TIẾN VÀO HANG Ổ CUỐI CÙNG CỦA ĐỊCH Ở TÀ SANH

TIẾN VÀO HANG Ổ CUỐI CÙNG CỦA ĐỊCH Ở TÀ SANH    

Trần Thụ - Nguyên cán bộ Sự đoàn 31

   Sau khi Phnôm Pênh và một số tỉnh thất thủ , Pôn Pốt và cơ quan Trung Ương của chúng chạy về dãy núi phía Tây Căm Phu chia , giáp biên giới Thái Lan lập Sở chỉ huy mới . Đây là cơ quan đầu não của địch . Phải quyết tâm tiêu diệt bằng được bọn chúng . Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho Quân đoàn 3 nhanh chóng tổ chức lực lượng đánh thẳng vào cơ quan đầu não này . Sư đoàn 31 lúc này đang đóng quân ở Xiêm Riệp đã được lệnh cơ động về khu vực Căng Hót , tây nam tỉnh Bát Tam Băng trước ngày 18 tháng 3 năm 1979 để thực hiện nhiệm vụ này . Ngày 20 tháng 3 năm 1979 đồng chí Nguyễn Quốc Thước - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn giao nhiệm vụ cho Sư đoàn là : tấn công tiêu diệt căn cứ Trung ương của Pôn Pốt ở Tà Sanh . Đây là mục tiêu cực kỳ quan trọng có tính chất quyết định cho công cuộc cách mạng của nhân dân Cam Phu Chia . Tà Sanh - là một bản của đồng bào nằm giáp biên giới Thái Lan cách Bát Tam Băng tới 60 km, để đến được đây phải vượt qua dãy núi Đăng Rếch hiểm trở . Đặc biệt là khu vực này rất hiếm nước .
Tại Vưòn Cam nơi tập kết tiền phương Sư đoàn bộ 31 và Trung đoàn bộ 866 , hội nghị Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn do đồng chí Trần Thụ - Bí thư Đảng ủy chủ trì, đồng chí Bùi Thanh Điếm - Trung đoàn trưỏng phổ biến quyết tâm, cách đánh trong hành tiến kết hợp thọc sâu, luồn sâu được các cán bộ bộ binh, binh chủng đồng tình nhất trí.
Ngày 23 tháng 3 , Trung đoàn được tăng cường đại đội xe tăng 4 chiếc, đại đội thiết giáp 4 xe, 2 pháo 85mm, 2 pháo 105mm, đại đội công binh; trong khi triến khai nhiệm vụ thì có ngưòi dân Cam-pu-chia tại Vườn Cam, chị Sô Pi 35 tuổi cho biết đường vào Tà Sanh dài 30-40km, không có suối nước, muốn đến phải mang nước theo. Theo yêu cầu của Trung đoàn 866, Sư đoàn tổ chức một đội xe gồm 5 chiếc , chở 100 thùng phuy nước cơ động theo bộ đội, mỗi cá nhân mang theo 2 lít nước. Trong 3 ngày vừa cơ động, vừa đánh địch mở đường ở Bãi Bằng , Ta Tếch, Thơ Minh, đánh 7 trận cấp tiểu đoàn.
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 27 tháng 3 Trung đoàn 866 tiến công căn cứ Tà Sanh, pháo bắn chuẩn bị 100 viên vào mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng Mai Nga chỉ huy Tiểu đoàn 3 cùng 4 xe thiết giáp tấn công hướng chủ yếu, phát hiện bãi mìn và xe tăng địch đánh chặn phải dừng lại. Trung đoàn xốc lại đội hình, tổ chức Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 dùng 3 xe thiết giáp đánh vu hồi vào cụm xe tăng địch, cùng lúc Tiểu đoàn 3 và 4 xe tăng ta tấn công chính diện, một đại đội của Tiểu đoàn 1 bất ngờ đánh từ hướng bắc xuống, 4 xe tăng địch tháo chạy về Săm Lốt bị ta chặn đánh, 11 giờ Tiểu đoàn 3 nhanh chóng đột phá vào khu trung tâm cứ điểm, Tiểu đoàn 1 cũng chiếm được các mục tiêu ở tây bắc, địch hốt hoảng bỏ chạy, hầu hết bị ta đón lõng, bắt làm tù binh, chiến sĩ nuôi quân Tiểu đoàn 1 bắn cháy 1 xe tăng, trận chiến đấu diễn ra 3 giờ rưỡi.
Lúc 14 giờ 30 phút ngày 27 tháng 3, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Tà Sanh, trên 700 tên địch thuộc Trung đoàn cận vệ Phnôm Pênh bảo vệ cơ quan trung ương của Pôn Pốt bị loại khỏi vòng chiến đấu; ta thu 14 kho vũ khí cùng hàng trăm phương tiện chiến tranh.
Sáng ngày 28 tháng 3 năm 1979, Tiểu đoàn 2 tiếp tục đánh chiếm phum Tức Xóc, nơi đặt Đài phát thanh và cơ quan trung ương tàn quân Pôn Pốt. Tiểu đoàn 1 cơ động vào Tuân Tác phát hiện và đánh chiếm cơ quan trung ương và bộ ngoại giao Khơ-me đỏ, thu nhiều tài liệu, 2 con dấu bộ ngoại giao và vùng 4, hộ chiếu Iêng Xari, tên Pôn Pốt , Iêng Xari bỏ trốn vào rừng, chạy sang biên giới Thái Lan. Trung đoàn 866 thu nhiều tài liệu, hàng hoá, kim loại quý nộp lên trên bàn giao cho bạn.
Ngày 21 tháng 4 Trung đoàn 866 được Bộ Quốc phòng tặng cờ luân lưu thi đua quyết thắng toàn quân, Huân chương Quân công hạng Ba và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1979.