dã quì khô quắt trên những nấm mồ không bia hứng đầy nắng và gió bụi.
    

CHUYỆN VỀ CHIẾC XE TĂNG 814 CỦA TRUNG ĐOÀN XE TĂNG 273 BỊ ĐỊCH BẮN CHÁY Ở PHÍA TRƯỚC CỔNG BỘ TỔNG THAM MƯU NGUỴ SÁNG 30/4/1975 - 46 NĂM SAU, CHUYỆN GIỜ MỚI RÕ

 CHUYỆN VỀ CHIẾC XE TĂNG 814 CỦA TRUNG ĐOÀN XE TĂNG 273 BỊ ĐỊCH BẮN CHÁY Ở PHÍA TRƯỚC CỔNG BỘ TỔNG THAM MƯU NGUỴ SÁNG 30/4/1975 . 46 NĂM SAU , CHUYỆN GIỜ MỚI RÕ

Nguyễn Đình Thi
Từ trước tới nay nhìn vào bức ảnh của nhà báo Pháp - Jacques Pavlovsky chụp về 3 chiếc xe tăng của ta bị địch bắn cháy ở Lăng Cha Cả , tôi - người trực tiếp chứng kiến 3 chiếc xe cháy này cũng như mọi người đều nghĩ rằng đây là những xe tăng đầu tiên của ta bị cháy ở Lăng Cha Cả sáng 30/4/1975 . Nhưng sự thật không phải chỉ có vậy mà trước đó đã có 2 chiếc xe tăng của ta đã bị địch bắn cháy , một chiếc cháy ở đầu phía trên Lăng Cha Cả và một chiếc cháy ở phía trước Câu lạc bộ Sỹ quan không quân , gần Bộ Tổng tham mưu Nguỵ . Hôm vừa rồi trò chuyện với anh Bùi Đức Thống - Trưởng xe 814 , thuộc đại đội xe tăng 1 - Lữ đoàn xe tăng 273 , người thoát chết trên chiếc xe tăng cháy này . Anh đã kể với tôi về trận chiến đó như sau :

Tầm 17 giờ , ngày 29/4/1975 , sau khi cùng bộ binh Trung đoàn 24 đánh tan các chốt chặn của địch ở Củ Chi , Thành Quan Năm , Trung tâm huấn luyện Quang Trung , Hóoc Môn , hãng dệt Vinatechko , xe 814 của tôi đi đầu đội hình tấn công đã tới đầu sân bay Tân Sơn Nhất . Thật không ngờ chỉ trong một ngày tiến quân , đội hình xe tăng đại đội 1 của tôi đã có mặt ở đây . Vừa tới gần sân bay thì một cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống , mưa trắng trời làm cho bầu trời Sài Gòn tối xẫm lại , tầm nhìn lúc này bị hạn chế rất nhiều , nhiều lúc tôi và pháo thủ 2 phải mở cửa , thò đầu ra ngoài để quan sát nhưng vẫn không nhìn thấy gì . Chừng 30 phút sau , mưa tạnh , nhìn bằng mắt thường tôi đã nhìn thấy rất nhiều máy bay trực thăng của địch đỗ ở phía trong sân bay . Địch ở trong sân bay lúc này cũng phát hiện được xe tăng của ta nên chúng tập trung hỏa lực bắn như vãi đạn về chiếc xe tăng 814 của tôi làm một chiến sỹ trinh sát bộ binh ngồi trên xe hy sinh tại chỗ . Phát hiện hỏa lực địch từ mấy chiếc lô cốt ở phía trong sân bay bắn ra , tôi lệnh cho pháo thủ nhằm mấy cái lô cốt này nã đạn . Chỉ trong ít phút chiến đấu cả 3 chiếc lô cốt này đã bị tiêu diệt . Đang chiến đấu bỗng tôi nhìn thấy một quả đạn xanh lét của địch bay về phía xe tăng tôi , may quá quả đạn này trượt phía trên tháp pháo . Thì ra 2 chiếc xe tăng M48 của địch ở đường tuần tra trong sân bay đã phát hiện được xe tăng 814 của tôi , chúng tập trung bắn vào xe tăng tôi . Tôi lệnh cho pháo thủ nhằm 2 chiếc xe tăng này bắn . Do trời đã hơi tối , lấy cự ly chưa chuẩn nên quả đạn đầu bắn không trúng . Đang định bắn tiếp quả thứ 2 thì pháo thủ báo không phát hiện được xe tăng địch nữa . Hoá ra khi thấy xe tăng ta bắn trả . Sợ quá chúng vội chuồn mất . Mưa ngớt , đội hình xe tăng của ta từ phía sau lúc này cũng đã dồn lên , chúng tôi tập trung hỏa lực bắn mạnh vào phía trong sân bay làm cho bọn địch ở trong sân bay không dám bắn ra . 19 giờ , chúng tôi được lệnh dừng lại cùng bộ binh chốt chặn ở khu vực ngã ba Bà Quoẹ 5 giờ 30 phút , sáng ngày 30/4 , trời Sài Gòn lúc này vẫn còn tối , phố xá vắng lặng . Lệnh tấn công được phát ra . 2 khẩu pháo cao xạ 37 ly của Trung đoàn pháo cao xạ 234 đi cùng bộ binh được lệnh hạ thấp nòng khai hỏa trước . Tiếp đó các loại hỏa lực như ĐKZ , cối 82 , cối 60 của bộ binh Trung đoàn 24 cũng cấp tập bắn về phía tiền duyên quân địch . Cùng lúc hỏa lực của bộ binh bắn , 4 xe tăng thê đội 1 của chúng tôi cũng xuất kích tấn công . Để hỗ trợ cho nhau khi tấn công , đội hình xe tăng của chúng tôi thống nhất đi theo hình dích dắc . Địch lúc này cũng chống trả rất quyết liệt , chúng dùng lựu đạn từ trên các nóc nhà ở hai bên đường ném xuống , rồi dùng M79 , đại liên , bắn xối xả về phía quân ta , khói đạn mù mịt , những mảnh đạn va vào thành xe chan chát , toé lửa làm anh em bộ binh phải nhảy hết xuống xe . Qua ống kính , tôi phát hiện một ổ hỏa lực của địch ở phía bên trái đường Hoàng Hoa Thám đang bắn đại liên về phía chúng tôi , lập tức tôi lệnh cho pháo thủ quay nòng pháo nhằm khẩu đại liên này của địch bắn . Bằng một quả đạn chính xác , khẩu đại liên này của địch đã bị tiêu diệt . Tầm 6 giờ 30 , đội hình xe tăng chúng tôi vào tới khu vực ngã tư Bảy Hiền . Tại Ngã tư Bảy Hiền là một ngã tư nối liền với nhiều mục tiêu quan trọng của địch như Dinh Độc Lập , sân bay Tân Sơn Nhất , Bộ Tổng tham mưu Nguỵ . Địch phòng thủ ở đây rất mạnh trên cả 3 hướng . Chúng bố trí xe tăng ẩn ở các góc khuất , hỏa lực chống tăng bố trí dày đặc ở các công sự và trên nóc các ngôi nhà . Khi xe tăng của ta vừa vào đến ngã tư đã bị chúng bắn cháy và bắn hỏng 2 chiếc làm dội hình xe tăng , xe thiết giáp của ta không phát triển lên được . 8 giờ , sau khi tổ chức nhiều lần tấn công ta mới chiếm được ngã tư Bảy Hiền . Chiếm được ngã tư Bảy Hiền xe của tôi và xe anh Thuận nhanh chóng tiến thẳng theo đường Võ Tánh để về cổng số 5 . Tầm gần 9 giờ , xe 814 của tôi và xe 981 của anh Thuận đã tới đầu Lăng Cha Cả . Lăng Cha Cả là một bãi đất rộng , ba mặt đều trống trơn lại là khu vực phía trước cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất , khu vực này cách Bộ Tổng tham mưu Nguỵ cũng khá gần , chừng 500 . Do sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu đều là những vị trí quân sự hết sức quan trọng nên tôi đoán chắc địch sẽ phòng thủ mạnh ở đây . Quan sát về phía sau tôi không thấy một xe nào , trên xe lúc này cũng không có bất kỳ một trinh sát hay bộ binh nào đi cùng , chỉ có xe của tôi và xe anh Thuận nhưng cả tôi và anh Thuận đều rất quyết tâm . Vừa tiến chúng tôi vừa bắn , địch ở các vị trí phòng thủ xung quanh khu vực Lăng Cha Cả cũng bắn ra rất dữ dội . Xe 981 của anh Thuận vừa tới đầu phía trên của Lăng Cha Cả thì trúng đạn bốc cháy . Như vậy lúc này đơn độc chỉ có một xe của tôi . Biết phía trước sẽ rất nguy hiểm nhưng tôi vẫn bình tĩnh lệnh cho lái xe lách sang bên phải xe anh Thuận đang cháy , lao lên . Phát hiện một lô cốt địch ở cổng số 5 đang bắn ra, lập tức tôi lệnh cho pháo thủ tiêu diệt mục tiêu này . Do thấy cái cổng