CHUYỆN VỀ NHỮNG CẶP ĐÔI CƯỚI NHAU Ở CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN


CHUYỆN VỀ NHỮNG CẶP ĐÔI CƯỚI NHAU Ở CHIẾN TRƯỜNG TÂY NGUYÊN
( Nguyễn Đình Thi )

Chiến trường Tây Nguyên là một chiến trường đặc biệt khó khăn,gian khổ và ác liệt. Thế nhưng có ai biết rằng ở một chiến trường đầy khó khăn, gian khổ và ác liệt như thế mà tình yêu vẫn nẩy nở, vượt lên cả bom đạn, đơm hoa, kết trái. Quả thực đó là những mối tình thật tuyệt vời, người ngoài cuộc khó có thể tin.
Trang Lính Tây Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về những cặp đôi yêu nhau và kết hôn tại chiến trường Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

1. Đám cưới đầu tiên ở chiến trường Tây Nguyên của những người lính là đám cưới của nhạc sỹ Đoàn Văn công xung kích Tây Nguyên - Thanh Phát với diễn viên múa Y Mau . Nhạc sỹ Thanh Phát quê ở Bình Thuận , trước ở Sư đoàn 324 , khi thành lập Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên tháng 3/1967 , anh được điều về Đội . Anh là một nhạc sỹ tài hoa , anh vừa sáng tác vừa là ca sỹ . Anh diễn hề , hài rất giỏi , anh còn có biệt tài là bắt chước tiếng chim , thú rất giống . Còn Y Mau vợ anh là cô gái dân tộc Sê Đăng . Trước khi về Đội Văn Công xung kích Tây Nguyên , Y Mau công tác ở Văn công tỉnh Kon Tum . Y Mau là một cô gái xinh xắn và là cô gái trẻ nhất của Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên lúc đó . Cô là diễn viên múa , đặc biệt rất giỏi biểu diễn đàn Kloongput . Chỉ với các ống nứa dài , ngắn khác nhau được xếp lên bàn rồi dùng 2 bàn tay vỗ vỗ Y Mau tạo nên một bản nhạc không lời tuyệt vời . Các tiết mục do Y Mau biểu diễn luôn được bộ đội ngợi khen , yêu thích . Sau giải phóng anh Thanh Phát và chị Y Mau về công tác tại đoàn văn công Quân khu 5 cho tới lúc nghỉ hưu . Anh chị sống bên nhau rất hạnh phúc , anh chị có 2 con trai , trong đó có một cháu sinh năm 1973 tại chiến trường Tây Nguyên . Con lớn của anh chị cũng theo nghiệp bố mẹ , hiện công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 5 . Con thứ 2 hiện là Thiếu tá trong Quân đội . Nhạc sỹ Thanh Phát mất năm 2016.

2. Cặp cưới thứ 2 của Đội Văn công Tây Nguyên tại chiến trường Tây Nguyên đó là cặp Thanh Lịch - Xuân Cước . Chị Thanh Lịch quê ở Quảng Bình , là y tá của Viện Quân y 103 , chị vào chiến trường Tây Nguyên từ năm 1965 cùng với các y , bác sỹ của Viện 103 . Khi thành lập Đội Văn nghệ xung kích Tây Nguyên , Thanh Lịch từ Viện 211 được chuyển về Văn công Tây Nguyên . Thanh Lịch có giọng hát trời phú , cao và khỏe , được coi là Tường Vi của Tây Nguyên . Thời ở chiến trường Tây Nguyên cái tên Thanh Lịch đã để lại những dấu ấn rất đặc biệt mỗi lần chị xuất hiện biểu diễn . Sau giải phóng chị về công tác ở Nhà hát Quân đội . Anh Xuân Cước - chồng chị quê ở Sóc Sơn - Hà Nội . Trước lúc về Văn công Tây Nguyên anh là lính tiểu đoàn đặc công K37 . Anh có giọng ca rất mượt mà , những làn điệu hát chèo của anh luôn mê hồn các chiến sỹ . Anh Xuân Cước và chị Thanh Lịch cũng tổ chức cưới năm 1973 tại chiến trường Tây Nguyên . Anh chị có 2 con , một gái , một trai trong đó có một con sinh tại chiến trường . Con gái của chị cũng theo nghiệp của bố mẹ . Cháu hiện công tác ở nhà hát ca múa nhạc Việt Nam , con trai anh chị làm nghề xây dựng . Sau giải phóng anh Cước được cử đi học ở Học viện chính trị , rồi về làm công tác tuyên huấn ở Tổng cục Hậu cần với chức danh Trưởng ban . Anh chị sống với nhau rất hạnh phúc và hiện ở khu văn công Mai Dịch - Hà Nội .

