ĐƠN VỊ NÀO ĐÁNH CHIẾM VÀ CẮM CỜ TRƯỚC Ở BỘ TỔNG THAM MƯU NGUỴ SÁNG 30/4/1975 ?

ĐƠN VỊ NÀO ĐÁNH CHIẾM VÀ CẮM CỜ TRƯỚC Ở BỘ TỔNG THAM MƯU NGUỴ SÁNG 30/4/1975 ? 

                                                     Nguyễn Đình Thi - nguyên cán bộ Sư đoàn 10

Năm 2018 , nhân sự kiện 30/4 , VTV có phát một phóng sự nói Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 đánh chiếm và cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu Ngụy , hoàn toàn không nói gì đến Sư đoàn 10 , đơn vị trước đó đã đánh chiếm và cắm cờ ở đây . Tối 27/4/2019 , nhân sự kiện 30/4 , VTV1 lại phát phim tài liệu : NGƯỜI CẮM CỜ , đưa nhân chứng Nguyễn Duy Đông của Sư đoàn 390B - Quân đoàn 1 kể về chuyện cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu Ngụy ngày 30/4/1975 . Trong phim tài liệu này cũng hoàn toàn không nói gì tới việc Sư đoàn 10 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu . Sự thật có phải Sư đoàn 390B - Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy trước và cắm cờ trước ở đây không thì hoàn toàn không phải , mà sự thật là Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 đã chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy và cắm cờ ở đây rất lâu sau đó mới có một nhóm người của Sư 390B - Quân đoàn 1 tới . Anh em Sư 10 không muốn nói lại chuyện này song năm nào cứ đến 30/4 họ lại nói đến Sư 390 cắm cờ ở Bộ Tổng tham mưu Ngụy , họ coi như không còn Sư 10 và những người lính Sư 10 năm nào đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy nữa . Hôm nay Trang Lính Tây Nguyên đăng lại lời kể của các nhân chứng của Sư đoàn 10 đã từng chỉ huy đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy sáng 30/4/75 và một số hình ảnh , hiện vật hiện đang trưng bày tại nhà truyền thống Sư đoàn 10 để các bạn thấy đâu là sự thật .
Bộ Tổng Tham Mưu Ngụy là một trong 5 mục tiêu quan trọng của trận đánh Sài Gòn . Nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu Bộ Tổng Tham Mưu Ngụy được giao cho Quân đoàn 1, đối với Quân đoàn 3 mục tiêu này là mục tiêu phát triển tiếp theo sau mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư Lệnh Sư đoàn Dù, Bộ Tư Lệnh không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân. Nhưng đêm 29/4/75 , sau khi thấy hướng tấn công của Quân đoàn 3 trong ngày 29/4/75 phát triển khá nhanh , Sư đoàn 320 đã làm chủ căn cứ Đồng Dù, Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 cùng xe tăng Trung đoàn 273 đã vào tới nội đô Sài Gòn , đang chốt gữi tại ngã 3 Bà Quẹo . Trong khi đó lực lượng được giao đánh Bộ Tổng Tham Mưu Ngụy là Quân đoàn 1 vẫn đang bị Sư đoàn 5 của địch chặn ở dưới Thủ Dầu Một nên Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định giao nhiệm vụ đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy là nhiệm vụ chính thức của Quân đoàn 3 , không phải là nhiệm vụ phối hợp với Quân đoàn 1 như trước đây . Gần 9 giờ sáng 30/4/75 mũi đột kích đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy của Quân đoàn 3 là Trung đoàn 28 cùng xe tăng đã tới Lăng Cha Cả. Khi đến đây, thấy phía trên Lăng Cha Cả xe tăng ta cháy trên đường Võ Tánh chặn mất đường , Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi quyết định cho Tiểu đoàn 3 rẽ phải đánh theo đường Trương Minh Ký qua nhà thờ Tân Châu Sa sang đường Thái