CHẶN ĐÁNH LỮ DÙ 3 TRÊN ĐÈO MADRAC

BÀI VIẾT HƯỞNG ỨNG ĐỢT PHÁT ĐỘNG VIẾT VỀ NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC TRONG NHỮNG NĂM THÁNG SỐNG, CHIẾN ĐẤU TẠI QUÂN ĐOÀN 3 NHÂN KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 3 ( 26/3/1975 - 26/3/2020 )

CHẶN ĐÁNH LỮ DÙ 3 TRÊN ĐÈO MADRAC
Hoàng Kim Hậu - E66

Ngày 23 -03 -1975 quận lỵ Khánh Dương đã được giải phóng, các đơn vị bạn đang chuyển quân rầm rập, xe tăng, xe thiết giáp lấp ló trong cánh rừng thưa, chúng tôi lục tục bám theo đội hình.
Ðến một ngã tư, thấy anh Nguyễn Thanh Xuân (Yên Khánh-Ninh Bình) phó ban hậu cần tiểu đoàn bảo:
-Tiểu đoàn 8 vào đây lấy thêm gạo rồi tiếp tục hành quân!
Tôi theo đoàn người rẽ vào quận lỵ. C5 và C6 đã có nhiều chiến sỹ lấy xong gạo đang quay ra. Tôi cho gạo vào bao rồi vội vàng bám theo họ. Ði dọc đường 21 khoảng một tiếng nữa thì thấy con đường bị cây lấp lại, ở đó có biển chữ viết vội vàng: Ðường này có địch. Không đi!
C6 và C5 được lệnh đi sang bên phải đường hướng lên đèo Ma ĐRắc, C7 và C8 cùng cơ quan tiểu đoàn bộ rẽ sang bên trái, dừng lại ăn cơm trưa.
Pháo binh và hoả tiễn của ta bắt đầu bắn lên đỉnh đèo Ma ÐRắc (Ðèo Phượng Hoàng). Tiếng hút gió của chùm đạn bay đi và một loạt tiếng nổ dây truyền vọng vào núi. Bao nhiêu năm chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên, hôm nay chúng tôi hành quân đuổi địch dưới tầm đại bác và tên lửa chi viện, thấy cũng phấn chấn và an tâm.
Khoảng hơn 13 giờ chiều, chúng tôi đi vào một tràn cỏ xanh mướt, đồi núi nhấp nhô trông như thảo nguyên vậy. Phía trên kia là đèo Phượng Hoàng, nghe đâu địch đã ném lữ dù 3- Con át chủ bài của Thiệu lên chốt chặn. Tiểu đoàn 8 chia làm hai gọng kìm theo ven đười 21 từ chân đèo tiến lên.
Ðoàn người như con rắn khổng lồ trườn mình trên thảm cỏ tiến về phía chân đèo. Chưa bao giờ chúng tôi dám vượt qua bãi tráng vào ban ngày như thế này cả, ngoại trừ hôm nay. Quy luật của chiến tranh thường hay lập lại: Sự chủ quan khinh địch thì bao giờ cũng phải trả giá. Ðội hình đi đầu của C 7 do anh Nguyễn BáTẩm (Quỳnh Hoàng-Quỳnh Phụ-Thái Bình) đại đội trưởng, anh Doỏng (Cao Bằng) đại phó vừa vượt qua bãi lầy tiến cách chân đèo khoảng vài trăm mét thì nghe một loạt tiếng nổ từ trên đỉnh đèo vọng tới. Ðã có kinh nghiệm khi thấy tiếng nổ đầu nòng của pháo địch, đoàn người chững lại, tai căng ra. Chỉ vài giây sau, tiếng rú của quả đạn bay đến, khói bao trùm đội hình đi đầu. Không ai bảo ai, tất cả tản ra, nằm bẹp cạnh các mô đá và ven bãi lầy, phơi lưng hứng pháo bầy của địch.