3. Cặp cưới thứ 3 của Đội Văn công Tây Nguyên đó là cặp chị Mai Hoà và anh Vũ Quý . Chị Mai Hoà quê ở Hà Nội . Học xong lớp Y sỹ chị xung phong đi chiến trường . Chị vào Tây Nguyên từ năm 1965 và làm y sỹ của Viện 211 , sau chuyển về làm Y sỹ của đoàn văn công Tây Nguyên . Sau giải phóng chị về quê chồng ở Yên Bái và làm chuyên môn Y sỹ ở một cơ quan cuả tỉnh . Còn chồng chị - anh Sỹ Quý trước công tác ở Trung đoàn 40 - Pháo binh . Do có năng khiếu về âm nhạc anh được điều về Văn công Tây Nguyên từ năm 1967 và là nhạc sỹ của Đoàn . Rất nhiều bài hát do anh sáng tác được lính Tây Nguyên rất yêu thích . Anh chị cưới nhau năm 1973 tại chiến trường Tây Nguyên . Anh chị có 3 con , con trai lớn cũng theo nghiệp bố mẹ , hiện giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghệ thuật tỉnh Yên Bái . Sau giải phóng anh Quý chuyển về quê Yên Bái công tác , làm Hiệu trưởng Trường Văn hoá nghệ thuật Yên Bái , rồi làm Phó giám đốc Sở Văn hoá Yên Bái . Gia đình anh chị Hoà - Quý cũng rất hạnh phúc .

4. Cặp cưới thứ 4 của Đoàn Văn công xung kích Tây Nguyên đó là cặp chị Tuyết Minh và anh Xuân Thọ . Chị Minh và anh Thọ đều quê ở Hà Tây cũ . Chị Minh trước đây là y sỹ của Viện 211 . Chị vào chiến trường từ năm 1965 . Do có gương mặt xinh xắn và giọng hát hay , năm 1967 chị được điều về Văn công Tây Nguyên . Ở Văn công Tây Nguyên chị vừa làm diễn viên hát , múa , vừa làm MC của Đoàn . Sau giải phóng chị về công tác ở Quân y Viện 105 . Anh Thọ chồng chị trước ở Đoàn Chèo Quảng Ninh , anh vào chiến trường Tây Nguyên năm 1968 . Sau giải phóng anh về công tác ở tỉnh đội Hà Tây . Anh chị có tất cả 4 con , các con anh chị đều đã trưởng thành . Vợ chồng anh chị sống rất hạnh phúc

5/ Đám cưới đầu tiên ở chiến trường Tây Nguyên được tổ chức chính thức đồng ý là đám cưới của một cán bộ cấp cao - Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên - Nguyễn Đức Giá với Y sỹ Nguyễn Thị Liệu . Anh Nguyễn Đức Giá quê ở Thái Bình , lúc đó làm Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên . Sau anh Giá làm Sư trưởng Sư đoàn 10 . Còn chị Nguyễn Thị Liệu quê Nam Hà cũ . Chị vào Tây Nguyên từ năm 1965 , sau đó được đào tạo Y sỹ tại Tây Nguyên rồi về làm Y sỹ ở Cơ quan Mặt trận . Anh chị tổ chức cưới nhau năm 1973 và sinh được một con tại chiến trường . Ở Tây Nguyên có nhiều giai thoại về cặp đôi này nhưng anh chị sống với nhau hạnh phúc tới cuối đời . Hiện anh Giá và chị Liệu đều đã mất .

6/ Cặp cưới thứ 6 là cặp Đồng Thị Hiển và anh Thủy . Chị Đồng Thị Hiển quê ở Bắc Ninh . Học xong lớp Y sỹ chị xung phong đi chiến trường . Chị vào Tây Nguyên từ năm 1965 cùng các cán bộ của Quân y Viện 1 . Anh Thủy - chồng chị cũng quê Bắc Ninh . Anh Thủy trước là cán bộ của Tiểu đoàn 37 đặc công . Một lần bị thương , anh về điều trị tại Viện 1 và tình yêu của anh chị nảy nở từ đó . Năm 1973 , anh chị tổ chức lễ cưới . Năm 1974 , chị sinh đôi được 2 cháu Sơn và Hà . Nuôi 2 cháu sinh đôi đã khó , nuôi ở chiến trường còn vất vả , gian khó gấp bội phần . Chính vì vậy sức khỏe của chị giảm sút nghiêm trọng tưởng không sống nổi . Sau giải phóng chị chuyển về công tác ở Viện Quân y 10 . Anh Thủy chồng chị sau này phát triển trở thành cán bộ cấp Sư đoàn . Tiếc rằng lên cán bộ cấp Sư đoàn được mấy tháng thì anh lâm bệnh nặng , nằm liệt tới 12 năm rồi mất . Còn chị giờ vẫn sống tại Bắc Ninh . Anh chị có tất cả 3 con . Con trai lớn nối nghiệp cha mẹ vào Quân đội , giờ công tác ở Học viện Hậu cần . Nhiều lúc tâm sự chị luôn kêu số chị vất vả suốt từ lúc trẻ tới lúc già .

7/ Cặp thứ 7 là cặp Dung - Quyền . Chị Dung quê tại Ninh Bình . Chị vào Tây Nguyên từ 1965 , là nhân viên khoa Hoá nghiệm của Viện 211 . Còn anh Quyền chồng chị cũng quê Ninh Bình . Anh Quyền trước ở đơn vị chiến đấu . Bị thương về điều trị tại Viện 211 và họ yêu nhau . Năm 1973 , anh chị cưới nhau và có 1 cháu được sinh tại chiến trường . Anh chị sống với nhau rất hạnh phúc .

8/ Cặp cưới thứ 8 là cặp Nguyễn Thị Tiện và Nguyễn Đình Cầm . Chị Nguyễn Thị Tiện quê ở Bắc Ninh .Chị là con gái độc nhất trong một gia đình . Cha chị hy sinh trong kháng chiến chống Pháp . Sau khi học xong lớp Y sỹ , chị xung phong đi chiến trường và là Y sỹ của đội điều trị 17 đi phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1970 . Năm 1971 , khi Sư đoàn 320 vào Tây Nguyên , đội điều trị 17 của chị cũng đi cùng Sư 320 . Trước lúc đi chiến trường chị đã có người yêu là bác sỹ . Tưởng đi một thời gian rồi về ai ngờ ở miết tới 7 năm . Phận gái ở chiến trường có người yêu thương chẳng lẽ từ chối !Chồng chị anh Nguyễn Đình Cần - quê Nghệ An , công tác ở Cục hậu cần Mặt trận . Anh bị bệnh về điều trị ở Đội điều trị 17 . Tình yêu của anh chị từ đây nảy nở . Năm 1973 anh chị cưới nhau . Cưới nhau được 3 ngày anh trở về đơn vị , năm 1974 , anh được cử ra Bắc học , chị vẫn ở chiến trường . Khi giải phóng đến lượt chị ra Bắc thì anh lại vào Nam , rồi cuộc chiến ở CPC tiếp diễn anh tiếp tục cùng Quân đoàn tham gia chiến đấu và hy sinh ở CPC ngày 3/1/1979. Từ đó chị vẫn ở vậy nuôi con . Con trai duy nhất của anh chị sau này cũng noi gương cha mẹ vào Quân đội , giờ là Trung tá , công tác ở Cục khoa học và Công nghệ Bộ Quốc phòng.

9/ Cặp cưới thứ 9 là cặp Hạnh - Trưng . Đây là đám cưới gặp nhiều trắc trở . Hạnh và Trưng cùng vào chiến trường với Viện 211 từ năm 1965 và cùng công tác ở khoa Hoá nghiệm của Viện . Lúc đi chiến trường chị em phụ nữ của Viện ai cũng nghĩ vào chiến trường một thời gian rồi ra Bắc , không ngờ cuộc chiến làm cho họ ở tới 8 năm . Suốt 8 năm , bất chấp khó khăn , gian khổ , bất chấp đạn bom , tình yêu của Hạnh - Trưng vẫn không hề thay đổi , họ càng yêu thương nhau hơn . Do hoàn cảnh chiến trường ngặt nghèo , Viện lúc đó đang có phong trào 3 khoan : Khoan yêu , khoan cưới và khoan chửa , thành ra cặp đôi Hạnh - Trưng nhiều lần đề nghị vẫn chưa được tổ chức chấp nhận , mãi tới khi Hạnh có chửa , tổ chức mới đồng ý . Mặc dù chấp nhận cho cặp đôi này thành vợ chồng nhưng Chính ủy của Viện cho rằng làm như vậy là vô tổ chức , kỷ luật , đặt tổ chức vào việc đã rồi nên rất khoát không tới dự cưới và yêu cầu Viện trưởng cũng không tới dự . Không những thế Chính ủy Viện còn dặn chủ nhiệm khoa Hoá nghiệm chủ trì lễ cưới hôm đó : “ không tuyên bố công nhận 2 đồng chí lấy nhau “. Tuy vậy Viện trưởng Lê Cao Đài vẫn tới dự , anh em trong Khoa hóa nghiệm vẫn tổ chức cho họ một đám cưới vui vẻ , đầm ấm , có liên hoan và còn làm cho họ một ngôi nhà riêng . Cặp Hạnh - Trưng cũng có một cháu được sinh ở chiến trường và họ sống với nhau cũng rất hạnh phúc

10/ Cặp cưới thứ 10 là cặp của một cán bộ cấp cao , Đại tá Thái Bá Nhiệm và Y sỹ Kinh . Ông Thái Bá Nhiệm quê ở Quảng Bình . Ông vào Tây Nguyên tháng 3/1966 . Lúc cưới y sỹ Kinh ông là Thường vụ Đảng ủy , Chủ nhiệm chính trị Mặt trận Tây Nguyên . Đây là đám cưới của một cán bộ có chức sắc cao nhất ở Tây Nguyên lúc đó và có lẽ là một cán bộ có chức sắc cao nhất của cả nước cưới vợ ở chiến trường . Sau này ông Thái Bá Nhiệm là Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh Quảng Bình . Trước lúc cưới y sỹ Kinh ông đã có 2 đời vợ , nhưng cả 2 đều đã mất . Y sỹ Kinh cũng quê Quảng Bình , cô đi Thanh niên xung phong từ năm 1965 , sau đó được chuyển về Viện 211 , cô được đào tạo y tá rồi y sỹ ở Tây Nguyên . Gần cuối năm 1973 , y sỹ Kinh và ông Thái Bá Nhiệm tổ chức cưới . Năm 1974 , y sỹ Kinh được ra Bắc điều trị bệnh ở Viện Quân y 108 và mất tại đây . Ông Thái Bá Nhiệm và y sỹ Kinh không có con chung với nhau . Ông Thái Bá Nhiệm cũng đã mất năm 2015 .

