Ký ức về chuyến thăm Ia Đrăng của hai vị tướng


 Ký ức về chuyến thăm Ia Đrăng của hai vị tướng

QĐND - Chủ nhật, 15/11/2015 | 17:35 GMT+7
QĐND Online - Ngày 19-11-2015, UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) sẽ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Pleime, trận đánh từng làm nức lòng quân dân cả nước và làm  chấn động nước Mỹ nửa thế kỷ trước. Một tấm bia về chiến thắng này đã được dựng lên tại đồn Pleime cũ, dưới chân dãy Chư Prông sừng sững.


Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Trung tướng H. Moore trở lại  thăm Ia Đrăng tháng 10-1993. Ảnh tư liệu


Ở Nhà truyền thống huyện Chư Prông có sa bàn trận đánh Ia Đrăng, nằm trong chuỗi Chiến dịch Pleime. Cô thuyết minh giới thiệu mà nghe cứ như huyền thoại. Nhằm phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ để củng cố, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng niềm tin đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, đầu tháng 10-1965, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định mở Chiến dịch Pleime. Trận chiến diễn ra từ ngày 19-10 đến 26-11-1965 bắt đầu là vây đồn Pleime, diệt quân ngụy đi ứng viện, buộc quân Mỹ phải nhảy vào tham chiến.
Bằng 4 trận đánh của các đơn vị thuộc Sư đoàn 304, ta đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 2 và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 do Trung tá Harold Moore chỉ huy (sau là trung tướng 3 sao quân đội Mỹ). Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, niềm tự hào của quân đội Mỹ lần đầu tung sang Việt Nam, dưới sự yểm trợ đắc lực của máy bay B52 đã phải thua những chiến sĩ đâm lê. Sau trận đánh, Trung đoàn 66 đã được tặng thưởng một lúc 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, vì theo lời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì "do không có huân chương nào cao hơn, vì vậy tặng một lúc 2 huân chương để thưởng công cho thành tích tuyệt vời của Trung đoàn 66". Mưu hay của ta là lừa địch, kế giỏi là dụ quân Mỹ vào đúng điểm quyết chiến ta đã chọn; phát huy sở trường đánh gần để làm hạn chế điểm mạnh về hỏa lực, vũ khí hiện đại của Mỹ. Trận Ia Đrăng đã vượt qua khuôn khổ chiến thuật, trở thành trận đánh có tầm cỡ chiến dịch, báo hiệu sự thất bại không thể tránh được của quân đội viễn chinh Mỹ. Trận quyết chiến năm nào có lẽ quá sâu đậm, nỗi ám ảnh không thể nào quên của Trung tướng Harold Moore, nên vị tiểu đoàn trưởng năm xưa đã vượt nửa vòng trái đất đến Việt Nam, tìm gặp Tướng An, người từng là kẻ thù, kết bạn, rồi cả hai đến thung lũng Ia Đrăng để tìm hiểu vì sao quân đội Việt Nam chiến thắng.
Đại tá Bùi Quang Thanh, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Chư Prông là người có mặt thời để đón chiếc máy bay trực trăng từ Hà Nội vào của Trung tướng Harold Moore và Thượng tướng Nguyễn Hữu An, người trên cương vị Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên (B3), trực tiếp chỉ huy trận Ia Đrăng năm xưa. Theo lời Đại tá Bùi Quang Thanh thì để chuẩn bị cho chuyến thăm này, các cơ quan của huyện đã rất vất vả, đặc biệt là lực lượng quân sự và công an. Tháng 10-1993 là thời điểm đang mùa mưa. Quãng đường từ trung tâm huyện đến bãi đáp máy bay trong thung lũng Ia Đrăng đất đỏ nhão nhoét, xe không thể vào được. Phương tiện duy nhất có thể đi là máy cày. Tất cả lực lượng tiền trạm và 5 cựu chiến binh Mỹ từ Gia Lai xuống đều đi trên rơ-mooc của chiếc máy cày. Đêm, mọi người mắc tăng võng ngủ ngoài rừng để sáng sau đốt lửa đón máy bay. Đoàn CCB Mỹ mang theo đồ sinh hoạt của họ và cũng nằm ở “khách sạn ngàn sao”.
Xác định tọa độ bãi đáp X-ray trong trận chiến năm nào phải nhờ đến các nhân chứng. Đây là khu đất khá bằng phẳng giữa rừng dầu bạt ngàn, khô khốc cách đồn Pleime hơn 20km. Ngày 14-11-1965, sau khi đồn Pleime bị ta bao vây, để ứng cứu, Tiểu đoàn 1 Kỵ binh bay của Mỹ do tiểu đoàn trưởng Moore chỉ huy đổ bộ xuống bãi đáp X-ray cách vị trí tập kết của Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 66 của ta khoảng 200 m. Tuy bị bất ngờ nhưng Tiểu đoàn 9 đã chiến đấu kiên cường, phản kích liên tiếp. Hai mũi xung phong của Mỹ đều bị bẽ gãy rồi cụm lại vòng quanh bãi đáp này. Ban đêm chúng dùng máy bay thả đèn dù, dùng pháo binh bắn chặn xung quanh đề phòng ta tấn công. Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 bất ngờ tập kích, đánh giáp lá cà với quân Mỹ. Địch đã dùng máy bay trợ chiến bằng bom và tên lửa, thả bom na-pan xuống trận địa lúc này đang lẫn lộn cả quân của hai phía…