Tôi và hai chiến sỹ khác nằm dựa vào một tảng đá nhô lên khỏi mặt cỏ, rút xẻng đào hầm. Khi bị pháo thúc vào đít, họ đào hầm nhanh lắm, không biết mệt, không kịp thở, không ai phải nhắc nhở ai. Mạnh ai người ấy đào, cố khoét cho mình lấy một cái hố để giữ gáo. Xung quanh khói lửa mù mịt, loạt đạn trước chưa tan khói thì loạt sau lại trùm lên đội hình, hai tai ù đặc.
Một toán lính dù bò xuống chân đèo, dùng cối 60 và súng phóng lựu bắn vào quân ta, anh Doỏng bị một quả M79 vào cạnh sườn, Dương Bá Hậu (Hồng Kỳ-Đa Phúc-Vĩnh Phúc) bị mảnh đạn cắt ngang ống chân. Anh Tẩm bảo: Pháo bắn ác liệt quá, tôi bò lại băng bó cho thằng Hậu, một lúc sau đã thấy nó chết rồi. Tất cả bộ đội nằm dán xuống mặt đất mặc cho pháo bầy địch chà đi sát lại.
Cứ đội pháo như thế cho đến sẩm tối, toán lính dù cũng rút lên chân đèo. Rất may là các mặt trận đang đồng loạt nổ súng nên máy bay địch không đủ sức chi viện. Nếu chúng vác bom đến thì chắc rằng chúng tôi đã thành tương tất cả.
Phía mũi tiến công của đại đội 5 và đại đội 6 bám sát ven đường 21 tiến lên chân đèo. Ðại đội 5 do đại đội trưởng Trần Ðới và chính trị viên Lê Hải Triều đẫn đầu đội hình hành quân dưới sự chi viện của hoả tiễn và pháo binh. Ðến giáp chân đèo, địch phát hiện lực lượng của ta, gọi pháo bắn cấp tập. Chúng cho xe bọc thép M113 ra chặn đội hình và gọi máy bay oanh kích dữ dội. Lập tức, hoả tiễn và pháo binh của ta bắn trả lên đỉnh đèo, do hiệp đồng giữa pháo binh và bộ binh chưa chặt nên loạt đạn thứ tư, hai quả đạn 155 ly hụt tầm rơi trúng vào giữa đội hình đại đội 5 làm 19 cán bộ vàchiến sỹ hy sinh, bị thương hơn 20 người, gây tổn thất nghiêm trọng đơn vị này.
Trời tối sẫm, có lệnh truyền xuống: C7 tổ chức lên lấy thương binh ngay!
Không biết thương vong có nhiều không. Tôi xách túi cứu thương bò lên đầu đội hình. Qua một bãi lầy hẹp, lên dông đồi cỏ phẳng lỳ xung quanh loang lổ hố pháo. Có mấy thương binh đồng đội băng cho đang được dìu ra. Trước mặt tôi cảnh tượng thật thê thảm: 8 liệt sỹ, có 1 thông tin 2w còn lại đại đội tôi 7 người. Tất cả đã được tập kết về một chỗ, ai nằm tư thế nào thì bây giờ vẫn như vậy, cứng ngắc, cong keo.
Cứ hai người khiêng một liệt sỹ, cố gắng mang ra càng nhanh càng tốt. Lý Sài Quẩy (Sa Pa-Lào Cai) một mình vác anh Doỏng bị quả phóng lựu vào bụng, ruột lòng thòng chảy xuống hết vạt áo của Quẩy. Có hai người khiêng Dương Bá Hậu (Hồng Kỳ-Đa Phúc-Vĩnh Phúc) đã cứng như khúc gỗ, cái chân còn dính tý thịt đong đưa. Cao Bá Hợi (Ngũ Kiên-Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc) bị mảnh pháo xuyên qua cắt đôi chiếc thắt lưng da trung quốc. Lê Văn Tân (Phú Thịnh-Vĩnh Tường-Vĩnh Phúc) cùng mấy liệt sỹ ngổn ngang chồng chất lên nhau. Không còn thời gian xem tên từng người, tôi và một chiến sỹ nữa khiêng liệt sỹ thông tin.
