MỘT CA MỔ KHÔNG QUÊN

MỘT CA MỔ KHÔNG QUÊN
Bs - Vũ Hữu Hoàng - Viện Quân y 211


Đó là một buổi sáng tháng 5/1970 với những việc quen thuộc của phòng mổ ở quân y viện chiến trường Tây Nguyên . Khoảng 8 giờ sáng, cả phòng mổ nhộn nhịp bước vào một ca mổ mới. Kíp mổ là những phẫu thuật viên quen thuộc của Khoa ngoại 32 gồm bác sĩ Đinh Quang Minh, bác sĩ Xuân Hưởng, y sĩ Uông; kíp gây mê hồi sức có y sĩ Long, y sĩ Hoàng; nữ y tá vô trùng là chị Tám; người đạp xe đạp thông thạo nhất để phát điện cho đèn soi kíp mổ là nữ y tá Đoàn Thị Xuân...
Bệnh nhân mổ hôm đó là một thanh niên người dân tộc Tày ( Cao Bằng ) . Bệnh nhân lên phòng mổ với chẩn đoán là mổ khối u mạc treo đại tràng. Nếu đúng với chẩn đoán trước mổ thì ca mổ chỉ dự kiến diễn ra khoảng 2-3 tiếng.
... Ổ bụng vừa được mở ra đã thấy ngay một khối u, đó là một khối u lớn ở thành đại tràng chứ không phải u mạc treo. Khối u đã xâm lấn toàn bộ lòng đại tràng gây tắc ruột.
Kíp mổ dừng tay hội ý và điện mời Viện trưởng lên chỉ đạo. Từ Viện bộ, bác sĩ Lê Cao Đài tức tốc chạy lên phòng mổ. Sau khi quan sát trao đổi, Viện trưởng quyết định cắt nửa đại tràng. Từ đó, Viện trưởng là phẫu thuật viên chính của kíp mổ. Vậy là cuộc mổ sẽ khó khăn phức tạp và kéo dài thời gian hơn so với dự kiến ban đầu. Điều đó cũng không có gì đáng nói nếu không có những trận bom...
Đại tràng vừa được cắt, đang tiến hành khâu nối thì có tiếng máy bay trinh sát của Mỹ tới gần... Tiếng động cơ máy bay cứ vo vo xoáy tròn trên phòng mổ... Sau đó là một tiếng nổ trầm đục được bắn xuống nổ gần nhà mổ (loại pháo chỉ điểm mục tiêu) một cột khói màu bốc lên...
“Nó sắp ném bom vào mình đấy!” - Viện trưởng vừa dứt lời đã nghe rõ tiếng của máy bay phản lực bổ nhào. Tiếng rít của động cơ phản lực rất gần, tiếng nổ của bom như những đợt sét đánh thẳng vào phòng mổ. Cả phòng mổ rung động, chao đảo, bông bềnh...
Cứ mỗi lần tiếng phản lực lao xuống là toàn bộ nhân viên lại nằm sấp xuống sàn, riêng kíp mổ đều nằm ngửa giơ hai tay lên trần, giữ sạch bàn tay để mổ tiếp. Tất cả vì một bệnh nhân đang nằm trong tình trạng nguy kịch nên không hể có một ai dám bỏ nhiệm vụ, mặc dù sinh mạng đang bị đe dọa nghiêm trọng...
Không nhớ bao nhiêu loạt bom, bao nhiêu loạt đạn từ máy bay trút xuống, chỉ biết đã nhiều lần phải nằm rạp xuống đất rồi lại giúp nhau đứng dậy để tiếp tục cuộc mổ...
Bom nổ, bom cháy chỉ cách phòng mổ vài mét, những tấm rèm che quanh phòng mổ bốc cháy, đạn 20 ly từ máy bay bắn trúng làm sập một góc phòng, những bụi tre trúng đạn đổ nghiêng ngả. Toàn bộ phòng mổ nằm trong khói bụi... Tình hình trở nên quá nguy hiểm, chúng tôi được lệnh chuyển bệnh nhân xuống hầm. Trên mặt đất bom vẫn nổ, dưới hầm kíp mổ, kíp gây mê vẫn hoạt động khẩn trương. Do cuộc mổ kéo dài tới 8 tiếng, không có máu tươi để truyền, mà chiến trường thời đó chưa được trang bị oxy (bình oxy) để thở nên bệnh nhân choáng nhược kéo dài, người chiến sĩ ấy đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 22 giờ cùng ngày.
Cũng cả đêm hôm ấy, toàn bộ nhân viên và thương binh thức trắng để di chuyển chỗ ở. Và những ngày sau đó là những ngày đầy gian khổ và ác liệt...
Sau này và cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại, hồi tưởng về những trận ném bom bắn phá vào nhà mổ hôm ấy, tôi lại tự hỏi: “Vì sao địch nhằm đúng nhà mổ mà ném bom?”.
Hồi đó bệnh viện ở hậu cứ hàng năm yên bình, các khoa bạn ở dưới thung lũng, những ngôi nhà rất thấp làm trong rừng già dưới những tán cầy cổ thụ rất kín đáo. Riêng nhà mổ được xây dựng khá cao và rộng, sàn được làm cao hơn mặt đất cả mét, mái được lợp bằng những khúc tre lồ ô dài bổ đôi lợp cái sấp cái ngửa. Ở đó, lưng chừng đồi toàn tre, lồ ô. Về cuối mùa khô cầy lồ ô rụng hết lá nên mái nhà mổ cao, rộng như một tấm gương phản chiếu, khiến máy bay Mỹ dễ phát hiện và ném bom. Rất may, do địa hình hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu nên máy bay phản lực loại siêu thanh không dễ bắn trúng mục tiêu. Chỉ cần những loạt bom, những loạt đạn chính xác hơn một chút thì toàn bộ kíp mổ, kíp gây mê hồi sức chủ lực nhất của Viện lúc ấy sẽ không còn!!!
46 năm đã trôi qua, trong chiến tranh tôi đã gây mê và mổ hàng ngàn trường hợp với rất nhiều khó khăn phức tạp trong điều kiện thiếu thốn ác liệt không nào nhớ hết... Xong cuộc mổ ngày 01/5/1970 tại phòng mổ (Khoa 35) Quân y Viện 211 - Chiến trường B3 Tây Nguyên thì chưa bao giờ quên