Vườn tiêu bạt ngàn dưới chân đồi Pleime.

Đại tá Bùi Quang Thanh kể: “Sáng hôm sau, mọi người đốt lửa để làm hiệu cho máy bay chở Thượng tướng Nguyễn Hữu An và Trung tướng H. Moore từ Hà Nội xuống. Bao nhiêu năm rồi mà ông H.Moore vẫn nhớ rất chính xác vị trí ụ mối đã từng đứng đó chỉ huy. Ông ta chỉ cho tướng An nơi ông ta và tiểu đoàn 1 Không kỵ bị 2 quả bom na-pan của Mỹ ném trúng và cảnh lính Mỹ giống như những bó đuốc sống vừa chạy vừa la thất thanh. Ông ta hỏi Thượng tướng Nguyễn Hữu An: “Lúc tôi ở đây, thì ông ở đâu?”. Tướng An cười: “Chỉ đối diện với ông chừng vài trăm mét”, làm H.Moore rất ngạc nhiên. Ông ta còn hỏi nhiều về chiến thuật ở Ia Đrăng và những điều ông ta trăn trở bấy lâu. Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã trả lời thẳng thắn nhưng cũng rất mềm mỏng trên tinh thần ngoại giao hữu nghị, gạt bỏ quá khứ, hướng tới tương lai. Trước khi lên máy bay rời Ia Đrăng, tướng H.Moore còn bốc một nắm đất Ia Đrăng để làm kỷ niệm”.
Điều thú vị là sau chuyến đi Ia Đrăng, tướng H. Moore đã có nhiều cuốn sách viết về chiến trường Việt Nam, đặc biệt có tiếng nói mạnh mẽ đối với các cựu binh Mỹ trong việc kêu gọi họ nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước. Tháng 2-1994, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Năm 1996, tướng H. Moore trở lại Việt Nam, khi đó Thượng tướng Nguyễn Hữu An đã mất (1995), tướng Moore đã đến thăm gia đình, thắp hương trước bàn thờ vị tướng tài ba, nguyên Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp.
Thung lũng Ia Đrăng hôm nay xanh màu cao su bạt ngàn. Nơi chiến trường ác liệt, vài năm nữa sẽ chảy những dòng nhựa trắng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số chắc chắn được cải thiện. Tương lai, huyện mới mang tên Pleime sẽ được thành lập. Chư Prông, ngọn núi cao nhất và dài nhất ở Gia Lai (tiếng Gia Rai, Chư Prông là ngọn núi lớn), sẽ mãi sừng sững cùng đất nước như trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường đặc tả chính mảnh đất này: “Anh muốn sống bên em trọn đời. Như núi Chư Prông đứng bên mặt trời. Để ngày ngày mặt trời say mê gọi núi…”.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN