CHIẾN TRẬN VÀ CHUYỆN TÌNH CHEO REO - ĐƯỜNG 7

CHIẾN TRẬN VÀ CHUYỆN TÌNH CHEO REO - ĐƯỜNG 7
Đại tá Khuất Duy Hoan - nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3

Mỗi khi có dịp về lại Ayunpa, đứng bên cầu Sông Bờ, cầu Cây Sung. Ký ức về trận chiến oanh liệt năm xưa lại ùa về rạo rực, ngọt ngào, trẻ trung và sâu lắng. Cái ngày mà chúng tôi còn là những chàng trai trẻ nhưng khá già dặn chiến trận của Trung đoàn 64 – Sư đoàn 320 anh hùng đã phải giành giật với kẻ thù từng giờ để làm nên chiến thắng lịch sử Cheo Reo – Đường 7.
Đầu tháng 3/1975, trong khi đơn vị bạn tiến công giải phóng Thị xã Buôn Ma Thuột thì Trung đoàn 64 của chúng tôi tiến công giải phóng Buôn Hồ và đang phát triển truy quét tàn quân địch ở Chư Pao, Đạt Lý thì nhận được lệnh cấp tốc cơ động về nam Cheo Reo chặn địch rút chạy từ PleiKu. Để chạy đua với thời gian, cấp trên ra lệnh “ Đơn vị nào gặp ô tô thì cơ động trước, đơn vị còn lại thì hành quân bộ, chạy bộ về Cheo Reo càng nhanh càng tốt”. Thế là vừa hành quân vừa quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Chính trị viên Đại đội 7: "Trận đánh này có ý nghĩa quyết định cùng với toàn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên yêu dấu của chúng ta” Ôi! “Giải phóng Tây Nguyên” sao mà lớn lao, thúc dục đến thế. Mấy năm rồi đánh địch ở Chư Nghé, Đồn Tầm, Lê Ngọc chúng tôi mới chỉ mơ ước giải phóng Thanh Bình, Thanh An, Bầu Cạn, nhiều hơn thì giải phóng Pleiku mà thôi.
Ngày 16/3/75 chúng tôi rải quân dọc đường 14 phía Bắc Buôn Hồ chờ xe. Lúc này Tiểu đoàn 9 đã ở gần Cheo Reo rồi. Trung đoàn lệnh hành quân bộ cứ dọc đường 14 mà đi, xe quân sự gặp đơn vị nào đi trước đón trước theo kiểu cuốn chiếu. Hành quân bộ dưới trời nắng nóng, đường xuyên rừng Khộp bụi mù đất đỏ. Đã gần mười ngày đêm truy kích địch không ngủ, chúng tôi dựa vào nhau vừa đi vừa gà gật. Chiều tối đạn pháo địch ầm ầm chặn đường khiến chúng tôi bật tỉnh táo. Xe đổ quân xuống chân núi Chư Be Lang(điểm cao 396) cách Cheo Reo hơn 10km. Lệnh vượt núi ngay trong đêm để sáng mai kịp chặn địch. Dưới ánh lửa lập lòe của những vạt rừng cháy mùa khô ở Tây Nguyên, chúng tôi vượt dãy Chư Niêng với súng đạn nặng trĩu trên vai, mồ hôi đẫm ướt áo quần. Gần sáng thì đến khu rừng Khộp cách cầu sông Bờ gần 2km. Chưa đào xong công sự thì máy bay,pháo binh địch đã bắn phá dọn đường rút chạy. Phía cầu sông Bờ tiếng xe tăng, xe bọc thép của địch gầm rú, tiếng súng pháo của địch, của ta rung chuyển núi rừng. Lính địch cắt rừng tháo chạy gặp đơn vị chúng tôi chặn đánh, chúng chống trả yếu ớt rồi vứt súng đầu hàng. Cả ngày hôm ấy chúng tôi tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch. Đêm xuống chúng tôi cùng các đơn vị bạn chiếm giữ đường 7, tiếp tục bắt tù binh và thu hồi vũ khí quân địch vứt lại bừa bãi trên đường tháo chạy. Trận đánh kết thúc thắng lợi sau gần 3 ngày ác chiến, toàn bộ lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2, Quân khu 2 của địch từ PleiKu rút chạy bị tiêu diệt và bị băt. Ý đồ lui về phòng thủ duyên hải Miền Trung hòng tái chiếm Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh quân sự chính quyền Sài Gòn thất bại. Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng đã tạo nên đột biến chiến lược quan trọng của chiến dịch Đại thắng màu xuân 1975. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Cheo Reo đường 7 ghi nhận sự chỉ huy tài tình, sáng suốt của Bộ Tư Lệnh chiến dịch, ghi nhận chiến công xuất sắc của các Anh Hùng dũng sĩ như: Nguyễn Vi Hợi, Trần Xuân Thiện, Sèn Vạn Vần, Tạ Văn Kính… những người bạn, người đồng đội cùng nhập ngũ với tôi trong đợt tổng động viên tháng 9/1972.