Buộc võng vội vàng, chúng tôi lục tục chạy xuống bãi lầy, đường trơn dép tọt lên tới bắp chân. Dây võng tuột làm rơi liệt sỹ xuống bùn, đặt cáng xuống, khênh liệt sỹ vào võng và cứ thế nước chảy tong tỏng cho đến vị trí tập kết.
Anh Vũ Hồng Ðiệp (Hà nội) - Chính trị viên phó đại đội- ở lại cùng đơn vị vận tải làm công tác tử sỹ. Chúng tôi tiếp tục lên đường.
Cắt sang bên trái tiến về phía đỉnh núi đen sẫm. Bên phải, bên trái đâu đâu cũng nghe thấy tiếng súng địch nổ. Quá nửa đêm thì đến chân đèo. Dốc dựng đứng, chúng tôi bám theo nhau bò ngược dốc. Xuyên qua một rừng cây thưa giống như một nương sơn. Ðến đỉnh núi, có những tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành nhiều hang hốc. Lệnh cho C7 chốt lại trong hang, các đơn vị trong tiểu đoàn tiến lên phía trước. Tôi mò tìm chỗ giải ni lông, dựa vào một tảng đá và ngủ thiếp đi.
Ngày 29-03-1975
Lệnh ra cắt đường 21. Bỏ ba lô lại vị trí tập kết, mỗi người mang đủ cơ số đạn bám nhau xuôi theo lòng khe. Sẩm tối ra một bãi lầy, cỏ hoang mọc gần lút đầu người, bùn thụt quá đầu gối. Dò dẫm theo vết bùn tôi đặt chân lên một bãi đất có vài cây chuối siêu vẹo. Anh Nguyễn Văn Mão (Tả Thanh Oai-Thanh Trì-Hà Nội) chính trị viên đại đội đứng chờ ở đấy bảo:
- Đường cách đây 50 mét! Phía trước là điểm chốt trung đội 2! Đại đội bộ chốt cùng trung đội 1, phía bên kia bài lầy, đi theo đường dây điện thoại ấy!
Lại bì bọp cắt qua bãi lầy. Đặt chân lên một sườn đồi thoai thoải toàn cỏ gianh. Con đường 21 nằm ngay trước mặt, gần lắm, chỉ khoảng 20 mét thôi. Ban đêm mặt nhựa bắt ánh trăng thật thơ mộng, giá như không có chiến tranh chúng tôi nằm ngay trên con lộ cho đỡ nhớ.
Anh Nguyễn Bá Tẩm (Quỳnh Hoàng-Quỳnh Phụ-Thái Bình) đại đội trưởng chỉ vị trí cho chúng tôi đào hầm. Lại húc hầm, cơn đói bất chợt ào đến quặn ruột. Không biết căn hầm này có số seri thứ bao nhiêu rồi. nếu như cứ gộp những căn hầm của bộ đội lại có lẽ đã thành con sông chảy từ Hà Nội vào đến Sài Gòn rồi. Khiếp thật.
Phần thức đêm, phần đói, người như muốn lả đi. Nghe đâu đại đội đã vét đến bao gạo cuối cùng rồi. Kiểu này đến nhịn đói mà đánh nhau đây. Anh Mão đi kiểm tra các trung đội về lôi gói lương khô ra. Bốn người không là bao thế mà thấy khỏe hơn bao lần.
Quá nửa đêm hầm đào cũng tạm đứng được bốn người. Tôi đang lom khom xúc đất, anh Tẩm ấn nhẹ vai tôi xuống. Một trung đội lính dù hành quân qua, chúng đi theo đội hình hàng một, rất đều, tiếng giầy khua lẹp kẹp trên mặt nhựa. Tôi cúi sát mép hầm đếm được 24 đứa. Không biết có đánh bọn này hay không!?
Trung đội địch đi ngang qua chúng tôi kể cả trung đội 2 nằm sát mép đường. Không một tiếng súng. Màn đêm lại trở về với bản năng của nó.
Ảnh minh họa
Bỗng có tiếng động cơ vọng lại, anh Tẩm hô trung đội 1 chuẩn bị hỏa lực, tôi kéo khẩu AK lại gần, tim nhảy trong lồng ngực: Đánh nhau thật rồi. Sườn đồi bên tráibỗng lù lù hiện ra một chiếc ô tô, sao chỉ có một chiếc! Tôi cúi xuống áp tai vào vách hầm xem còn chiếc nào nữa không. Xe vừa chạy đến chốt trung đội 2 thì ùng oàng, một luồng lửa màu da cam chùm lên phần đuôi chiếc xe, hàng loạt AK nhì nhằng xiên vào những bóng đen đang kêu la chấp chới. Chiếc xe như chững lại vài giây sau đó nó lại vù ga cõng theo cả khối lửa trên lưng. Trên tà luy đường phía trung đội 3 khóa đuôi, một vệt xanh bíếc của quả đạn B41 bắn vượt tầm nổ bên kia đường. Chiếc xe chồm lên chạy thêm một đoạn nữa rồi dừng lại, một vầng lửa bùng lên kèm theo những tiếng nổ lép bép.
Tiểu đoàn điện ra yêu cầu báo cáo lại trận đánh chặn xe địch. Kiểm tra cụ thể xem xe chở những gì, địch chuyển quân hay rút quân để cấp trên biết ý đồ của chúng.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 30-03-1975. Phía sau dông đồi bên trái chúng tôi, hàng loạt tiếng nổ đan vào nhau, đạn lửa bay tứ tung cơ hồ như hàng trăm họng súng cùngbắn một lúc. Anh Tẩm bảo hình như thằng K7 và K9 bắt đầu công kích. Tôi chưa kip định thần thì ầm ầm từng đoàn xe địch từ sườn đồi nhô ra, vừa đi vừa bắn, đạn bay hoa cả mắt, tiếng xích xe rung chuyển mặt đường. Anh Tẩm hô:
- Xe tăng địch đấy! Trung đội 1 đâu! Bắn nhanh không nó chạy hết!
Một vầng lửa màu da cam bùng lên, hơi nổ phụt về phía sau kèm theo một tiếng nổ inh tai. Lửa chùm lên toàn bộ chiếc xe thiết giáp của địch. Cháy rồi! Trung đội 1 đánh tốt lắm! Bắn đi! Lửa cháy dữ dội. Đoàn xe từ phía sau chạy chen lên, B40, B41 chớp lửa, AK quây lấy những con voi sắt ấy, tôi nhằm vào những bóng đen lừng lững ấy màbóp cò. Anh Mão bảo:
- Khéo bắn phải thằng trung đội 1 phía trước! Hỏa lực đâu! Bắn đi!
Ảnh minh họa
Lại một chiếc nữa bị Nguyễn Văn Phán (Hà Tây) bắn cháy ngay trước chốt trung đội 2, lửa bùng lên soi rõ như ban ngày. Trong ánh sáng chói lòa của đạn lửa, nhữngthi thể quần áo rằn ri nằm ngổn ngang trên mặt đường. Chiếc thứ 3 hoảng loạn đâm vào tà luy máy vẫn nổ xình xình. Lũ ngụy lóp ngóp chui ra nhảy xuống đường. Tôi nhằm vào những bóng loang lổ ấy mà nhả đạn. Anh Mão kéo áo tôi:
-Thằng trung đội 2 ở đấy! Khéo bắn nhầm phải nó!
Hai chiếc xe cháy sáng cả quãng đường, đạn 12ly7 nổ lục bục trong xe, đạn DKZ thỉnh thoảng lại tung từng quầng lửa sáng trắng, tàn bay tứ tung. Anh Tẩm báo cáo vắn tắt trận chặn đánh đoàn xe địch. Tiểu đoàn ra lệnh: Đại đội 7 tổ chức bắt sống xe tăng!
Tôi chột dạ, bắt sống để làm gì!? Ai biết lái mà bắt sống! lũ ngụy còn nằm đầy ven đường, bộ đội ra bây giờ thế nào cũng thương vong.
Anh Tẩm và Anh Mão bò ra ven bãi lầy, lấy tay làm loa lệnh cho trung đội 2 ra bắt sống xe tăng. Thương binh hay tử sỹ rồi cũng đến tay mình cả, không nên vì thành tích mà đưa bộ đội vào chỗ chết như vậy. Tôi cáu tiết bảo Lê Văn Ngân (Trung Nguyên-Yên lạc-Vĩnh Phúc) làm liên lạc đại đội:
-Mày ra bảo anh Tẩm: Lệnh tiểu đoàn cho tiêu diệt chiếc xe ấy đi, thôi không bắt sống nữa!
Cùng lúc ấy, từ bên kia bãi lầy gọi tôi sang cấp cứu thương binh. Tức thật, nói có sai đâu cơ chứ!
Tôi bò ra ven bãi lầy, anh Tẩm đang ra lệnh cho trung đội 2 bắn cháy xe tăng địch. Trong ánh lửa bập bùng, Phán cùng hai chiến sỹ nữa vác B41 bò ra ven đường. Một vệt xanh biếc phụt ra kèm theo tiếng nổ đinh tai là một vầng lửa chùm lên toàn bộ xe địch. Ba chiếc xe M113 cháy ngùn ngụt, tàn lửa bùng lên bay tứ tung khi một quả đạn trong xe phát nổ. Cả quãng đường khoảng 300 mét sáng như trên sân khấu.
Tôi xách súng lội qua bãi lầy. Thấy bộ đội đứng lố nhố ven đường, tôi hỏi:
-Thương binh ở đâu!? Ai bị thương đấy!
-Ở ngoài đường ấy! Anh Lý ra bắt sống xe tăng thì bị địch bắn!
Tôi biết ra mặt đường bây giờ không khác gì làm tấm bia sống cho lũ ngụy nằm mai phục ven đường. Nhưng bỏ thương binh nằm một mình trên mặt nhựa xung quanh đạn lửa như vậy cũng không thể được. Tôi bảo:
-Thế thì anh nào cùng tôi ra lấy thương binh!
Tôi và Phạm Xuân Bích (Yên Chính - Ý Yên - Nam Hà) tiểu đội trưởng cối 60 ly cùng Phán leo ra đường. Lửa cháy sáng rực, hơi nóng tỏa ra rát mặt. Phạm Ngọc Lý (Đào Giã - Thanh Ba - Phú Thọ) trung đội trưởng nằm cách chiếc xe định bắt sống khoảng 3 mét đang cố chống tay ngồi dậy, lật phải rồi lật bên trái mà không được. Tôi cúi xuống ôm ngang người Lý, Bích và Phán ôm phía chân vội vã chạy quay trở lại, nhảy xuống ven đường mới biết mình thoát chết.
Đặt Lý ngồi dựa vào vách hầm, tôi thấy một thằng lính dù nằm còng keo bên bãi cỏ. Hỏi ra mới biết tên ngụy này từ trên xe nhảy xuống và bị trung đội 2 bắt sống. Thấy chúng tôi túm vào với thương binh, tên ngụy thừa cơ bỏ chạy, sẵn khẩu AK trên tay, tôi lia theo cái bóng đen loang lổ ấy, chỉ thấy hắn hự lên và cắm đầu xuống bãi lầy. Chết thật, bắt tù binh mà không ai trói buộc gì cả.
Gần sáng, sương xuống dày đặc, ngoài đường những chiếc xe chỉ còn những tàn lửa lập lòe. Bỗng nghe như có hàng trăm bước chân rê trên mặt cỏ, gần lắm. Anh Tẩm quát ai! Có tiếng súng va vào nhau. Địch rồi, anh lia một loạt AK lên trên đỉnh đồi. Tôi và anh Mão ném hai quả US về phía địch, tiếng chân người chạy ngược dốc.Trung đội 1 đâu! Cho bộ đội vận động đánh địch ngoài công sự!
Hàng loạt AK bắn lên dông đồi, súng phóng lựu chớp lửa, tiếng chân chạy rào rào như đàn voi vượt dốc, Anh Mão gọi cho khẩu cối 82 ly của tiểu đoàn chốt bên kia bãi lầy nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà không thấy bắn quả nào cả.