Ngọc Hậu rồi đánh vào Bộ Tổng Tham Mưu. Địch ở 2 bên đường và phía trước cổng số 1 của Bộ Tổng Tham Mưu chống trả quyết liệt nhưng vẫn không cản được mũi tiến công của Trung đoàn, 1 xe tăng M41 chặn phía trước Bộ Tổng tham mưu bị bắn cháy , số còn lại bỏ chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu. Khoảng 10 giờ lá cờ đầu tiên của ta đã được tổ cắm cờ của Đại đội 10 -Tiểu đoàn 3 cắm ở cổng chính số 1 Bộ Tổng Tham Mưu địch. Thừa thắng, 5 xe tăng, 6 xe bọc thép K63 cùng bộ binh Tiểu đoàn 3 bắt đầu đột phá sâu vào phía trong Bộ Tổng tham mưu . Mũi thứ nhất do Chính trị viên C10 Lê Quang Vững chỉ huy cùng 2 xe tăng , 1 xe bọc thép K63 đánh vào phía Đông Nam Bộ Tổng Tham Mưu. Mũi thứ 2 cùng 3 xe tăng, 5 xe bọc thép K63 đánh thẳng vào toà nhà chính của Bộ Tổng Tham Mưu. Địch chống trả quyết liệt nhưng đã nhanh chóng bị bộ binh và xe tăng ta tiêu diệt , thêm 1 xe tăng M48 và 1 xe thiết giáp M113 nữa bị ta bắn cháy , một đại đội địch bảo vệ toà nhà đã đầu hàng. Xe tăng 982 do Chính trị viên đại đội tăng 5 Nguyễn Văn Thìn chỉ huy cùng bộ binh C10 lao thẳng vào bậc thềm toà nhà chính Bộ Tổng Tham Mưu. 10 giờ 20 phút,Tiểu đoàn 3 -Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 cùng xe tăng Trung đoàn 273 đã hoàn toàn làm chủ toà nhà này và cắm cờ lên nóc toà nhà. Sau đó Trung đoàn tổ chức lực lượng chốt chặn , bảo vệ toà nhà và thu đầy một xe zép hiện vật và tài liệu quan trọng của địch ở đây. Có những hiện vật rất quan trọng như cờ Bộ Tổng Tham Mưu, con dấu của Bộ Tổng Tham Mưu Nguỵ, thanh kiếm của đại tướng Cao Văn Viên, con dấu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ...
Đại tá Lê Ngọc Tùng - Nguyên Chỉ huy trưởng Quận đội Đống Đa, hiện sống tại Hà Nội lúc đó là Tham Mưu phó Trung đoàn 28 người trực tiếp cùng Tiểu đoàn 3 đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu kể về việc gặp lực lượng Trung đoàn 48 ở cổng số 1 như sau: ( Trung đoàn 28 lúc đó có 2 Tham mưu phó )
- Khoảng 10 giờ 45 phút , sau khi chiếm xong toàn bộ toà nhà Tổng hành dinh Bộ Tổng Tham Mưu và tổ chức canh giữ bảo vệ. Lúc đó tại cổng chính số 1 thấy một lực lượng của Trung đoàn 48 -Sư đoàn 320B đi cùng 1 chiếc xe bọc thép đến. Tôi lệnh cho lực lượng chốt giữ cổng chính đóng cổng sắt không cho vào vì mục tiêu này chúng tôi đã chiếm xong và đang bảo vệ. Do không được vào số anh em này rất bực tức đã dùng súng AK bắn vỡ cửa kính phòng bảo vệ, rất may không ai làm sao, họ còn bắn lên trời nhằm đe dọa chúng tôi. Sau khi không vào cổng chính số 1 được , lực lượng này cùng chiếc xe bọc thép đã quay sang cổng số 2 ở phía sau để tiến vào Bộ Tổng Tham Mưu.
Đại tá Võ Hùng Kháng hiện đang sống tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận, lúc đó cũng là Tham mưu phó Trung đoàn 28 người trực tiếp cùng Tiểu đoàn 3 đánh chiếm Tổng hành dinh Quân đội Việt Nam Cộng hoà kể như sau:
Tầm 10 giờ, vừa tổ chức cắm cờ ở cổng chính số 1 Bộ Tổng tham mưu xong , mấy anh em chúng tôi còn đang đứng quan sát , xác định đâu là toà nhà chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu Ngụy thì chiếc xe thiết giáp chở đồng chí Vũ Đình Thước - Tham mưu phó Sư đoàn cùng đồng chí Đỗ Công Mùi - Trung đoàn phó lao đến . Thấy tôi , anh Đỗ Công Mùi nói ngay :
- Anh Kháng ! Cờ đâu ? Cho tổ chức cắm cờ ngay !