này nhỏ , tôi đoán cổng to của sân bay chắc ở phía trên nên tôi cho xe tiếp tục tiến . Lúc này xe của tôi đã tới gần Câu lạc bộ sỹ quan không quân , phía bên phải là tường của khu vực Bộ Tổng tham mưu Nguỵ . Quan sát , tôi thấy khu vực này rất rộng , trống trơn lại ở ngay phía trước mặt Bộ Tổng tham mưu Nguỵ . Như vậy tôi biết xe của mình lúc này đang ở trong tình thế cực kỳ nguy hiểm , đã nằm trong tầm ngắm của tất cả các loại hỏa lực của địch từ các hướng . Tuy vậy cả 4 anh em vẫn bình tĩnh và rất quyết tâm , không ai tỏ ra lo sợ . Vừa lúc đó tôi phát hiện một quả hỏa tiễn của địch từ một tháp nước ở phía trước cổng Bộ Tổng tham mưu Nguỵ bắn tới . May , quả đạn này trượt tháp pháo . Tôi lệnh cho pháo thủ nhằm nơi hỏa lực địch vừa bắn ra , bắn trả . Sau phát đạn đó không thấy địch ở đấy bắn ra nữa . Cùng lúc này , quan sát qua kính ngắm tôi phát hiện thấy 2 xe tăng M48 địch nấp sau 2 chiếc xe tải GMC chắn ngang đường . Xe tăng địch cũng phát hiện được xe tăng của tôi , chúng cũng bắt đầu nã đạn về xe tôi nhưng rất may đều không trúng . Do chúng thoắt ẩn , thoắt hiện nên xe tôi mấy lần nổ súng cũng không trúng xe của địch . Phát hiện lúc này chỉ có một mình xe của tôi nên hỏa lực của địch ở quanh khu vực phía trước cổng Bộ Tổng tham mưu đều tập trung nhằm xe tôi bắn . Tôi nhìn rõ những quả đạn xanh lét liên tục bay về phía xe tôi . Để tránh trúng đạn địch , tôi lệnh cho lái xe lúc né trái , lúc né phải , vừa cơ động , vừa bắn . Sau chừng 20 phút chiến đấu , xe của tôi lúc này dính tới 3 quả đạn hỏa tiễn của địch . Quả thứ nhất chạy dọc nòng pháo , làm sước nòng pháo tới 20 cm , quả thứ 2 làm bay mất móc cáp kéo xe . Tuy xe bị dính 2 quả đạn đầu nhưng xe vẫn chiến đấu được , quả thứ 3 trúng thùng dầu làm lửa cháy lan rất nhanh trong xe . Rất may tôi và 2 pháo thủ Bắc và Cắm nhảy ra kịp . Lái xe Nguyễn Xuân Khoát không kịp ra đã hy sinh . Ra khỏi xe , nhìn quanh thấy địa hình khu vực này trống trơn , 3 chúng tôi không biết chạy đâu , ẩn nấp ở đâu đành nằm rạp xuống rãnh nước ria đường phía sau chiếc xe tăng đang cháy , tránh đạn . Nhìn thấy chúng tôi từ trong xe nhảy ra , bọn địch ở gần đó , cách chỗ chúng tôi chừng 30 m , hò hét ra bắt , 3 anh em chúng tôi lúc đó không có một thứ vũ khí gì trong tay cũng lo lo . Rất may chúng hò hét vậy nhưng bọn này chắc cũng sợ nên không tên nào dám ra và cứ thế chúng dùng các loại hỏa lực bắn vào chỗ chúng tôi nấp . Lúc đầu chúng bắn đạn thẳng , chúng tôi được chiếc xe tăng cháy che chắn nên không ai việc gì . Một lúc sau chúng quay sang bắn súng cối và M79 . Đạn nổ tứ tung , khói mù mịt , mảnh đạn rơi chan chát trên đường nhựa và quanh chỗ 3 anh em tôi nằm , cả 3 anh em chúng tôi lúc này đều trúng đạn , tôi bị một mảnh đạn vào gối , pháo thủ Bắc bị thương vào đầu , pháo thủ Cắm bị thương vào người . Lấy băng ra mấy anh em chúng tôi tự băng bó cho nhau , trông chờ vào sự may rủi . Nằm ở chỗ xe tăng 814 cháy tôi vẫn chú ý quan sát về phía sau thấy xe tăng của ta lên cái nào lại dính đạn địch bốc cháy . Mỗi lần xe của ta cháy tôi còn nghe rất rõ tiếng hò reo vui mừng của bọn địch . Nằm ở rãnh nước tới 30 phút vẫn không thấy lực lượng nào của ta lên , lại nhìn thấy một chiếc xe tăng của ta ở phía sau không tiến mà cứ lùi , sau này tôi mới nghe anh em bộ binh nằm gần chiếc xe tăng cháy này kể , do xe cháy , đạn trong xe nổ tác động vào bộ phận điều khiển làm chiếc xe tự lùi rồi quay ngang nòng pháo . Nằm ở đó tôi cũng lo nhưng tôi vẫn giữ bình tĩnh để cho 2 đồng chí pháo thủ yên tâm . Tầm gần 10 giờ , thấy tiếng súng địch thưa thớt hơn tôi trao đổi với 2 anh em pháo thủ là một trong 2 người bò về phía sau bắt liên lạc với đơn vị chứ cả 3 đều nằm ở đây đơn vị không biết để hỗ trợ . Có thể do vết thương nên cả 2 pháo thủ không ai nhận đi . Tôi quyết định mình sẽ bò về . Dặn 2 đồng chí pháo thủ mọi việc xong , tôi nhổm lên bò . Vận dụng mọi động tác trong bò , toài , tôi ép người xuống đất nhích dần từng tý một vì chỉ cần nhô cao người một chút là dính đạn thẳng địch . Bò được chừng 30 m , bỗng tôi nghe tiếng hô to : - Hàng thì sống , chống thì chết ! Nghe tiếng hô lúc đầu tôi cũng hơi giật mình song tôi nghĩ đây là tiếng bộ đội ta chứ không phải địch vì tiếng hô giọng miền Bắc . Mừng quá . Tôi vội cởi mũ xe tăng ra vẫy vẫy , rồi hô to : - Bộ đội xe tăng đây ! Quân mình đây ! Nghe tiếng tôi hô , mấy anh em Trung đoàn 24 ( tôi đoán đây là lực lượng trinh sát ) liền gọi , bảo tôi chạy nhanh về đây chúng tôi bắn yểm trợ . Nghe lời mấy anh em bộ binh Trung đoàn 24 , tôi nhổm người , chạy nhanh về phía mọi người . May quá , chạy về tới chỗ anh em bộ binh không dính viên đạn nào của địch . Chào mọi người , tôi lùi xuống phía dưới thấy xe tăng , xe thiết giáp rồi bộ binh của ta ùn đầy khu vực Lăng Cha Cả . Thấy tôi trở về , anh Chu Khánh Tồn - Tiểu đoàn trưởng vui mừng ôm chầm lấy tôi nói : - Cậu về được thế này là tốt rồi ! Tôi báo cáo tình hình với Tiểu đoàn trưởng và nói hiện còn 2 thương binh đang nằm ở phía trên . Anh Tồn bảo tôi việc thương binh Tiểu đoàn sẽ lo , cậu chuẩn bị để cùng anh em tiến về dinh Độc Lập . Chưa kịp cùng mọi người tiến về dinh Độc Lập thì tôi được tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện . Thông tin Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện làm tôi sững sờ , lặng đi trong giày lát , một cảm xúc vui buồn thật khó tả . Chiến tranh dài dằng dặc thế là đã kết thúc . Chiều 30/4 , chúng tôi trở lại khu vực những chiếc xe tăng cháy để làm công tác tử sỹ . Do nhiệt độ trong xe cháy vẫn còn rất cao nên mãi 3 ngày sau chúng tôi mới thực hiện được . Nhìn hài cốt các anh còn lại chẳng đáng là bao đựng trong thùng đại liên ai trong số chúng tôi có mặt hôm đó đều không cầm được nước mắt . Sau này mỗi lần có dịp đến Sài Gòn , tôi đều trở lại Lăng Cha Cả . Mỗi lần trở lại cảm xúc nghẹn ngào lại trào dâng trong tôi . Dù cuộc chiến đã đi qua mấy chục năm , dù nơi này giờ đã đổi khác hoàn toàn nhưng tôi vẫn như thấy các gương mặt đồng đội của tôi hôm nào . Tôi mong ước nơi đây sẽ có một tấm bia hoặc một tượng đài để ghi nhớ những người lính xe tăng quả cảm , anh hùng đã ngã xuống ngay trước giờ toàn thắng của Dân tộc tại Lăng Cha Cả - Sài Gòn trong buổi sáng ngày 30/4/1975 .
    

KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI MAI TÁNG LIỆT SỸ

 Nhà văn Dương Thanh Biểu là lính Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3, anh vào chiến trường chiến đấu suốt từ năm 1968 tới năm 1973. Năm 1973, trong một trận đánh trên cương vị đại đội trưởng, anh bị thương nặng sau đó được chuyển ra Bắc điều trị. Khi dời quân ngũ với bao khó khăn anh gặp phải: bố, mẹ mất, người yêu mất do bom của giặc Mỹ, nhà cửa không còn, các em mỗi người một nơi, những khó khăn chồng chất như muốn quật ngã anh. Nhưng mang ý chí, quyết tâm của người lính anh đã không ngừng học tập, rèn luyện vươn lên rồi trở thành một cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước với chức danh Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Mặc dù công việc chuyên môn rất bận nhưng anh vẫn miệt mài viết, ghi lại những năm tháng sống, chiến đấu ở chiến trường. Đến nay anh đã có 6 tác phẩm ra đời đó là các tác phẩm: Một thời trận mạc ( nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2010 ), Theo dòng công lý ( Nhà xuất bản Hội nhà văn 2011), Tạ Định Đề những góc khuất của cuộc đời ( Nhà xuất bản QĐND năm 2013 ). Từ cuộc chiến đến cuộc chiến ( Nhà xuất bản QĐND 2016 ), Miền sáng tối ( nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2017 ), Nỗi niềm người lính ( nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2020 )

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài : KỶ NIỆM MỘT CHUYẾN ĐI MAI TÁNG LIỆT SỸ của nhà văn Dương Thanh Biểu
KỶ NIỆM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI MAI TÁNG LIỆT SỸ
Dương Thanh Biểu – CCB e28/fBB10
Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao



... Mặt trận Đường 9 - Quảng Trị, tôi còn nhớ mãi. Hôm ấy gần tối, đói bụng, tôi bẻ nắm cơm vỏ ngoài đã khô như vỏ dừa ra ăn.. Đang ăn thì Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng gọi sang hầm bên. Anh rít một hơi thuốc dài, vừa nhả ra làn khói xanh vừa thân mật nói:
- Cậu chuẩn bị cùng tớ đi làm nhiệm vụ đặc biệt của Tiểu đoàn. Nhớ chuẩn bị mang theo dao găm, cuốc, xẻng. Ngay bây giờ nhé!
Tiểu đội trưởng Hoàng có đôi mắt sâu hoắm, mặt mày lem luốc, bước đi nhanh nhẹn. Anh là người chỉ huy dũng cảm, linh hoạt nhưng rất thương anh em. Đêm đêm trước giờ ngủ, anh đều đi kiểm tra chiến sĩ có mắc màn chống muỗi và ngủ đúng giờ hay không. Tiếp đó, lại đi một vòng kiểm tra việc gác xách của lính thế nào. Có lần anh nói với tôi: “Trong chiến trường, vốn quý nhất của con người, nhất là đối với bộ đội là sức khỏe. Một đồng chí ốm là mất một tay súng. Mất một tay súng là kẻ địch có lợi hơn mình. Do vậy, chăm lo sức khỏe của chiến sĩ là nhiệm vụ hàng đầu của người chỉ huy”.
Tôi lao nhanh về hầm và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Lúc này tôi cũng chưa hiểu đi làm nhiệm vụ đặc biệt là nhiệm vụ gì. Chập choạng tối, chúng tôi đến Ban chỉ huy Đại đội mới biết nhiệm vụ đặc biệt đó là đi mai táng, chôn cất liệt sĩ.
Mấy hôm nay địch dùng sư đoàn “Kỵ binh bay” đổ bộ, chặn đường tiếp tế của ta cho mặt trận Khe Sanh. Đại đội tôi trong đội hình của Tiểu đoàn K8A đã tập trung đánh địch đổ bộ đường không nên rất ác liệt. Tiểu đoàn đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh bại cuộc đổ bộ đường không của chúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều thương vong. Đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này có nhiều đồng chí. Ngoài anh Hoàng ra còn có các anh Lê Xuân Trữ, Hoàng Ngọc Loan, Nguyễn Văn Lệ, Lê Văn Ngọ… Mới không nhìn thấy nhau có mấy ngày mà trông ai cũng hốc hác, đen sạm, mệt mỏi. Chúng tôi tay bắt mặt mừng nhưng nhìn ai cũng đượm vẻ buồn buồn. Để phá đi không khí căng thẳng ,Trữ vừa cười vừa nói với giọng khảng khái: “Sống chết cũng có số phận của nó các cậu ạ. Bom đạn tránh mình chứ mình làm sao mà tránh nó được. Chỉ có điều, sau này nhỡ ra có làm sao thì ai còn lại nhớ báo tin cho gia đình với nhé”.
Tôi nhìn Trữ và mọi người rồi liếc nhìn các liệt sĩ đã được gói ghém cẩn thận bằng ni lông được cho lên cáng và dựa thân cây. Nhìn các cáng tử sĩ mà lòng ái ngại, thông cảm cho các đồng đội. Anh em chúng tôi tập trung trước hầm Chính trị viên đại đội. Trực tiếp giao nhiệm vụ có anh Nguyễn Hữu Thu, Chính trị viên và anh Nguyễn Long Trọng, Đại đội trưởng. Anh Thu quê ở xã Dân Lực, Triệu Sơn; Anh Trọng quê ở xã Quảng Yên, Quảng Xương, cùng quê Thanh Hóa. Chúng tôi được bổ sung vào đơn vị hỏa lực của tiểu đoàn K8A, lại có các Thủ trưởng đại đội vừa đẹp trai, vừa tâm lý như anh Thu và anh Trọng thì thật là may mắn. Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, anh Thu phổ biến nội dung của nhiệm vụ đặc biệt. Anh Thu trước đây là giáo viên cấp 2, nhập ngũ 1964. Anh có đôi mắt sáng với giọng nói sang sảng có sức thuyết phục. Anh Thu nhìn chúng tôi nói:
- Hôm nay các đồng chí được cử làm nhiệm vụ đặc biệt. Theo mệnh lệnh của Thủ trưởng Mặt trận, vị trí này là nơi tác chiến nên không an toàn vì vậy phải bằng mọi giá, khẩn trương chuyển các tử sĩ ra bờ bắc sông Bến Hải để mai táng. Đây không chỉ là nghĩa tử mà còn là tình cảm đồng đội, đồng chí, sống chết có nhau, là trách nhiệm của người quân nhân cách mạng đối với người đã hy sinh vì Tổ quốc… Rồi anh nhấn mạnh:
- … Do vậy, Đảng ủy Tiểu đoàn và Ban Chi ủy Đại đội rất tin tưởng và gửi trọn niềm tin vào các đồng chí và mong các đồng chí đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt này.
Anh Thu nói rất ngắn gọn và sau đó, anh Trọng, Đại đội trưởng phân công nhiệm vụ:
- Để đảm bảo hành quân an toàn, cứ 4 đồng chí đảm nhiệm một cáng tữ sĩ. Hôm nay trời mưa, đường đi đêm rất khó khăn. Các đồng chí bám sát với nhau, không được đi lạc, giữ bí mật, đề phòng thám báo, biệt kích mai phục. Trong trường hợp bị địch phục kích thì đánh địch, mở đường mà đi. Kiên quyết bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài liệt sĩ.
Anh Trọng nói tiếp:
- Tôi đề nghị các đồng chí đi làm nhiệm vụ đặc biệt lần này hãy vì tình thương yêu giai cấp, tình thương yêu đồng đội, các đồng chí không được khạc, nhổ trước anh linh đồng chí mình.
Nghe đến đây tôi thấy rờn rợn, nổi gai ốc. Sau đó tôi được phân công cùng anh Hoàng, Trữ, Lệ khiêng một cáng tử sĩ. Trữ quê ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; Lệ quê ở Nam Cát. Chúng tôi cùng nhập ngũ một ngày, vào chiến trường B5 lại cùng đơn vị. Mọi người khoác áo mưa. Anh Hoàng đeo khẩu súng AK đi trước. Tôi và Trữ khiêng tử sĩ đi sau. Sau cùng là Lệ. Tử sĩ là anh Nguyễn Hồng Sơn, quê ở Hưng Lợi, Hưng Nguyên, cùng nhập ngũ với chúng tôi. Anh Sơn bị mảnh pháo xuyên ngực cách đây 4 hôm. Tuy được bó bằng vải ni lông nhưng vẫn bốc mùi rất nặng. Mới gần 6 giờ chiều mà đường đi đã tối sẫm. Trời vẫn mưa ngày càng nặng hạt. Trữ người nhỏ hơn nên đi sau, tôi đi trước. Một tay tôi giữ cáng, tay kia chống gậy và đi theo anh Hoàng. Anh Hoàng vừa đi vừa dò dẫm. Có đoạn đi được một quãng nhầm đường phải quay lại. Những lúc xuống dốc, đường trơn, cáng tử sĩ khá nặng đè lên vai rất khó đi. Có lúc trượt chân, thế là cáng tử sĩ đè lên người. Những lúc đó phải có anh Hoàng và Lệ kéo lên mới đứng dậy được. Nước của xác tử sĩ theo cáng chảy vào người nhơn nhớt.
Khoảng 3 giờ sáng thì chúng tôi đến bờ sông Bến Hải. Lúc này trời mưa như trút nước, tối đen như mực. Nước sông dâng cao. Chúng tôi ai cũng mệt nhoài. Anh Hoàng cho anh em tạm nghỉ chờ nước rút mới khiêng tử sĩ sang sông được. Anh Hoàng vuốt nước mưa, nói:
- Bây giờ ta tạm nghỉ tại đây. Mưa thế này có thể sáng mai tạnh, mới vượt sông được. Chúng ta thay nhau thức canh tử sĩ. Phải đề phòng thú rừng, tuyệt đối không được để mất tử sĩ.
Tối đó, chúng tôi thay nhau đứng giữa trời mưa để canh gác cho tử sĩ ngủ. Tôi và Trữ được phân công gác trước. Chúng tôi đứng gác mà bụng đói cồn cào. Đứng dưới làn mưa bàng bạc, Trữ hỏi tôi:
- Đói bụng quá. Tớ còn cơm đây. Cậu ăn với mình nhé.
Vừa nói Trữ vừa móc nắm cơm trong túi ra đã ướt sũng. Trời tiếp tục mưa như trút. Tôi nhìn Trữ, nhìn mưa giăng giăng, nước sông chảy ầm ĩ mà lòng nặng trĩu tâm tư . Chưa bao giờ tôi lại nghĩ đời bộ đội sao mà lắm gian nguy thế này. Khi còn là cậu học sinh có ai kể cho mình về sự gian nan vất vả của bộ đội như thế này đâu. Bụng thì đói mà hai lỗ mũi lúc nào cũng phảng phất mùi tử sĩ thật buồn nôn. Tôi nhìn Trữ, chép miệng:
- Làm sao mà ăn nổi. Cậu ăn đi.
Tôi vừa nhìn vừa chỉ tay ra bờ sông đang ào ào thác đổ:
- Kiểu này có thể nước sông ngập lên đến đây chắc. Trữ vừa cố gắng nuốt trôi miếng cơm nắm, khoát tay nói:
- Mặc nó, ăn đi mà lấy sức. Nước sông có lên đến đây ta lại tiếp tục chuyển tử sĩ lên cao hơn nữa.
Vừa nói Trữ vừa ngoạm cả miếng cơm còn lại một cách ngon lành. Trời tiếp tục mưa, sấm chớp xen lẫn tiếng pháo cầm canh nổ ùng oàng. Anh Hoàng thức dậy từ lúc nào đến bên tôi, vỗ vai:
- Bây giờ để tớ gác cho. Các cậu tranh thủ ngồi ngủ một tẹo cho đỡ mệt.
Tôi thấy ánh sáng đã le lói phía đông, bèn nói với anh Hoàng:
- Trời gần sáng rồi anh ạ. Em cũng chẳng buồn ngủ nữa. Anh và Trữ cứ tranh thủ ngủ đi.
Tôi chưa nói dứt thì Trữ đã vén áo mưa, ghé mông vào gốc cây mục ngồi thụp xuống, trùm áo mưa và ngủ luôn. Còn anh Hoàng thì bật lửa hút thuốc. Tôi bồng súng đứng gác bên thi hài Sơn trong làn mưa, bàng bạc. Không hiểu nước mắt hay nước mưa mà cứ lăn dài trên gò má. Nhìn thi hài tử sĩ được gói cẩn thận bằng áo mưa, nằm ngay ngắn trên chiếc cáng được dựa vào hai thân cây, con tim tôi bỗng xốn xang. Cuộc đời lính trận đúng là sống nay chết mai. Trong mưa bom bão đạn này chẳng biết sao mà lần. Tôi nhìn trời vẫn mưa rơi trắng xóa, bắn vào cáng nghe lộp bộp. Càng nhìn bọc thi hài Sơn, càng thấy thương Sơn. Tôi thầm nghĩ: Sơn ơi! Chỉ mới cách đây mấy hôm, chúng mình đang cùng nhau hút chung điếu thuốc lá Sa Lem lấy được của bọn lính Mỹ trên đồi Cháy, mà bây giò Sơn đã ra đi để lại nỗi mất mát, đau thương cho tiểu đội, cho bọn mình. Mình vẫn nhớ câu nói của Sơn dặn mọi người: “Nếu trong chiến đấu có làm sao thì người còn lại phải báo ngay cho gia đình. Bây giờ người ra đi trước lại là Sơn. Thật đau xót trước cảnh mất mát đau thương này, Sơn ạ. Bọn mình đã vượt bao núi cao, dốc thẳm để đưa Sơn sang bờ bắc sông Bến Hải cho an toàn. Chúng mình sẽ làm mộ chí cẩn thận và sẽ báo cho gia đình biết, Sơn nhé! ... Sơn ơi. Hôm nay, tiễn biệt Sơn không hương, không nến cũng không hoa. Giữa mưa ngàn thác đổ, giữa trận địa đầy hiểm nguy này, tiễn Sơn về thế giới người hiền, với tấm lòng đồng đội thủy chung, luyến tiếc, sẻ chia. Sơn thông cảm cho bọn mình và ra đi thanh thản nhé. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, bọn mình sẽ đưa Sơn đến nơi yên giấc ngàn thu…”
Tôi đang nghĩ miên man về Sơn thân thương thì cơn mưa cũng ngớt dần. Mưa đầu nguồn có khác. Vừa mưa nước đã dâng cao; ngớt mưa nước cũng rút rất nhanh. Những hòn đá nhấp nhô ngày càng lộ dần lên mặt nước. Chúng tôi khẩn trương khênh cáng tử sĩ vượt sông Bến Hải. Sông chảy cuồn cuộn. Chúng tôi vừa khênh tử sĩ vừa bám vào dây thừng mà các chiến sĩ giao liên đã làm sẵn để vượt sông. Nếu không có dây thừng này thì dòng nước có thể cuốn chúng tôi đi bất cứ lúc nào. Chúng tôi vừa khênh xác tử sĩ qua sông thì cũng là lúc máy bay Mỹ bắn phá hai bên bờ sông Bến Hải. Thi hài Sơn được chúng tôi cáng đến xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh để mai táng. Mấy anh em hì hục đào huyệt chôn cất tử sĩ và ghi thẻ mộ chí cho Sơn. Mai táng tử sĩ xong, chúng tôi khẩn trương quay lại sông Bến Hải để về đơn vị. Trước lúc quay lại, anh Hoàng dặn mọi người:
- Bây giờ ta khẩn trương hành quân về đơn vị. Theo cấp trên cho biết, đoạn sông ta vừa qua, trưa nào máy bay cũng bắn phá ác liệt, cho nên yêu cầu các đồng chí ngụy trang cẩn thận, đi cách nhau 10 mét và hết sức khẩn trương để vượt sông trước 10 giờ sáng.
​Sau lời căn dặn của anh Hoàng, có thể nói là chúng tôi vừa đi vừa chạy để kịp vượt sông, tránh giờ cao điểm máy bay tới ném bom sông Bến Hải. Sau đợt công tác đặc biệt này, lỗ mũi tôi lúc nào cũng thoang thoảng mùi tử sĩ, mặc dù luôn xức dầu con hổ nhưng vẫn không hết cái mùi ấy. Bây giờ đã hơn 50 năm rồi nhưng chuyến đi công tác mai táng liệt sỹ đêm hôm đó tôi vẫn mãi mãi không thể nào quên cái mùi liệt sĩ ấy...
DTB
    

MÙA MƯA NĂM ẤY

 MÙA MƯA NĂM ẤY

Bác sỹ Hoàng Bá Quế
Sau thời gian làm quen của "lính mới " tại Khoa 23 của bác sĩ Minh (xin lỗi thầy vì không còn nhớ được họ của thầy - em xin được viết theo chức danh). Khoa 23 là khoa chuyên về mắt, khoa mắt nhưng rất nhiều thương binh đa vết thương khác. Trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, từ Đăk Tô, Tân Cảnh thương binh ứ dồn về tràn ngập, hầu như khoa nào cũng phải nhận thêm, phải triển khai phẫu thuật, không cứ là chuyên ngành về mổ xẻ.
Có những vết thương bị giòi đục, bơm nước muối vào, giòi lúc nhúc hàng chục con vãi ra bàn mổ không là chuyện hiếm. Lán trại, hầm âm, nhà lợp lồ ô, tăng võng, từng nhóm, từng nhóm đầy rừng, râm ran muôn chuyện mặt trận, chuyện chiến đấu... đa phần chỉ "oánh" chiếc quần cộc, băng cuốn đầy mình, miệng vắt vẻo điếu thuốc sâu kèn dính tận mép, hăng nhất là nhóm thương binh đã bớt đau, có người choi choi cái tay cụt vẫn hò hét sát phạt “tiến lên”, quẹt nhọ than vào mặt, vào trán… để ăn thua nhau. Góc này mấy ông 95, bãi kia mấy vị 66, quân địa phương Đăklak, lính nằm vùng Quảng Ngãi... hầu khắp các chiến trường, hầu khắp các mặt trận, từ bắc Kon Tum, đường 14, 19... đến trung đoàn 25 tận Cánh Nam... đủ các đơn vị, đủ các binh chủng, bộ binh, pháo, đặc công, trinh sát, thông tin... đều có mặt nơi đây, có thể nói Viện 211 là bệnh viện lớn nhất chiến trường Tây Nguyên - Khu Năm thời bấy giờ.
VỀ ĐƠN VỊ MỚI
Đầu tháng 8/1972, chúng tôi được điều động tăng cường cho Viện 1, nói là chúng tôi nhưng cũng chỉ có hai anh em, tôi và Nguyễn Xuân Luận, bác sĩ lớp 61A, còn Cao Văn Xuân cũng 61A, đã bổ sung về trung đoàn 26 từ trước. Chúng tôi theo chân Y sĩ Khang, nhân chuyến anh ấy đi lĩnh hóa chất xét nghiệm trở về Cánh Trung (Gia Lai). Tây Nguyên - mùa mưa, hành quân thật gian khổ, dốc cao, suối đỏ ngầu gầm thét, dép cao su có khi lộn ngược tận cổ chân, chênh vênh có đoạn phía âm toàn những vạt nứa nhọn nhoắt, ngang bụng. Ăn trong mưa, ngủ trong mưa, muỗi rừng, vắt xanh ngo ngoe, dừng vài bước đã bật tận ba lô. Đúng là lính mới chiến trường, nhớ mãi lần tôi tìm được chỗ mắc võng ưng mắt, làm xong giá ba lô hẳn hoi, cọc phụ chống mưa đầy đủ nhưng anh Khang bắt tôi dọn ngược mười mấy mét cách suối. Tôi hỏi chỗ nghỉ đêm tốt thế này, gần nước bắc gô, lại kín đáo bí mật, thám báo, biệt kích khó phát hiện... anh Khang giải thích cho tôi, ... nhìn vách suối mùa mưa năm trước rác lá, cành trôi, bám thành một dải trên đầu... à, thì ra, căn cứ vào đó mà biết, mùa mưa nước về, suối ngập cao đến mức đó, nằm đây, đêm – lũ suối mùa mưa Tây Nguyên về - không ai tìm được xác.
Đường về là lối cũ, sau cả tháng trời, cây, cỏ um tùm nhiều khúc mất dấu. (Trạm 73 - khu vực Ngã ba 90, từ đây có đường về Quảng Ngãi, đi Ba Tơ, Sa Huỳnh... con đường mà "... hạt muối năm xưa, từng trông chờ đỏ mắt, anh về trong cái chết gần kề)... và chiến trường Khu Năm. Đường đi nội bộ Tây Nguyên thường gọi là đường dây Giải phóng. Mùa mưa, ít người qua lại, nghe anh Khang nói cả đi, cả về, nay đã hơn một tháng. Mùa mưa, cỏ cây giăng mắc, thấy anh cứ tới lui, nghiêng ngó mấy thân cây tìm cái gì đó. Nếu không thấy có cành lá nào dấp ngược, chẳng có đường dây hữu tuyến, có nghĩa là không được đi, hoặc đã hủy bỏ, nhiều nguy cơ, bị mìn gài, biệt kích, thám báo, hoặc đã lộ vị trí phải di chuyển..vv.
Gọn lỏn hai tiếng " đây rồi ", lại ba lô, súng lên vai, gậy chống tay, chúng tôi theo anh tiến về trước, dấu vạc một phần trên thân cây đã lên sẹo, anh khẳng định vẫn đúng đường 3 vạc - đường về Viện 1. " Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù ", Trường Sơn - Tây Nguyên thuở ấy bạt ngàn là cây, mịt mùng che lối, không có kinh nghiệm rất dễ bị lạc, lúc ấy biết hỏi ai giữa rừng không mênh mông, bởi vậy ban đêm, vài bước, học cách lính chiến trường cũ, bạn phải bẻ ngược những cành lá để khi trở lại, lần theo đó về đơn vị. Trên đường dây người ta dùng dao găm vạc vào vỏ cây một lát, hai lát, ba lát...nhưng, thường cũng chỉ vài ba lát thôi. Theo qui ước từng đơn vị, trên đường có thể rẽ về đường 2 vạc, 1 vạc... tùy nơi đóng quân hoặc nơi cần đến. Lính B3, món này rất thông thạo. ...Đến lúc thấy lối đi rộng hơn, nhiều dấu dày dấu dép hơn, bốc mùi đặc trưng - dẫu có lính ta có 2 lạng rưỡi lương thực mỗi ngày nhưng mùi vẫn khác mùi cứt thú..., đã tới gần khu vực đông người, thế là đã về đến Bệnh viện.
HAI NGƯỜI GIÁO VIÊN ẤY
Một là thầy Hoàng Văn Phái, có lẽ anh hơn tôi vài tuổi, anh quê Hải Phòng, cụt đến cánh tay khi đánh cắt đường 14, anh đã là giáo viên trước khi nhập ngũ, tôi và y sĩ Nghị, y sĩ Tài phụ trách 6 lán khinh thương và trung thương ở Q19, vị trí Viện 1 của thầy Hiếu (sau hòa bình thầy về HVQY) thời ấy. Tôi cứ nhớ và thương mãi, vết thương cụt tay, da xanh gầy vì đói gạo, sốt rét, thay băng cho anh, lần nào mắt cũng nhòe đi.
Hai là thầy Đại học Vinh. Hồi đó, cũng tại Q19, vệ binh đưa về lán tôi một thương binh, anh thuộc khu lán của tôi, vết thương anh không nặng lắm. Kiểm tra thương binh của mình, ngoài vết thương chưa tháo băng, anh còn bị ghẻ ngứa toàn thân, hai mắt bạc phếch, người tựa tàu lá. Anh bị bắt vì nhổ sắn non, mới tháng tám, ăn lá nhiều ngày đâu chịu được, đành là khí tiết dư giả, lại không phải sắn đồng bào, nhổ mấy củ sắn non, "ca, cóng" ngoài rừng, bị lộ... thế đó. Chẳng vậy mà lính B3 chúng tôi "Tây Nguyên ơi, ai một lần qua đó, Suốt một đời nghĩ lại vẫn thương nhau". Tôi hỏi và được biết, quê anh Hà Tĩnh, học Đại học Sư phạm Vinh, làm thầy rồi làm lính, tôi không nhớ tên anh, không nhớ đơn vị nào, bị thương trận nào. Từ ngày đó, tôi giữ anh lại phụ anh nuôi, kiếm thêm củi cho bếp, sức anh khá dần... Khi tôi đi nhận nhiệm vụ mới, thì anh vẫn ở lại. Cuộc chiến còn thêm mấy năm, không biết ngày thống nhất anh còn không?