Nhắc đến Cheo Reo – đường 7 luôn là niềm tự hào của chúng tôi, những người lính của Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320 đã cùng với các đơn vị trong đội hình chiến dịch, cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương lập nên chiến thắng lịch sử vang dội ấy. Tôi nhớ mãi lần ra dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Trung tướng Khuất Duy Tiến (Nguyên là thủ trưởng Trung Đoàn, Sư đoàn, Quân đoàn của chúng tôi) hồi cuối năm 2014. Khi nhắc tới kỷ niệm về trận đánh Cheo Reo-đường 7, ông đã nói với chúng tôi rằng “Đó là trận Đại truy kích chiến lược có quy mô lớn nhất trên chiến trường Đông dương đến thời điểm này”. Cùng với kỉ niệm sâu sắc trong trận đánh còn có những câu chuyện thấm đậm tình nhân nghĩa bên dòng sông Ba hiền lành, thơ mộng và cái tên Bến Mộng đầy quyến rũ không biết là có tự bao giờ mà cứ níu kéo lòng người xa xứ đến vậy.
Vào cuối chiều ngày hôm ấy, khi trận đánh kết thúc. Trung đội tôi đang nhiệm vụ truy quét tàn quân địch ở gần bờ sông Ba thì bắt gặp một tên lính ngụy núp trong bụi cây Trâm bầu gần đó, tay ôm khư khư một chiếc làn nhựa. Nghe tôi quát “Giơ tay lên” hắn đặt vội cái làn xuống đất chắp hai tay vái như tế sao, miệng lắp bắp “Con lạy các ông giải phóng, các ông bắt con cũng được, bắn con cũng được nhưng xin hãy tha cho con gái của con được sống làm người” rồi tay run rẩy chỉ vào cái làn, khuôn mặt hốc hác, lem luốc ướt nhoè nước mắt. Chúng tôi nhìn vào làn thì thấy một hài nhi được quấn vụng về trong mảnh áo lính. Tên lính Nguỵ kể tiếp :” Con là lính Quân đoàn 2 cùng vợ chạy từ Pleiku xuống đây, dọc đường vợ con sổ dạ sinh ra đứa bé này rồi chết luôn”. Chợt có tiếng đạn pháo rít trên đầu, như một phản xạ tự nhiên cả năm anh em chúng tôi cùng khom lưng cúi xuống che cho cái làn. Anh Luật trung đội trưởng bảo “ Cậu Luân chữ đẹp viết cho nó cái giấy chứng nhận Quân giải phóng đã tha để nó vào ấp xin sữa bú cho con. Còn các cậu có gì ăn được thì bỏ cả ra đây!”. Thế là đứa hộp sữa, đứa thỏi lương khô, chúng tôi gom lại đưa cho tên lính Nguỵ. Tôi móc trong đáy ba lô ra tờ 10 đồng tiền miền Bắc đưa cho hắn và bảo : “ Cất đi biết đâu có ngày dùng được”. Tên lính Ngụy ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi sụp lạy và liêu xiêu vội vã xách cái làn có đứa trẻ chạy vào trong buôn trước những ánh mắt thương cảm và ái ngại của chúng tôi. Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, không biết người lính ấy, đứa con gái ấy đang làm gì, sống ở đâu. Chỉ nhớ rằng ngày ấy chúng tôi đã làm được một việc nhân nghĩa của người chiến sĩ giải phóng là tha cho một tên lính bại trận và một đứa trẻ vô tội được sống làm người.
Đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì đơn vị chúng tôi lại súng đạn lên đường tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ Quốc tế trên đất nước Cam Pu Chia rồi cơ động ra làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Hơn 12 năm sau trở lại Tây Nguyên đơn vị chúng tôi lại về đóng quân chính tại nơi diễn ra trận truy kích chiến lược Cheo Reo – đường 7 năm xưa. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa bàn chiến lược Tây Nguyên, nhiều anh em cán bộ trong dơn vị đưa gia đình, vợ con vào sinh sống tại địa phương nơi đóng quân. Năm 1993 tôi cũng chuyển gia đình từ Thái Nguyên vào thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai. Nhờ các đồng nghiệp của vợ giới thiệu, tôi tìm tới hỏi mua căn nhà nhỏ số 64A trên đường Phan Bội Châu, thành phố PLeiKu. Chủ nhà là ông Nguyễn Thanh, quê ở Hòa Vang Tỉnh Quảng nam - Đà nẵng, làm nghề lái xe khách.Vợ ông là Phạm thị Hà Hương, quê ở Đức tôn, tỉnh Đồng Tháp. Qua câu chuyện tìm hiểu được biết tháng 3 năm 1975 gia đình ông cũng trong đoàn người chạy di tản từ Pleiku về Cheo Reo, khi bị quân giải phóng chặn đường thì cả nhà ông cùng nhiều người dân khác quay trở lại Pleiku, trên đường về gặp một cháu bé gái bị bỏ lại nằm khóc bên đường 7, vợ chồng ông mang đứa bé về nuôi dưỡng, chẳng ngờ mấy chục năm sau nhờ kết nối mà một người lính Mỹ trở lại tìm tới nhà ông xin nhận lại đứa con của mình rồi bảo lãnh cho gia đình ông sang Mỹ định cư theo chính sách nhân đạo của nhà nước ta đối với diện xuất cảnh cùng đứa con lai. Khi biết tôi có mặt trong đội quân chặn địch ở Cheo Reo, ông chân thật tâm sự : “Trong những ngày đạn bom tang tóc ở đường 7 - Cheo Reo, tôi chứng kiến bộ đội giải phóng rất là nhân đạo, họ nhường đồ ăn, nước uống cho dân, lại còn đỡ đẻ cho phụ nữ trong khe suối nữa. Cảm ơn bộ đội giải phóng, cảm ơn chú đã giúp gia đình tôi có được cơ hội như ngày nay”.Tôi thì tin vợ chồng ông cũng hiểu được rằng chính cái tình người trong ông bà đã có được cơ hội này. Mua lại căn nhà của họ, gia đình tôi đã sống hơn hai mươi năm an lành, hạnh phúc. Con cái khôn lớn, trưởng thành.
Đầu năm 2014. Tôi cùng nhóm phóng viên truyền hình Quân đội trở lại Ayunpa làm phóng sự về trận đánh của đơn vị năm xưa trên đường 7 - Cheo Reo. Tiếp xúc với các nhân chứng lại có thêm những chuyện tình mới nữa. Đó là câu chuyện của cô Nguyễn thị Yến ở phường Sông Bờ, mới 5 ngày tuổi bị bỏ rơi tại nhà Bảo sanh đã được bà Văn thị Liễu mang về nuôi dưỡng,lớn lên được mẹ nuôi cho nhà cửa,cho đất sản xuất,được dựng vợ gả chồng,có con trai đi bộ đội tại Quân đoàn 3 vừa mới xuất ngũ về địa phương. Đến bây giờ cũng chẳng biết bố mẹ là sao,chỉ nghe mẹ nuôi và dân làng kể lại rằng người mẹ đẻ đã bị một lính ngụy kéo lên xe tháo chạy. Đến buôn Phu Ma Miong, xã IarTô, gặp một cô gái bị bỏ rơi lúc 5 tuổi đã được một gia đình người dân tộc cưu mang và đặt cho cái tên là Kso Hyer, vốn gốc là người Kinh nhưng nói tiếng phổ thông không sõi bằng tiếng Giakrai “Có cuộc sống đầy đủ trên mảnh đất này. Được sống với đồng bào nơi đây tôi rất vui, cảm thấy mình may mắn lắm rồi…”. Trung tá Phan Cự Hảo chủ tịch hội cựu chiến binh huyện Ayunpa ( Nguyên là cán bộ chính trị của sư đoàn 320, cũng là người trực tiếp tham gia trận đánh tại đây năm xưa) cho chúng tôi biết còn hàng chục đứa trẻ ngày ấy có gốc gác từ Pleiku, Kon Tum, Bình Định bị bỏ rơi và thất lạc trong trận tháo chạy khỏi Tây Nguyên của quân địch qua đây được người dân địa phương cưu mang nay cũng đã lớn khôn,được dựng vợ gả chồng, chăm chỉ làm ăn, có cuộc sống khá giả muốn tìm lại gia đình nhưng cũng rất mơ hồ lắm