Sáng ra tôi và anh Mão xách súng đi lên sườn đồi. Sương muối đặc quánh, cách chúng tôi chưa đầy 6 mét. Bãi cỏ gianh như bị hàng đàn thú cán dẹp xuống mặt đất, hướng chạy lên đỉnh đồi. Có mấy xác chết nằm lăn lóc, máu tươi còn vương trên mặt cỏ. Một xác lính dù ăn trọn một quả M79 vào mặt, xương hàm toác ra. Phía bên kiakhe suối, ba lô súng địch vứt ngổn ngang, chồng đống lên nhau kể cả đài 15 w. Tôi và anh Mão thu ba lô và súng địch rồi quay về hầm.
Sáng rõ, bỗng có tiếng người từ phía sau:
-Em xin đầu hàng các anh ơi! Em xin đầu hàng!
Theo phản xạ chúng tôi nhảy ào xuống hầm. Anh Tẩm quát:
-Ai! Đi ra! Giơ tay lên!
-Dạ! Em bị gãy giò!
Có bóng đen lệt sệt từ bãi cỏ gianh sau hầm, gần lắm. anh Tẩm bảo:
-Tôi cảnh giới cho! Ông Hậu lên băng cho nó đi!
Tôi xách súng lên khỏi hầm, Tên ngụy cởi trần, giơ cao hai tay lên đỉnh đầu, thớ thịt hai bên má cứ giần giật, run lên vừa rét vừa sợ.
Qua lời khai của tên lính ngụy mới biết tiểu đoàn 5 dù tháo chạy lạc vào điểm chốt của chúng tôi. Tiểu đoàn lệnh cho C5 hành quân truy kích địch theo đường 21. Trung đội trưởng do Đỗ Văn Hoan (Sơn Dương-Lâm Thao-Phú Thọ) dẫn đầu. Khi đi cách chốt trung đội 2 khoảng 50 mét, đến chiếc xe DMC bị chúng tôi bắn cháy hôm trước thì bất ngờ hai chiếc A37 ào đến ném bom. Hoan nhảy xuống ven đường cạnh một trận địa pháo của địch và dính mìn râu tôm, Hoan cùng hai chiến sỹ tử nạn.
Nghe tin trung đội vận tải vừa đưa liệt sỹ về bên kia bãi lầy, tôi chạy sang. Không dám chứng kiến những hòn đất phủ lên thân hình thằng bạn cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày với mình, tôi đi về nơi Hoan chết. Chiếc xe DMC chỉ còn trơ bộ khung sắt thảm hại, xung quanh những thùng thịt hộp cháy nổ tung tóe. Có mấy xác ngụy nằm trên thùng xe bị lửa thiêu trụi phơi bộ xương sườn vừa khét, vừa khẳn. Bên phảiđường là một trận địa pháo của địch bỏ lại. Hai khẩu pháo 105 ly chồm hỗm còn tươi nước sơn. Ven đường, một sợi thép gai căng ngang vẫn còn chiếc bìa các tông vẽ hình đầu lâu người, bên dưới là hàng chữ: CÓ MÌN! Hoan chết ở đây.
Tôi chán nản quay về. Nhớ lại trưa ngày 23 tháng 3 năm 1975. Đại đội 7 và đại đội 5 chia làm hai hướng theo ven đường 21 tiến lên chân đèo MaĐ’rắc. Đội hình nằm trong tầm pháo bầy của địch, đại đội 5 hy sinh 19 cán bộ chiến sỹ, đại đội tôi hy sinh 8 người trong đó có một thông tin 2W và đại đội phó Dỏong (Cao Bằng). Nghĩ đến lúcmình ôm đầu trên bãi cỏ chờ chết, nghĩ đến Lý, đến Hoan. Nhìn thân hình đồng đội bị pháo địch trà đi, sát lại, những cơ thể không còn nguyên vẹn, cứng ngắc, cong queo mà uất lên đến tận cổ. Tại sao tôi lại phải cứu chữa, băng bó cho tên tù binh này nhỉ!? Tôi tức tốc quay về, đi qua xác ba chiếc xe thiết giáp bị cháy đen. Nguyễn Xuân Thanh (Đại Phạm - Hạ Hòa - Phú Thọ) trung đội trưởng vừa bắn chết 5 tên tàn binh chui rúc ven bãi lầy. Tôi nghĩ bụng: Mình về thịt nốt thằng tù binh này đi!