Tôi quay sang anh Lê Công Vững - Chính trị viên Đại đội 10 hỏi cờ . Anh Vững cho biết Đại đội chỉ có một chiếc cờ . Chiếc cờ này vừa cắm ở ngoài cổng rồi . Hiện không còn chiếc cờ nào cả . May quá lúc đó Tham mưu phó Sư đoàn Vũ Đình Thước có mang theo một chiếc cờ , đang để ở xe bọc thép K63 . Ông lấy vội ra đưa cho tôi . Đúng lúc đó thì hỏa lực 12ly8 của địch từ trên nóc toà nhà Bộ Tổng tham bắn xuống . Tôi lệnh cho xe bọc thép dùng 12ly7 bắn về phía khẩu 12ly 8 của địch . Tiếng súng im . Tôi , anh Vững cùng 2 đồng chí chiến sỹ của C10 cầm cờ chạy ngay về phía toà nhà chính Bộ Tổng tham mưu Nguỵ . Tới toà nhà , nhìn các phòng làm việc đều thấy đóng cửa , không gặp một ai . Toà nhà khá rộng nên loay hoay mãi mới tìm được cầu thang bộ . Tìm được cầu thang ,4 anh em chúng tôi chạy gấp lên trên . Khi tới vị trí cột cờ của địch trên nóc toà nhà , tôi nói với anh Vững cho hạ cờ ngay . Lá cờ ba sọc của địch được kéo xuống và tháo ra nhưng khổ nỗi lại không treo được cờ của ta . Vì cờ của địch to , cờ của ta nhỏ nên không luồn cán vào được để treo cờ . Loay hoay chưa biết lấy gì làm cán . Nhìn quanh . Tôi phát hiện gần chỗ tôi đứng có một cây ăng ten có thể làm cán cờ được . Tôi vội chạy đến , dùng dao găm chặt đứt ăng ten này . Rồi chọn một đoạn chặt làm cán . Có cán cờ , tôi cùng anh Vững làm động tác luồn cán , buộc dây và treo cờ . 2 chiến sỹ có súng AK làm nhiệm vụ bảo vệ . Tầm 10 giờ 40 phút , lá cờ giải phóng của ta đã được 4 anh em chúng tôi treo lên đúng vị trí cột cờ của địch tại nóc toà nhà Tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu Ngụy . Treo cờ xong , tôi giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí chiến sỹ ở lại đó làm nhiệm vụ bảo vệ cờ .
Sau khi trực tiếp cùng anh em C10 cắm cờ ở nóc toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn xong đi xuống, khi xuống đến tầng 2 thì gặp mấy đồng chí của Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B vác cờ đi lên. Lý do tôi biết người của Trung đoàn 48 là vì thấy ký hiệu ở trên áo không phải người của đơn vị (Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tất cả mọi người tham gia Chiến dịch đều ghi ký hiệu đơn vị mình trên áo). Tôi chặn lại không cho lên . Thấy tôi căng, một đồng chí đi cùng nhóm người này giới thiệu là Trung đoàn phó Trung đoàn 48 -Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 ( không giới thiệu tên ). Giới thiệu xong đồng chí nói với tôi :
- Chúng tôi đến sau nhưng cờ của các đồng chí nhỏ, cờ của chúng tôi to. Đề nghị đồng chí cho chúng tôi thay cờ này vào vị trí cờ của các đồng chí để quay phim chụp ảnh cho đẹp !
Đúng là cờ của chúng tôi nhỏ thật, nhưng tôi vẫn kiên quyết không cho họ lên cắm cờ. Tôi nói với đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 48 :
-Tôi biết nhiệm vụ của Quân đoàn 1 các anh là đánh Bộ Tổng Tham Mưu nhưng các anh đến sau các anh phải chấp nhận. Các anh có biết bao bộ đội của tôi ngã xuống trên đường vào đây không ? Ai diệt xe tăng địch ở đây để các anh vào cắm cờ ? Tôi dứt khoát không cho lên . Sau một hồi cãi nhau căng thẳng, sau tôi nghĩ: Cờ của mình đã cắm ở vị trí chính giữa toà nhà rồi cho họ cắm vào góc cũng không sao, giả sử sau này có tranh chấp thì chẳng ai công nhận lá cờ cắm ở góc toà nhà nên tôi đã nhân nhượng , đồng ý cho họ lên cắm cờ và yêu cầu :
1 : Cờ của các anh cắm vào góc bên phải toà nhà nhìn từ trên xuống .
2 : Không được thay thế cờ chúng tôi đã cắm ở giữa toà nhà .
Tôi và anh em C10 còn đứng tại nóc toà nhà giám sát sự việc trên và họ đã làm đúng như tôi yêu cầu
Tầm 12 giờ 30 phút, cũng có một nhóm người nữa của Sư đoàn 320B đến cổng số 1 tôi cũng không cho vào, 1 đồng chí đi cùng nhóm người này chỉ vào một người và giới thiệu với tôi đây là đồng chí Lưu Bá Sảo - Sư trưởng Sư đoàn 320B ( Sư 320B sau này đổi là Sư 390 ) , khi biết đồng chí này là Sư trưởng tôi cũng không cho vào. Tôi nói:
- Hiện nay chúng tôi đang quản lý và bảo vệ mục tiêu này. Tất cả nội bất xuất, ngoại bất nhập, kể cả đồng chí là Sư trưởng nhưng lính của các đồng chí không có ở đây thì đồng chí vào đây làm gì? Tôi kiên quyết không cho đồng chí Lưu Bá Sảo vào. Thấy tôi căng đồng chí Lưu Bá Sảo dọa :
- Đồng chí không cho tôi vào tôi sẽ bắn đồng chí ( lúc đó đồng chí Lưu Bá Sảo có khẩu cácbin ).
Tôi nói :
- Đồng chí là cán bộ đồng chí không nên nói vậy. Đồng chí có giỏi đồng chí cứ bắn, nhưng đồng chí bắn một viên thí sẽ có một ngàn viên AK bắn vào đồng chí ! ( Đồng chí Lưu Bá Sảo nếu còn sống chắc không quên câu chuyện này )
Cuối cùng tôi vẫn không cho vào. Đến chiều do đồng chí Lưu Bá Sảo là người họ hàng với đồng chí Lưu Quý Ngữ - Chính ủy Sư đoàn 10. Sau khi có ý kiến đồng chí Lưu Quý Ngữ chúng tôi mới giải quyết cho đồng chí Sảo vào. Chúng tôi còn ở lại bảo vệ mục tiêu này tới sáng ngày 1/5/1975 mới bàn giao lại cho đơn vị bạn quản lý toà nhà. Đêm 30/4/1975, tại toà nhà này đồng chí Vũ Lăng - Tư Lệnh Quân đoàn 3 và đồng chí Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy Quân đoàn cũng đã ngủ lại tại đây cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 28.
Thiếu tá Nguyễn Trần Vân Quý - Nguyên Trợ lý Tuyên huấn Tổng cục chính trị , Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế Tổng cục Hải quan lúc đó là Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn trực tiếp đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn hiện sống tại Hà Nội kể :
Sau khi đánh tan lực lượng địch ở phía trước cổng chính số 1, đội hình Tiểu đoàn chia thành 2 mũi đánh vào Bộ Tổng Tham Mưu. Lá cờ đầu tiên của Tiểu đoàn được 2 đảng viên trẻ Nguyễn Xuân Tân và Lê Xuân Lựu cắm ngay tại cổng số 1. Sau khi chiếm và bố trí canh giữ toàn bộ toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu, khoảng 30 phút sau một lực lượng của Trung đoàn 48 - Sư đoàn 390 tới cổng số 1 nhưng cổng chính số 1 do Trung đoàn 28 canh giữ đã đóng. Khi thấy lực lượng Sư đoàn 10 đã chiếm được Bộ Tổng Tham Mưu và không vào được, đồng chí đại đội trưởng đại đội cắm cờ của Trung đoàn 48 đã đứng ngoài khóc .
Chúng tôi cung cấp một số hình ảnh và hiện vật đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy của Sư đoàn 10 để các bạn tham khảo .
Lá cờ do Trung đoàn 28 cắm trên nóc toà nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy . Khi đó chỉ có lá cờ duy nhất của Trung đoàn 28 , chưa có lá cờ của Sư 390 - Quân đoàn 1 cắm sau này ở góc bên trái toà nhà . 
Cờ nhỏ của Sư 10 cắm ở chính giữa toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Nguỵ sáng 30/4/75, nơi trước đó có treo cờ của Nguỵ quyền Sài Gòn. Lá cờ to ở góc phải toà nhà ( từ trên nhìn xuống ) là cờ do Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 cắm.
Nguyễn Duy Đông - Trung đoàn 48 - Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 đang chỉ cho phóng viên xem hình ảnh lá cờ mà mình đã cắm ở góc toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn .
Xe tăng Trung đoàn 273 đi cùng Sư đoàn 10 bị địch bắn cháy ở phía trước Bộ Tổng tham mưu .
Đội hình Xe tăng , thiết giáp Trung đoàn xe tăng 273 cùng Trung đoàn 28 chốt giữ toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn sáng 30/4/75
Lá cờ của Bộ Tổng tham mưu Ngụy và các hiện vật khác như con dấu của Bộ Tổng tham mưu , con dấu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu , phù hiệu của Đại tướng Cao Văn Viên , Sư đoàn 10 thu giữ tại Bộ Tổng tham mưu Ngụy hiện đang trưng bày tại nhà truyền thống của Sư đoàn 10