    

CHUYỆN TRINH SÁT NẮM ĐỊCH Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM

 CHUYỆN TRINH SÁT NẮM ĐỊCH Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM

Trần Đăng Quế - trinh sát Quân đoàn 3
Gửi các đồng đội Cựu chiến binh tiểu đoàn trinh sát 28 - QĐ3 , đặc biêt các đồng đội tham gia cùng tôi trong trận chiến đấu này là các đồng chí : Trần Khoản, Nguyễn Quốc Việt hiện đang sống ở Lạng Giang - Bắc Giang, Đào Xuân Liệu ở Thái Bình
* * * * *
Khoảng tháng 6 năm 1978. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức một phân đội TS hoạt động địa bàn từ Phước Vinh lên đến Lò Gò trọng tâm là khu vực Xóm Giữa. với chiều dài khoảng 20km chiều rộng khoảng 6km. Đây là một địa bàn có địa hình tương đối bằng phẳng, chạy dọc theo trực đường 13. Từ Xóm Giữa có con đường chạy thẳng ra Sông Vàm Cỏ, bên kia Sông Vàm Cỏ là đất CPC. Hai bên trực đường là những nương rẫy xen lẫn là các cách đồng nhỏ trồng trọt của dân ta trước khi chiến tranh biên giới xẩy ra. Cách xa đường khoảng 100 đến 150m là những cánh rừng nguyên sinh nhưng ít có cây to, độ che phủ tương đối rậm rạp. Phía CPC là những cánh đồng hoang , sình lầy dạng mùa nước nổi. Đi lại qua sông giữa hai bên chủ yếu là bè mảng.
Nhiệm vụ giao cho tôi là : Giai đoạn đầu : Cùng một đại đội Công Binh của Lữ Công binh 7 tiến hành các hoạt động nghi binh thu hút địch, tạo điều kiện cho f320 chuyển cánh từ khu vực Suối ĐaHa , Tà Âm sang các cánh rừng Cao su thuộc huyện Mi Mút/ CPC, địa hình khu vực này cao có lợi thế hơn. (Có lẽ đây là bước để chuẩn bị về thế và lực cho cuộc tổng tiến công sau này).
Giai đoạn này chúng tôi đóng quân cách trục đường 13 khoảng 2km. Bố trí một hệ thống trận địa phòng ngự có hầm chiến đấu , hầm trú ẩn , hệ thống giao thông hào giữa các trận địa với nhau tương đối hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm khi có hẳn một đại đội Công Binh cùng thực hiện n/v. Đại đội trưởng Độ là người có tác phong chỉ huy rất quyết đoán thể hiện sự từng trải. Phân đội trinh sát chúng tôi chủ yếu là lùng sục nắm tình hình, thỉnh thoảng gây ra các tiếng nổ để chứng tỏ ở đây đang có lực lượng VN hoạt động mạnh. Hàng ngày tôi cử một tổ từ hậu cứ ra sát trục đường 13 đặt đài quan sát. Đài quan sát chúng tôi chọn một cây cao ngụy trang che khuất cẩn thận, một đồng chi trèo lên làm n/v quan sát còn 3 đồng chí làm nhiệm vụ cảnh giới trên ba hướng đề phòng địch đột nhập. Một tổ khác làm nhiệm vụ lùng sục nghi binh. Nhiệm vụ được thực hiện trong một thời gian khá dài. Qua theo dõi nắm tình hình thấy nhiều ngày tầm khoảng 7 đến 8 giờ thường phát hiện một toán địch trong rừng ra và di chuyển trên trục đường 13 từ hướng Lò Gò xuống hướng Phước Vinh, thường thì chúng dừng lại trên một cây cầu nhỏ nghỉ ngơi, có vẻ chủ quan.Trước tình hình đó đồng chí Độ và tôi bàn nhau tiến hành phục kích. Lực lượng phục kích chủ yếu là lấy quân của đại đội Công Binh còn trinh sát chỉ phối hợp một tổ , đ/c Độ trực tiếp chỉ huy trận phục kích này , tôi làm phó cho anh. Từ hậu cứ trong đêm cả 2 lực lượng đều làm công tác chuẩn bị. Khi trời chưa sáng cả phân đội di chuyển ra vị trí dự kiến phục kích. Triển khai các tổ vào các vị trí. Tổ quyết chiến điểm được bố trí ngay cầu địch thường dừng nghỉ ngơi: bao gồm 5 đ/c được trang bị một quả mìn định hướng ĐH10 gắn ngay trên cây, hướng trọng tâm vào chính giữa cầu, còn lại là B40 và AK47. Một tổ chặn đầu cách tổ giữa khoảng 50m. Một tổ chặn đuôi bố trí ngược lại tổ chặn đầu cách tổ giữa cũng khoảng 50m. Cả trận địa phục kích trong khoảng chiều dài khoảng 100m. Khi trời vừa sáng cả phân đội đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị và bí mật chờ địch ra. Đúng như dự kiến khoảng 8 giờ khoảng 10 tên mặc quần áo màu đen bắt đầu xuất hiện từ trong rừng phía Tây trục đường 13 ra, cả phân đội ta nín thở chờ đợi, toán địch ung dung như thường lệ có vẻ chủ quan đi trên trục lộ vượt qua tổ khóa đuôi, chúng không hề phát hiện thấy quân ta. Đến cầu cả toán dừng lại, thời cơ ngon ăn đã đến đồng chí Độ bấm mìn định hướng, một tiến nổ đinh tai hất cả toán địch xuống hẳn dưới cầu. Coi như cả toán địch 10 tên bị tiêu diệt gọn không sót một tên nào. Thừa thắng quân ta xông ra mặt đường làm chủ trận địa. Rất tiếc là phần lớn quân địch đang đóng trong rừng gần đó nghe tiếng nổ chúng đã ra chi viện và một đồng chí của ta dính đạn địch hy sinh tại chỗ. Cả phân đội vừa đánh trả địch vừa làm công tác tử sĩ đồng thời khẩn trương thu quân rút khỏi trận địa. Trận này đánh giá là thắng nhưng ta cũng hy sinh mất một đ/c. Cả hai lực lượng cùng về hậu cứ nơi bố trí trận địa phòng ngự tiến hành giải quyết và chuyển tử sĩ về Tân Biên.
Sau đó một thời gian ngắn theo lệnh của trên rút đại đội Công Binh đi làm nhiệm vụ khác. Như vậy chỉ còn phân đội trinh sát với quân số hơn chục đồng chí. Đây là giai đoạn hai . Giai đoạn lo lắng nhất của tôi.
Nhiệm vụ không thay đổi quân số ít , tôi phải tính toán cân nhắc thận trọng để vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa bảo đảm an toàn cho cả phân đội. Trước hết là thay đổi chỗ trú quân. Không trú quân trong trận địa phòng ngự đó nữa vì quân số ít và đã phát hiện dấu vết địch vào trinh sát trận địa của ta ở đó sẽ nguy hiểm dễ bị địch tập kích. Vị trí trú quân mới là trong khu rừng rậm rạp bảo đảm bí mật. Một thời gian lại di chuyển đi nơi khác đề phòng địch phát hiện. Trải qua một thời gian khá dài, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đó một cách độc lập , đã tổ chức rất nhiều đợt hoạt động ra tận sông Vàm cỏ. Phải nói khu vực này có rất nhiều mìn, không rõ ta hay địch cài đặt vì trước đó đã có đơn vị hoạt động tại đây. Có ngày tôi 5 lần gặp mìn nhưng may đều phát hiện được và an toàn. Nhưng rồi không phải lần nào cũng may mắn. Một tổ khác đi lùng sục phát hiện một tổ ong mật, anh em thu lượm và đem về coi như một chiến lợi phẩm của rừng. Không may theo đường mòn vấp mìn địch cài 2 đ/c hy sinh tại chỗ trong đó có đ/c Nhân quê Hà Nam. Như vậy phân đội đã phải chịu tổn thất đầu tiên. Thương anh em đồng đội đã ngã xuống. Giải quyết công tác tử sĩ xong, toàn phân đội lại tiếp tục nhiệm vụ. Những ngày kế tiếp vẫn đặt đài quan sát và lùng sục, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp các lực lượng du kích hoạt động nhỏ lẻ trong khu vực. Có lần phát hiện chỗ dấu đạn các loại, chắc là của địch vì rất nhiều đạn M79(lính Pôn Pốt sử dụng rất nhiều M79). Tôi cho anh em thu giữ với một số lượng tương đối lớn. Như vậy từ đây chúng tôi có dư dật đạn M79, tôi cho anh em bắn nhiều hơn vào các chỗ nghi ngờ. Cũng trong thời gian này địch lại tiếp tục các hoạt động có tính qui luật trước đài quan sát của ta. Thường ngày chúng sử dụng một tổ nhỏ từ 3 đến 4 tên đi lại trên trục đường 13, tôi cho anh em bắn M79 chúng chạy nhưng rồi hôm sau lại xuất hiện. Thấy thế tôi quyết định tiến hành phục kích để tiêu diệt tổ này, cân đối lục lượng hiện có như vậy là vừa sức. Cũng như lần trước làm công tác chuẩn bị và triển khai trận địa phục kích, có điểm khác lúc này chỉ có lực lượng trinh sát và tôi trực tiếp chỉ huy. Chọn trận địa phục kích là chỗ địch hay xuất hiện. Phân công đ/c Việt trực tiếp cầm điều khiển mìn ĐH10, hướng chính ra ngã 4 chỗ địch hay xuất hiện. Cạnh đó là tôi trực tiếp chỉ huy. Tổ chặn đầu do đ/c Liệu phụ trách và một tổ chặn đuôi như thường lệ. Trời gần sáng chúng tôi đã triển khai công trận địa và chờ đợi địch. Thời gian chờ đợi là thời gian quá căng thẳng nín thở từng giây từng phút. Càng chờ đợi càng xuốt ruột. Hôm nay linh tính báo có cái gì đó khác các ngày trước làm cho tôi càng lo lắng. 7 giờ rồi đến 8 giờ địch vẫn chưa xuất hiện. Rồi đúng như suy nghĩ của tôi, một tổ địch xuất hiện rất gần chỗ của tôi nhưng không phải trên mặt đường mà sau một ụ mối to. Hai bên cũng phát hiện thấy nhau, tôi lệnh đ/c Việt bấm mìn, lại một tiếng nổ đanh lớn. Sau tiếng nổ của mìn ta là đồng loạt các trận địa hỏa lực của địch bất ngờ nổ súng. Tôi thấy ĐKZ, Cối 82 ly, súng 12ly 7 cùng các loại súng đạn khác bắn tới tấp vào chỗ đặt đài quan sát của chúng tôi. (Phải nói thêm lúc này ở đài quan sát tôi chỉ bố trí một đồng chí) còn lại dồn cho lực lượng phục kích. Quan sát thấy các trận địa hỏa lực của địch đối diện trận địa phục kích. Tôi hô anh em bắn vào chỗ có trân địa hỏa lực. Quan sát phía sau đài quan sát là cả một màn khói dày đặc đủ các loại đạn địch. Cùng lúc quan sát phía bắc thấy cả một đàn lính áo đen vừa thổi còi vừa hô rất to tràn qua đường13, đang hình thành một một mũi tấn công vào trận địa ta từ phía Bắc. Tương tự phía Nam địch cũng tràn qua đường hình thành mũi tấn công từ phía Nam. Có thể nói quân địch rất đông cỡ tiểu đoàn có hỏa lực hỗ trợ tấn công vào một phân đội TS chỉ có mấy người. Nguy cơ phân đội TS bị bao vây nếu chậm trễ. Trước tình thế đó tôi hô to RÚT. Thực ra khi tôi hô cũng chẳng ai nghe vì tiếng đạn các loại nổ chát chúa. Cũng may phân đội đã nhanh chóng rút khỏi trận địa vào bìa rừng khi đich chưa kịp khép kín vòng vây. Vào đến bìa rừng cách trận địa khoảng 100m tôi dừng lại trèo lên một ụ mối quan sát thấy địch đen cả vùng nơi đài quan sát , chúng lùng sục và đốt cháy mấy nhà dân còn lại. Tôi vẫn chưa nắm được phân đội. Cứ nghĩ rằng chắc sẽ nhiều người hy sinh hoặc bị bắt sống . Một tâm lý hoảng hốt bất chợt xuất hiện nhưng rồi tôi kịp trấn tĩnh, tiếp tục chờ đợi xem có đồng chí nào sống sót hay quay về hay không . Khoảng 15 phút sau thì phát hiện một đồng chí đang ở bìa rừng.Tôi hỏi có thấy ai chạy thoát không, đ/c đó trả lời, anh em chạy hết rồi không còn ai ngoài trận địa đâu. Tôi vẫn nán lại bìa rừng. Sau khoảng hơn 1 giờ thì địch rút hết. Tôi bí mật quay lại trận địa để kiểm tra xem thế nào, không thấy ai cả chỉ thấy một ít bông băng dính máu như vậy chắc chắn sẽ có ai đó bị thương. Quay lại bìa rừng tiếp tục chờ đợi. Thời gian thật căng thẳng. Rồi thỉnh thoảng lại bắt gặp lại một đồng chí, gặp được đồng chí nào mừng đồng chí đó. Đến khi đã thu gom được 5 đ/c tôi cho anh em rút về vị trí trú quân. Đến chiều thì hầu hết anh đã tìm về hậu cứ, đồng chí Liệu bị thương còn lại an toàn. Hiện lại còn 2 đồng chi chưa về là Thuận và Ngôn đều quê Bắc Ninh. Theo anh em từng tổ cho biết cả 2 đ/c đã chạy vào bìa rừng, như vậy không ai hy sinh tại trận địa và không ai bị bắt sống, tạo cho tôi cảm giác yên tâm hơn. Tất cả các diễn biến đó tôi đều kịp thời báo cáo về sở chỉ huy tiểu đoàn, lúc này đang đóng gần Thị trấn Tân Biên. Rồi đêm đến, một đêm thực sự trăn trở lo lắng với bao suy nghĩ còn 2 đ/c ở đâu. Chờ cho đến sáng để tổ chức đi tìm. Ngày thứ 2 sau trận phục vụ tâm lý anh em ổn định dần và sẵn sàng nhận n/v tiếp theo. Tôi phân công các tổ rải trên các hướng để đi tìm, tập trung huóng 2 đ/c này rút chạy. Đến gần trưa thì nhận được thông tin từ sở chỉ huy, đ/c Ngôn đã chạy về hậu cứ của tiểu đoàn và tự thương vào bàn tay. Phải nói thêm đ/c Ngôn một tý là một con người hiền lành trắng trẻo đẹp trai và được chọn làm liên lạc đại đội, chưa trải qua một đợt hoạt động nào. Ngôn đề nghị cho em được cùng các anh đi hoạt động và đây là trận đầu tiên Ngôn tham gia. Không may cho Ngôn là trận đầu ra quân đã gặp gai góc. Cũng từ sở chỉ huy cho biết . TS KT của ta nắm được: Cấp trên của tiểu đoàn địch được giao nhiệm vụ tấn công vào đài quan sát của ta đã khiển trách tiểu đoàn đó là nắm tình hình địch(tức là ta) không chắc. Tổ chức tấn công vào một trận địa phòng ngự kiên cố hóa ra là vào một chỗ đất không nhà trống, không hề có một công sự nào và không tiêu diệt được một lính VN nào. Như vậy bây giờ chỉ tập trung tìm đồng chí Thuận. Sau 2 ngày tìm kiếm thì chúng tôi cũng đã phát hiện ra Thuận, trong trường hợp là trên đường quay lại Thuận đã vấp mìn và hy sinh cách chỗ trú quân khoảng 1km. Như vậy lại thêm một đồng chí nữa hy sinh. Đau thương mất mát lại đến. Làm công tác tử sĩ đưa thi hài đ/c Thuận về Tân Biên xong anh em lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ coi như kết thúc của giai đoạn chiến đấu thứ 2.
Sau trận phục kích này một thời gian ngắn thì phân đội được lệnh rút về Tân Biên sau đó chuyển sang hướng Cà Tum, Mi mút . Mặc dù có một số tổn thất nhưng phân đội trinh sát của chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao là : đã lừa được địch, giam chân một lực lượng của chúng ở đây , tạo điều kiện cho các đơn vị của ta vào triển khai nhiệm vụ
Trên đây là một đợt hoạt động tương đối dài , bản thân nhớ và ghi chép lại. Rất tiếc cuốn nhật ký đã bị phai mờ không đọc được nữa, cho nên tên của nhiều người tham gia cùng tôi trong đợt hoạt động này không nhớ hết được, các đồng đội ai đó cùng tôi trong đợt này hãy lên tiếng bổ sung để bài viết trọn vẹn hơn.
Cuối cùng xin cảm ơn ai đó đã đọc và đồng cảm cùng tôi
Thành phố Vinh ngày 14.1.2021
    

CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

 CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

Nguyễn Chí Hội - E28
Những ngày cuối năm 1972 trên chiến trường TÂY NGUYÊN chiến sự nổ ra vô cùng ác liệt . Ngay sau khi E66 đánh chiếm và chốt giữ điểm cao 601 căn cứ chiến xa( Lam Sơn) của Mỹ Ngụy , E28 đánh quân đổ bộ xuống bản Đắc Tin buộc địch phải rút về Thị xã Kon Tum thì hiệp định Pa ri được ký kết và có hiệu lực vào 0h ngày 28/1/1973 ! Vào trung tuần tháng 2 , C9 /D3 /E28 được giao nhiệm vụ chốt giữ khu vực giáp gianh gồm : điểm cao 751, 601, bản Đắc Tem , tiền tiêu phía bắc Kon tum và vùng giải phóng . Đại đội đóng quân trên điểm cao 600 , qua bãi lầy về hướng tây là bản Đắc Tem nằm phía đông đường 14 , phía Tây đường 14 là điểm cao 601 , phía nam của 600 là 751( C11 chốt giữ mỏm A , quân Ngụy mỏm B ) . C9 lập 4 chốt :
* Chốt nhà Hoà hợp nằm phía đông Quốc lộ 14 giữa 601 và 751 ( chân 751) , của Ngụy nằm đầu Bãi Ủi , phía Tây QL14 . Nhà Hoà hợp của ta làm bằng tranh tre nứa lá , cột cờ trước sân được công binh vào rừng chọn gỗ 3 lần mới cao hơn cờ của Việt nam cộng hoà , phòng thủ tuyến 1 và tuyến 2 nối liền với nhau bằng giao thông hào dài 50m hầm được cấu trúc chữ A vững chắc ! Nhà Hoà hợp của quân Ngụy bằng sắt , làm sẵn mang đến đặt là xong , cột cờ bằng sắt
CHUYỆN VỀ NHÀ HÒA HỢP :
Chốt giữ giai đoạn đầu vui lắm giữa ta và địch sang chơi với nhau tại nhà Hoà hợp thường xuyên , chỉ khổ là bị tra tấn bởi cái loa tâm lý chiến suốt ngày đêm nó phát " nhạc vàng " mà ở đầu 601 cũng nghe rõ . Một hôm anh Hồ Sỹ Vỹ - Đại đội trưởng , sau lên D phó hy sinh ở trận đánh Măng Đen , quê Vĩnh Trấp - Vĩnh Linh - Quân báo giắt súng ngắn vào bụng ( tại nhà Hoà hợp không được mang vũ khí ) cùng tôi sang và bảo một thằng về gọi chỉ huy của nó ra . Chúng tôi ngồi uống nước một lát sau một tên ra tự xưng là chỉ huy , sau một hồi tranh luận về âm thanh của cái loa tâm lý chiến trước khi ra về anh Vỹ tuyên bố nếu sau 2 h nữa mà vẫn còn phát với âm thanh như hiện nay thì giữa miệng cái loa sẽ phải ăn ĐKZ , không ngờ khi chúng tôi trở về chưa đầy 1h cái loa đã câm bặt ( vậy mới biết quân tướng lính ngụy nhát gan) từ đó chúng tôi mới được ngủ ngon .
Chuyện Lính mình uống cà phê tự làm không có đường ,
Một hôm tôi đánh bạo sang bên nhà của Ngụy chơi và ngỏ ý xin đường ".. Đường tháng này không hiểu sao giờ chưa cấp.." nó hiểu ý ngay đưa luôn cho anh giải phóng 1 bịch 2kg và còn nói cà phê phải có thuốc lá loại này và đưa ngay cho 1 cây ru bi quen (chân duỗi chân co) ... Sau đó tôi nói chuyện với anh Vỹ C trưởng và rồi tôi cùng anh lại sang và cũng được các chú lính Ngụy biếu được mấy lần nữa ! Hì .
Lại một hôm 3 chú lính Ngụy đang ngồi chơi tại nhà của ta , mấy anh lính anh nuôi nhà mình đi lấy cây "rọc khoai" về nấu canh (gánh cho 1gánh) vào nhà Hoà hợp chơi , thấy vậy một chú lính Ngụy hỏi ... ơ các ông cũng nuôi heo à .. Mấy ông nhà mình đang ú ớ chưa biết trả lời ra sao tôi liền nói : có chứ không nuôi thì lấy đâu thực phẩm mà ăn , hậu phương thì xa đâu như các bạn . nó lại nói tưởng các ông chỉ ăn thịt hộp thôi ,tôi nói ngay : thịt hộp chỉ khi đi đánh trận mới ăn thôi " nói xong cũng thấy ngừơng ngượng nhưng lại hay" hì
Còn vào khoảng tháng 9/73 khi đâu đó trên khu phi quân sự ( giáp danh) đã xẩy ra những vi phạm về ngừng bắn mà cốt lõi là xâm phạm vùng lãnh thổ nhổ cờ của bên kia cắm cờ của mình dẫn tới bắt cóc quân của nhau vì thế giữa ta và Nguỵ đã có buổi gặp mặt để trao đổi bàn luận về sự kiện này tại nhà Hoà hợp của ta ! Vào một buổi sáng khi chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đoàn của địch thì thấy từ hướng Kon tum hai cái xe zép chở theo 2 người và 5 tên lính , những tên lính xuống xe xếp hàng ngang trên vệ đường 14 bồng súng đứng nghiêm trang hướng mặt về nhà Hoà hợp của ta , chúng tôi thì ngồi tại miệng hầm tuyền 1 sát vách nhà Hoà hợp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn ! trên xe đi trước hai người đi vào đến cửa nhà một người tự xưng : tôi là Nguyễn Khoa trưởng tâm lý chiến sư đoàn 23 VNCH rất hân hạnh hôm nay được tiếp kiến các ông giải phóng , tôi xin hỏi hôm nay tôi được tiếp kiến ai và có đủ thẩm quyền để giải quyết mọi tình hình khu vực này không ? Ai đó ( hôm đó có a Quý) nói ngay tôi trung tá .... Và 2 bên vào nhà Hoà hợp ! ta rót nước đun sôi trong bi đông ra bát sắt mời khách , thấy vậy ông tâm lý chiến Khoa chạy ra xe nói gì đó , một chiếc xe quay về lúc sau lên và bê vào trong phòng họp 1 hộp bánh kẹo và bia lon cùng thuốc lá ru bi . Cuộc chiến trên bàn đàm phán bắt đầu , phía họ nói là ta bắt lính của họ trước ... Ta nói bởi vì lính "vnch" đã vào sâu trong khu vực quân giải phóng vi phạm lãnh địa được xác định bằng cờ đã cắm trước khi hiệp định Pa ri có hiệu lực... Cứ thế cuộc đấu khẩu không kém phần gay cấn , khi nghỉ giải lao tay Khoa mở bia và bánh kẹo ra mời , các anh nhà mình không dùng , tay Khoa nói "các ông sợ có chất độc à, vậy tôi dùng trước nhé... " và nói tiếp quê tôi ở Thanh hóa lẽ ra tôi cũng cầm súng đánh Mỹ như các ông chứ nhưng ngày cải cách các ông quy cho bố tôi là địa chủ đem bắn chết nên tôi phải theo ông chú vào Nam vì vậy giữa tôi và các ông mới trở thành hai chiến tuyến đối đầu chứ... Và cứ thế, cứ thế cuộc đấu khẩu kéo dài đến hơn 11h ! Lúc đó phía mình đã chuẩn bị đưa đội văn nghệ xung kích của E ra hát phục vụ 2 bên khi nghe hát và biểu diễn tay Khoa lại hỏi : đây là văn công của các ông đấy ư, Sao không có đàn bà ? Sau khi nghe ta giải thích hắn bảo đời sống , nhất là văn nghệ không có đàn bà là mất vui, thế là hắn đứng lên xin phép ra về , Sau đó ta cũng vãn hồi luôn ! Sau khi mọi người đã về hết chúng tôi những người lính chốt thu chiến lợi phẩm ( kẹo , bia , thuốc lá )...! Sự hoà hợp cứ bình bình đến dịp 22/12 ngày thành lập Quân đội , chúng tôi mỗi người được tiêu chuẩn 0,2kg lạc nhân + 0,3kg đường + 0,5kg gạo nếp chiều 21 làm kẹo lạc , nấu xôi ăn chưa hết , rạng sáng 22/12 chúng tôi còn đang ngủ dưới hầm tuyến 2 thì bị pháo + cối địch bắn dữ dội vào nhà Hoà hợp của ta . Sau khi điện báo cáo cho đại đội chúng tôi được lệnh rút về căn cứ (600) . Trên đường rút quân anh em cứ lẩm bẩm : mẹ quân Ngụy khốn nạn làm các bố mất gô kẹo lạc với lại gần 2 gô cơm nếp . Nhưng được cái không bị thương vong người nào . Ngay chiều hôm đó 22/12 , đồng chí Vũ đinh Thước - E trưởng trực tiếp chỉ huy dưới sự chi viện của hỏa lực ta đã đánh chiếm lại được chốt " NHÀ HÒA HỢP " . Quân Nguỵ sau khi chiếm được chốt , chúng cho bộc phá đánh gẫy đổ cột cờ của ta , chúng xé lá cờ mỗi đứa một mảnh đút trong ba lô , khi bị ta tấn công chúng vứt lại hết chạy tháo thân , từ đó chính thức khu vực 601 + 751 lại tiếp tục rền vang tiếng súng !
Chuyện nhà Hoà hợp có mà phải kể cả ngày mới hết những chuyện vặt của lính !

    