11/ Cặp cưới thứ 11 là cặp Lộ - Chúc . Chị Lộ quê ở Gia Lâm - Hà Nội . Cô là Y tá của Đội điều trị 17 . Năm 1970 , cô cùng đội điều trị 17 đi phục vụ chiến dịch đường 9 - Nam Lào . Cuối năm 1971 , cô và Đội điều trị 17 đi cùng Sư đoàn 320 vào Tây Nguyên . Anh Chúc chồng cô cũng là Y tá của Đội điều trị 17 . Cặp đôi này yêu nhau từ năm 1971 , khi cả 2 cùng hành quân vào Tây Nguyên . Năm 1974 , cặp đôi này làm lễ cưới và có một con sinh ra ở Tây Nguyên . Sau giải phóng 2 vợ chồng về quê chồng ở Thái Bình sinh sống và lập công ty kinh doanh buôn bán phụ tùng ô tô rất phát đạt .

12/ Cặp cưới thứ 12 là cặp Loan - Ban . Nguyễn Thị Loan quê ở Hà Tĩnh , đi Thanh niên xung phong từ năm 1965 . Năm 1966 , cô được chuyển về Viện 211 rồi được đào tạo Y tá rồi Y sỹ . Chồng cô Y sỹ Ban cũng công tác cùng khoa Mổ với cô . Cặp đôi này cưới nhau năm 1974 .

13/ Cặp cưới thứ 13 là cặp Xuân - Khâm . Nguyễn Thị Xuân quê ở Hà Tĩnh , đi Thanh niên xung phong năm 1965 , năm 1966 được chuyển về Viện 211 . Cô được đào tạo Y tá rồi Y sỹ ở Tây Nguyên . Anh Khâm - chồng cô cũng quê Hà Tĩnh , là cán bộ Quân lực của Viện 211 . Năm 1974 , cặp đôi này tổ chức cưới và có tất cả 4 người con , trong đó có một cháu sinh ở chiến trường . Cặp đôi này sống với nhau rất hạnh phúc và hiện giờ sống tại thành phố Play Cu .

14/ Cặp cưới thứ 14 là cặp Hiếu - Trường . Y sỹ Hiếu quê ở Hà Tĩnh , đi thanh niên xung phong năm 1965 , năm 1966 được chuyển về Viện 211 . Hiếu là cô gái trẻ , xinh xắn , thường được khen là hoa khôi của Viện 211 . Anh Trường chồng Hiếu quê ở Nam Hà cũ . Anh công tác ở khoa Dược . Hiếu - Trường cưới nhau năm 1974 và cũng có một con sinh tại chiến trường . Cặp đôi này sống với nhau cũng rất hạnh phúc .

15/ Cặp cưới thứ 15 là cặp Huệ - Tân . Lương Thị Huệ quê ở Hà Tĩnh . Đi thanh niên xung phong năm 1965 , sau đó được chuyển về Viện quân y 211 năm 1966 . Ở Viện 211 , Huệ được tổ chức cho đi học Y sỹ . Nguyễn Minh Tân quê ở Hưng Yên . Vào chiến trường cùng Trung đoàn 28 năm 1968 , chiến đấu bị thương rồi chuyển về công tác ở Cục chính trị Mặt trận Tây Nguyên . Huệ và Tân cưới nhau năm 1973 và có 2 cháu được sinh đôi ở chiến trường . Huệ - Tân có tất cả 3 con , các cháu đều trưởng thành , con lớn sinh ở chiến trường vừa tốt nghiệp Phó Tiến sỹ y khoa tại Nhật Bản . Huệ và Tân sống với nhau rất hạnh phúc. Xin bật mí với bạn đọc , Huệ chính là em dâu của tác giả bài viết này . Chú thím tôi có 2 con , trong đó chỉ có Tân là con trai , khi Tân đi chiến trường cả nhà đều rất lo lắng . Cuối năm 1974 , Tân đưa vợ và 2 con từ chiến trường ra . Chú tôi mừng khôn xiết nói “ nhà mình thật phúc lớn , đi 1 không mất mà còn về 4 “
                                                                                                                         
                                                                                                            - Hết -