May quá đại đội trưởng và chính trị viên không ai ở nhà, Ngân đang đứng dưới hầm gác tù binh, tôi lặng lẽ xách khẩu AK lên khỏi hầm, mở khóa an toàn đi về phía tên lính ngụy. Có lẽ nó đã chứng kiến toàn bộ cử chỉ và thái độ lạnh lùng của tôi. Thân hình nó trùng xuống, mồm há hốc, mắt nhìn tôi và chuẩn bị đón nhận cái chết. Nhìn vào mắt tên tù binh, bất chợt tôi nhận ra trước mặt mình là một con người, không phảiloài thú dữ thế mà tại sao chúng nó ác ôn như vậy!? Đã có trận chúng tôi bị địch phục kích, một đồng đội bị thương, chúng nó còn chặt đầu mang đi đâu mất. Mắt người biết rằng mình chuẩn bị chết, nó có một luồng sáng, một cái gì đó kỳ lạ lắm. Tôi thở dàichợt hiểu ra rằng: Bóng đêm dễ đồng lõa với tội ác và vì sao mà người ta phải bịt mắt trước khi thi hành án tử hình.
Chiều 30-03-1975 anh Tẩm và anh Mão quyết định tha chết cho tên lính dù này. Nhìn nó cất tờ giấy phóng thích như cất lá bùa hộ mệnh, vội vàng lê xuống chân đồi, bóng nó siêu siêu giống như con sâu đo lết từng bước trên đường 21 dẫn đến một bản nhỏ với mái tôn sáng trắng.
.
Đêm chúng tôi để lại một trung đội chốt đường, hai trung đội hộ tống 6 chiếc xe K63 của ta đi về phía đông đèo. Những xác chết đã được kéo sang ven đường cho xe ta chạy. Phía trước tiếng súng vẫn vọng về ì ầm.
Ngày 31-03-1975 trung đoàn 24 và trung đoàn 28 sư đoàn 10 tiến công tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 6 nhảy dù. Bao vây tiêu diệt lữ bộ lữ dù 3, tiến đánh căn cứ Lam Sơn vàtrung tâm huấn luyện Dục Mỹ.
Tôi đã từng giáp chiến rất nhiều với quân cộng hòa, bảo an, biệt động…hôm nay đối mặt với lính dù ngụy rõ ràng lực lượng này lì lợm và thiện chiến hơn rất nhiều.Trên con đèo hiểm trở dài 15 KM địch chiếm ưu thế về địa hình và hỏa lực, ta không có cách đánh hợp lý là khó tránh khỏi tổn thất. Chúng tôi đã nhịn đói, luồn sâu, biết bao nhiêu hy sinh vất vả để bao vây chia cắt địch theo đúng ý đồ của bộ chỉ huy chiến dịch. Dàn địch mỏng ra để tiêu diệt. Khúc đầu khúc giữa và khúc đuôi cùng oằn lưng mà ăn đòn. Nghĩ lại mới thấy bộ đội ta thông minh mà anh hùng thật.
Thế là chỉ sau 3 ngày đêm chiến đấu liên tục, Sư đoàn 10 đã loại khỏi vòng chiến đấu lữ dù 3, tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn 1 chi đoàn xe thiết giáp, thu 24 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, 84 xe quân sự, toàn bộ vũ khí đạn dược và các trang bị khác của lữ đoàn này, đập tan lá chắn phía tây Ninh Hòa, mở thông đường xuống vùng đồng bằng ven biển. “Lịch sử sư đoàn 10 )
Ngày 02-04-1975 thừa thắng sốc tới, chúng tôi tiến xuống Ninh Hòa, giải phóng Nha Trang và quân cảng Cam Ranh. Chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.