TRẬN ĐÁNH THỊ XÃ KON TUM TẾT MẬU THÂN 1968

 TRẬN ĐÁNH THỊ XÃ KON TUM TẾT MẬU THÂN 1968

Nguyễn Đình Thi
Sau thắng lợi của năm 1967 , để tạo đà cho công cuộc cách mạng miền Nam . Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968 . Để phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam , Mặt trận Tây Nguyên cũng quyết định mở chiến dịch đánh vào cả 3 thành phố ở Tây Nguyên là Gia Lai , Kon Tum và Buôn Ma Thuột . Tại Kon Tum , Bộ Tư lệnh Mặt trận đã quyết định thành lập Ban chỉ huy trận đánh do đồng chí Vương Tuấn Kiệt - Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên làm Tư lệnh , đồng chí Phùng Bá Thường - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24A là Phó Tư lệnh , đồng chí Bùi Anh ( Tiềm ) - Bí thư tỉnh ủy làm chính ủy , đồng chí Nguyễn Tập - Phó bí thư Tỉnh ủy , Chính trị viên Tỉnh đội làm Phó chính ủy , đồng chí Lê Tấn Nhất (Thuận) - Chính trị viên phó Tỉnh đội là Chỉ huy phó . Chỉ huy trưởng và chính ủy chỉ huy chung và trực tiếp đơn vị pháo binh. Đồng chí Phùng Bá Thường chỉ huy Trung đoàn 24A tiến đánh mục tiêu quan trọng nhất của địch ở thị xã là biệt khu 24 . Đồng chí Lê Tấn Nhất chỉ huy Tiểu đoàn 304 tiến đánh sân bay và khu huấn luyện 42 ngụy. Đồng chí Nguyễn Tập chỉ huy cánh quân phía tây gồm Tiểu đoàn 406 đặc công tiến công vào tòa hành chính, ty cảnh sát, tiểu khu Kon Tum . Mọi công tác chuẩn bị của địa phương phía tỉnh Kon Tum được chuẩn bị khá chu đáo , trước ngày diễn ra trận đánh tỉnh đã đưa được khá nhiều vũ khí vào cất giấu tại các cơ sở cách mạng , rồi mua được tới 600 bộ quần áo của lính Nguỵ chuyển ra ngoài cho bộ đội đặc công mặc , giả làm lính Nguỵ , các cơ sở trong thị xã sẵn sàng tiếp ứng cho bộ đội . Phía Trung đoàn 24A cũng được chuẩn bị khá tốt như các Tiểu đoàn đều được bổ xung quân khá đầy đủ , hơn 300 quân một tiểu đoàn . Công tác chính tri tư tưởng được quán triệt tốt , bộ đội khí thế quyết tâm cao .
Chiều 29/1/1968 ( chiều 30 tết ) phía các đơn vị bộ đội của tỉnh Kon Tum tổ chức cho bộ đội ăn tết trước. Sau đó các lực lượng bộ đội, đảng viên, đội công tác, biệt động, tự vệ mật cùng Tiểu đoàn đặc công 406 và Tiểu đoàn bộ binh 304 của tỉnh bí mật hành quân vào các vị trí tập kết chờ giờ nổ súng theo quy định. Riêng Tiểu đoàn đặc công 406 cải trang thành lính ngụy bí mật tiến sâu vào nội thị . Việc tổ chức đưa quân vào ém sẵn ở vị trí tập kết quanh thị xã của tỉnh Kon Tum làm rất tốt đảm bảo được an toàn , bí mật . Đúng lúc giao thừa khi pháo binh của Mặt trận nã đạn vào thị xã , các đơn vị của tỉnh Kon Tum đã nhanh chóng tổ chức tấn công vào các mục tiêu được giao . Từ hướng Tây , Tiểu đoàn đặc công 406 mặc sắc phục lính Nguỵ đánh thẳng vào toà nhà hành chính , Ty cảnh sát và Tiểu khu . Từ hướng Đông , tiểu đoàn 304 đánh chiếm sân bay Kon Tum , lực lượng Thị đội và trinh sát đánh vào khu cư xá sỹ quan . Ở hướng Nam , đại đội đặc công 207 đánh vào trụ sở Châu Thành . Bị ta tấn công bất ngờ , địch phản ứng yếu ớt nên sau 30 phút chiến đấu các lực lượng của tỉnh Kon Tum đã chiếm được hai phần ba thị xã Kon Tum . Riêng Trung đoàn 24A , đơn vị chủ lực đánh vào căn cứ quân sự quan trọng nhất của địch ở thị xã Kon Tum là biệt khu 24 , 12 giờ trưa ngày 29/1 tức ngày 30 tết , từ vị trí cách xa thị xã Kon Tum 17 km cũng tổ chức cho bộ đội hành quân vào chiếm lĩnh trận địa . Theo tính toán của chỉ huy Trung đoàn chậm nhất là 10 giờ đêm 30 tết đơn vị sẽ vào tới vị trí chiếm lĩnh nhưng một tình huống không lường trước đã xảy ra là lúc đi trinh sát địa hình các cánh rừng quanh khu vực thị xã Kon Tum vẫn còn . Khi bộ đội hành quân vào chiếm lĩnh trận địa thì toàn bộ các cánh rừng ven thị xã bà con phát rẫy làm nương , cây đổ chắn ngang , dài hàng km , bộ đội hành quân lại mang vác nặng nên gặp trở ngại lớn , đã ảnh hưởng tới thời gian chiếm lĩnh trận địa . Khi pháo binh bắn của Mặt trận bắn vào thị xã báo hiệu lệnh tổng tấn công Trung đoàn mới có một bộ phận đi đầu tới hàng rào biệt khu 24 , còn phần lớn đội hình vẫn còn cách xa mục tiêu tới gần 1 km . Phát hiện ta tấn công , địch từ trong biệt khu 24 cho chiếu đèn pha rồi máy bay C130 thả đèn dù và bắn pháo sáng lên trời , soi rõ tới từng ngọn cỏ . Toàn bộ đội hình Trung đoàn 24 trơ trọi trên mặt đất . Trên trời địch dùng trực thăng vũ trang xà thấp phóng rốc két và bắn đạn 20 ly xối xả vào đội hình Trung đoàn . Dưới mặt đất pháo binh của địch từ các nơi dội về , pháo cối , đại liên từ biệt khu 24 , khu 40 bắn ra . Cả khu vực phía Tây biệt khu 24 chìm trong lửa đạn . Trước tình hình địch đã phát hiện hướng tấn công của ta , Trung đoàn trưởng Phùng Bá Thường quyết định chuyển từ đánh mật tập sang đánh cường tập . Ở mũi tiến công của tiểu đoàn 4 , mặc dù bị địch bắn chặn , ngăn cản quyết liệt và khá nhiều cán bộ , chiến sỹ bị thương và hy sinh ngay trước cửa mở nhưng bộ đội ta không hề nao núng , dũng mãnh xông lên đã chiếm được khu tháp nước và một số nhà trong biệt khu 24 . Ở hướng của Tiểu đoàn 5 đánh vào khu 40 , bộ đội dùng bộc phá phá được hàng rào nhưng chỉ có đại đội 6 vào được bên trong , đại đội 5 mới vào được một bộ phận thì bị địch bắn ngăn cản quyết liệt không vào được . Ở hướng Bắc , hai đại đội 7 và 8 đánh xuống nhưng bị địch ngăn chặn quyết liệt không vào được , bộ đội phải dừng lại làm công sự để chuyển sang đánh vây lấn . (
Sau khi bị ta tấn công bất ngờ và bị một số thiệt hại , sáng 30/1/1968 ( tức ngày mồng một tết ) , địch đã tổ chức lại lực lượng , gồm lực lượng Trung đoàn 42 ở biệt khu 24 , lực lượng biệt động quân và lực lượng bảo an tổ chức phản kích trên tất cả các hướng , đến ngày 1 tháng 2 địch còn tăng cường thêm một tiểu đoàn lính Mỹ để hỗ trợ lực lượng phản kích . Cùng với lực lượng bộ binh chúng còn huy động cả không quân , pháo binh , xe tăng bắn phá ác liệt vào các địa bàn ta đã chiếm đồng thời với việc tổ chức phản kích chúng còn dùng lực lượng chặn tất cả các con đường vào thị xã để đề phòng ta đưa quân vào tiếp ứng . Ở hướng của tiểu đoàn đặc công 406 ở Toà hành chính tỉnh , do Trung đoàn 24A không tiêu diệt được căn cứ biệt khu 24 và đại đội công binh của tỉnh không phá được cầu ĐăcBla nên địch đã sử dụng lực lượng Trung đoàn 42 ở biệt khu 24 và lực lượng Lôi hổ ở phía Nam cầu ĐăcBla cùng xe tăng , xe thiết giáp bao vây , chặn tất cả các con đường dẫn vào khu vực Toà nhà . Bộ đội ta lợi dụng từng căn nhà làm trận địa đánh trả quân địch , gây cho chúng khá nhiều tổn thất nhưng do địch dùng bom , pháo tấn công liên tục suốt cả ngày mồng một tết , đến cuối ngày mồng một tết lực lượng của Tiểu đoàn bị tổn thất nghiêm trọng tới 2 phần 3 quân số , liên lạc giữa Tiểu đoàn với bên ngoài đến cuối ngày mất hoàn toàn . Đêm mồng một tết , lợi dụng trời tối một số thoát ra được . Ở hướng của Tiểu đoàn bộ binh 304 đánh vào sân bay , sau những giây phút đầu thuận lợi , địch từ các hầm ngầm , công sự đã ngóc dậy tổ chức phản kích , chúng dùng bộ binh kết hợp xe tăng , xe thiết giáp bao vây lực lượng ta , trên trời chúng dùng trực thăng vũ trang bắn phá . Bộ đội ta chia nhỏ hành từng phân đội lợi dụng từng địa vật , kiên cường trụ lại chiến đấu nhưng đến cuối ngày mồng một tết tiểu đoàn cũng bị thiệt hại nặng , đêm mồng một tết Tiểu đoàn được lệnh rút ra . Trên hướng tấn công của Trung đoàn 24A vào biệt khu 24 và khu 40 cũng gặp rất nhiều khó khăn , ta mới chỉ chiếm được một phần của biệt khu 24 và mới có một đại đội vào được khu 40 . Sáng mồng một tết , địch tổ chức dùng xe tăng , xe bọc thép và bộ binh bao vây xung quanh biệt khu 24 , từ phía ngoài địch dùng hỏa lực xe tăng , pháo binh kết hợp trực thăng vũ trang bắn vào tất cả các địa điểm của biệt khu 24 với tính chất hủy diệt , tiểu đoàn bị thương và hy sinh tới gần 1 phần 2 quân số . Tuy vậy bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu đánh lui nhiều đợt phản kích của địch . Đêm 30/1 tức đêm mồng một tết , tiểu đoàn 4 được lệnh rút ra để đánh các vị trí vòng ngoài thị xã như Chư Gô Tông , Kờ Leng , Công Xăm Lũ ... Riêng hướng của Tiểu đoàn 5 ở khu 40 diễn ra những trận đánh rất khốc liệt giữa các chiến sỹ đại đội 6 và địch . Đại đội 6 của Tiểu đoàn 5 bị địch bao vây vo tròn . Suốt cả ngày 30/1 ( mồng một tết ) địch liên tục dùng bom , pháo tấn công . Tiểu đoàn 5 tung lực lượng còn lại vào ứng cứu nhưng bị hỏa lực địch ngăn cản quyết liệt không ứng cứu được . Sáng 31/1 ( mồng hai tết ) , địch sử dụng xe tăng , xe bọc thép , pháo cối bắn liên tục vào trận địa của đại đội rồi tổ chức bộ binh tấn công . Do hỏa lực của địch quá mạnh và chiến đấu liên tục nên anh em bị thương và hy sinh khá nhiều . Số còn lại gồm cả thương binh dồn vào một khu vực tử thủ chiến đấu , bắn cháy 3 được xe bọc thép địch . Đến trưa mồng hai tết ( 31/1 ) cả đại đội 6 cùng một số chiến sỹ của đơn vị đặc công chiến đấu ở đây đều đã hy sinh . Duy nhất còn 3 thương binh là Rỹ , Ngôn và Trúc giả vờ chết , nằm dưới xác những đồng đội hy sinh đến đêm bò ra về được đơn vị .
Ngày 6/2 rút toàn bộ lực lượng còn lại của ta trong thị xã được lệnh rút ra . Trận đánh thị xã Kon Tum kết thúc . Qua trận đánh này ta thấy nổi lên một số vấn đề như :
1/ Về chính trị :
⁃ Cuộc tấn công thị xã Kon Tum tết Mậu Thân 1968 cùng với các trận đánh trên toàn Miền Nam trong thời điểm đó đã gây tâm lý hoang mang rất lớn cho địch và khảng định ta có thể đánh địch ở bất cứ đâu , bất kỳ mục tiêu nào . Thắng lợi của cuộc tấn công đã tạo áp lực phản đối chiến tranh lan rộng trên toàn nước Mỹ , hỗ trợ đắc lực cho đàm phán của ta tại Hội nghị Pa Ri .
2/ Về quân sự :
⁃ Ta đã tiêu hao , tiêu diệt được một lực lượng khá lớn sinh lực địch cũng như các phương tiện chiến tranh của chúng nhưng mục tiêu tấn công của ta là giải phóng thị xã Kon Tum không thực hiện được . Tổn thất về lực lượng của ta trong trận đánh này là nghiêm trọng , tiểu đoàn đặc công 406 gần như bị xoá sổ , tiểu đoàn 304 cũng thương vong lớn , đại đội công binh của tỉnh cũng hy sinh tới quá nửa quân số . Trung đoàn 24 có 2 tiểu đoàn bị thiệt hại nặng là tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 5 . Tiểu đoàn 4 sau trận đánh chỉ còn hơn 100 tay súng . Các cơ sở cách mạng của ta sau bao năm xây dựng trong thị xã , sau trận đánh địch bắt đầu truy lùng , bắt bớ . Hơn 500 người của ta bị địch bắt , bị tra tấn dã man , trong đó có hơn 50 cán bộ , đảng viên . Đến tận bây giờ sau 51 năm nhưng khi nhắc tới trận chiến tết Mậu Thân 1968 những người còn sống sót vẫn không khỏi rùng mình .
Về nguyên nhân thất bại ta có thể nhận thấy một số nguyên nhân sau :
1/ Tổ chức hợp đồng giữa các lực lượng của trận đánh gồm Trung đoàn 24A với lực lượng địa phương không thực hiện được trên sa bàn nên khi tác chiến có một số chệch choạc
2/ Về thời gian tác chiến do lấy giao thừa làm hiệu lệnh tấn công mà năm đó giao thừa giữa miền Bắc và miền Nam chênh lệch tới 1 ngày nên không thể lùi lại ngày đánh dẫn đến tâm lý lo ngại trong một số bộ phận
3/ Do đánh theo ý chí chính trị nên về phía ta dù chưa chuẩn bị đầy đủ các yếu tố vẫn phải đánh . Đánh vào mục tiêu địch phòng thủ vững chắc như thị xã Kon Tum mà lực lượng của ta kém hẳn lực lượng địch về quân số , ở Kon Tum lúc đó địch có Trung đoàn 42 , lực lượng biệt động quân rồi lực lượng bảo an , dân vệ và một tiểu đoàn Mỹ . Về phía ta chỉ có một Trung đoàn chủ lực là Trung đoàn 24A cùng 2 tiểu đoàn của địa phương tỉnh Kon Tum , địch lại ưu thế vượt trội ta về các loại hỏa lực từ pháo binh , xe tăng tới máy bay do vậy phần thua về ta là rất lớn .
Dù đến nay đã hơn 50 năm trôi qua nhưng những bài học lịch sử về trận đánh thị xã Kon Tum tết Mậu Thân 1968 vẫn luôn là bài học để chúng ta và các thế hệ sau nghiên cứu , suy ngẫm .