Tháng tư năm 2019,nhân dịp cùng với Nguyễn Trọng Luân và Trần Tiến Hoạt vào làm việc với chỉ huy,cơ quan cùng các đơn vị của Sư đoàn 320 bàn về việc viết bài cho Ban liên lạc xây dựng cuốn sách tập 3 “ Chiến công và nghĩa tình”.Được chỉ dẫn của anh em CCB trong Ban liên lạc Đại đoàn Đồng bằng-Sư đoàn 320 ở Hải Phòng, tôi tìm tới địa chỉ 154 Hùng Vương.Pleiku tìm gặp cô chủ một cửa hàng tạp hóa, người cùng phố có con cháu là học trò của vợ tôi ngày trước, dạy tại trường THCS Nguyễn Huệ. Thành phố Pleiku, chút ngỡ ngàng qua nhanh, cô kể cho tôi nghe một cách rành rọt: Em quê ở Bình Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Kon Tum, bữa ấy cùng với em gái là Phan Thị Tuyết, sinh 1960 theo đoàn người di tản chạy từ Kon Tum qua Pleiku tới Phú Bổn thì gặp giao tranh giữa quân giải phóng và quân lính Sài Gòn rút chạy trên đường 7, chẳng may em bị trúng đạn xuyên vào mông, máu chạy be bét được mọi người dìu chạy vào rừng. May sao gặp đúng trạm quân y của quân giải phóng, dù rất sợ hãi nhưng vì đau quá em đành cứ nhắm mắt để các bác sĩ “Cộng sản” cứu chữa. Thế rồi những lời an ủi động viên và sự quan tâm chăm sóc của các bác sĩ giải phóng đã ngay lập tức tan biến trong em mọi sợ hãi, hoài nghi. Mấy ngày ngắn ngủi tại đây em chứng kiến các anh cứu chữa, chăm nuôi cho nhiều người dân khác bị ốm đau. Do chạy loạn, đồ đạc mất hết, các anh đi thu gom quần áo, dầy dép bị bỏ lại dọc đường rồi may vá sửa chữa cho chị em chúng em dùng tạm. Khi đơn vị rời đi chỗ khác, các anh cho xe chở bàn giao cho viện dân ở Cheo Reo. Tình cảm của các anh ngày ấy cứ sống mãi trong lòng chị em. Mãi sau này mới biết các anh là trạm quân y của Sư đoàn 320 và cũng chỉ nhớ hai anh tên là Hiên và anh Tưởng. Sau giải phóng về công tác tại sở văn hóa thông tin tỉnh Gai lai-Kon tum em vẫn thường kể cho mọi người nghe lại chuyện chạy “Cộng sản” tháng 3 năm 1975, còn nhớ mãi câu nói thật xúc động và…dễ thương của mấy anh rằng “Đây là lần đầu tiên được nhìn thấy cô gái miền Nam xinh đẹp thế này”.
Hơn 44 năm đã qua rồi. Bên dòng sông Ba con người, cảnh vật, cuộc sống ở đây giờ đã thay đổi rất nhiều, nhưng trong ký ức những người lính trận năm xưa ấy khi có dịp trở lại nơi đây bất chợt hiện về hình ảnh những đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này để đổi lấy chiến thắng oanh liệt, tô thắm thêm truyền thống của Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320 anh hùng và để chúng tôi tiếp tục được sống, chiến đấu và trưởng thành. Hàng năm cứ đến những ngày tháng 3, thấp thoáng trong các buôn làng Giarai, những người con lưu lạc năm nào lại đứng bên dòng sông Ayun đau đáu nỗi niềm khát khao hy vọng mong manh tìm về nguồn cội của mình làm nên những câu chuyện tình bên dòng sông Ba thơ mộng.
Hà Nội tháng tư 2019