KÝ ỨC THÁNG TƯ
Nguyễn Trọng Luân
... Lại một cú điện thoại. Và ở đầu dây bên kia vang lên tiếng một đồng đội mà đã hàng chục năm nay tôi chưa hề gặp lại . - A lô ... Luân “ đen “ đấy à ...Đừng ngạc nhiên khi tớ tăm được số điện thoại của cậu nhé . Hôm nay là ngày nào, nhớ không ?
Hôm nay là ngày 3-4...sao tôi có thể quên? Đó là cái ngày mà sư đoàn chúng tôi được lệnh rời Tuy Hoà quay lại Tây Nguyên để bắt đầu cuộc hành quân lớn vào một chiến dịch lớn mà sau này chúng tôi mới biết là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh ! Chúng tôi lại hành quân ngược trở lại con đường 7 hãi hùng và khủng khiếp, con đường chôn vùi vĩnh viễn số phận quân đoàn 2 nguỵ Sài Gòn. Có lẽ đây là một cuộc truy kích vĩ đại nhất, triệt để nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta cho đến ngày hôm nay. Đi trở lại con đường này, chúng tôi không khỏi bàng hoàng vì sự điêu tàn, chết chóc của chiến tranh. Xác người thối rữa hai ven đường, cả trong rừng, bờ sông, bờ suối. Hàng vạn người di tản còn kẹt lại dọc con đường máu lửa. Xe tăng, xe ô tô cháy thui, đồ đạc ngổn ngang khắp bờ khắp bụi. Hàng trăm xe tăng, xe cơ giới, hàng chục khẩu pháo 155 , 175 li vẫn còn ngổn ngang trên đường. Có lẽ việc thu dọn chiến trường, bao gồm cả việc thu chiến lợi phẩm phải kéo dài tới cả tháng trời. Khối lượng nặng nhọc nhưng vui vẻ ấy đã được giao lại cho các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương vùng mới giải phóng. Còn cánh lính chủ lực chúng tôi phải khẩn trương cho một hành trình mới.
Chỉ có 3 ngày để làm mọi thủ tục, họp hành, giải quyết thương binh tử sĩ và lấy gạo, đạn để tiếp tục hành quân vào chiến dịch mới. Chúng tôi nhẩy cẫng lên reo mừng khi biết tin lần này toàn sư đoàn được hành quân bằng toàn xe cơ giới. Chuyện này ngày hôm nay mà nhắc lại chắc cánh lính trẻ sẽ cười thầm mà bảo rằng “ Trời ạ ......tưởng kí ức của các cụ có những chuyện gì ghê gớm chứ cái chuyện được đi ô tô thì có gì mà phải đáng nhớ ! “. Nhưng bởi chúng tôi là những người đã vượt Trường Sơn bằng chính đôi chân của mình, đã hành quân băng rừng từng truy kích đội hình tháo chạy bằng xe cơ giới từ Tây Nguyên xuống tận bờ biển Đông, đến nỗi chân người nào cũng đều sưng tấy lên, tơ tướp ra, nên chuyện được hành quân bằng ô tô, với đội hình toàn sư đoàn là chuyện ghê gớm lắm ! Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết bằng cách nào mà bỗng chốc Bộ Tư Lệnh mặt trận kiếm được cả một rừng ô tô như vậy ?... Đêm xuống, cả đoàn xe rùng rùng lên đường. Hình ảnh những đoàn xe phủ lá nguỵ trang rầm rập vượt qua những đỉnh núi lúc hoàng hôn mới hùng vĩ làm sao? Bỗng chúng tôi cùng cất tiếng hát. Hát hết bài này bài khác. Những bài hát nhiều khi chẳng ăn nhập gì với cuộc hành quân vĩ đại này cả, thậm chí có cả ... bé bé bằng bông ...bà còng đi đón cơn mưa ... Kệ, cứ hát, chẳng quan trọng gì miễn là được hát vang giữa núi rừng và không nghe thấy cái khẩu lệnh quen thuộc vẫn phả vào tai nhau trong bao đêm tiếp cận “ truyền xuống ! lệnh của chỉ huy ...tuyệt đối im lặng ! Bây giờ thì ngược lại, hãy hét thật to lên các bạn !
Khuya, xe vào thành phố Ban mê Thuột. Điện sáng, hàng quán nhộn nhịp, lẫn trong đông đảo sắc màu là áo lính. Lạ quá, một thành phố vừa mới được giải phóng mà đã gần gũi thân thương với chúng tôi đến thế. Ngàn bàn tay vẫy theo đoàn xe . Chúng tôi cũng hò reo vẫy lại, như để chia tay người thân. Anh nào anh nấy nhao ra nhìn con gái. Sao mà họ ăn mặc đẹp thế. Lại cả váy ngắn áo pun, ai nấy cứ nao nao cả người. Tạm biệt các em nhé, em gái Ban Mê. Bọn anh tặng các em thành phố vừa được giải phóng. Thành phố cao nguyên đẹp làm sao. Tuy vậy những dấu tích của chiến trận vẫn còn nguyên đó . Xác xe tăng , xe cơ giới nằm ngổn ngang . Nhiều dẫy nhà đổ nát. Sân bay Hoà Bình vẫn còn cháy âm ỉ . Những người không còn nhà cửa cắm lều lán nằm nhung nhúc ngoài vườn hoa, công viên và những công sở cũ. Chúng tôi biết rằng còn quá nhiều điều phải làm đối với một thành phố vừa qua một cơn binh lửa. Nhưng cuộc sống rồi sẽ hồi sinh. Ban Mê Thuột sẽ lại trở thành một hòn ngọc của cao nguyên trong tương lai không xa. Chợt có tiếng ai đó thì thầm bên tai tôi - Cậu có biết không? Có một tiểu đội đặc công của ta đã hi sinh đến người cuối cùng khi đánh vào sân bay này năm 1972. Chúng tôi biết, hồi đó chúng tôi đang chiến đấu tại mặt trận Kon tum, những chiến sĩ đặc công đã đánh vào sân bay này để thu hút lực lượng địch, chia lửa với chúng tôi . Tôi nói lại điều ấy với người đồng đội vừa nhắc tôi nhớ tới chiến công của 5 chiến sĩ đặc công . Nhưng thật bất ngờ, khi tôi nghe tiếng anh thoảng bên tai : - Anh trai mình là một trong số năm chiến sĩ đặc công anh dũng đó ! ... Khuya lắm, trên đường xuống Đức Lập xe ùn lại, chen nhau. Những đơn vị lính bắc mới vào dạt ra ưu tiên cho đoàn tôi tiến lên. Xa thành phố, trời vút lên cao đen thẫm. Gío lùa vào xe mát lạ thường. Tranh thủ ngủ mà không ngủ được. Nhìn lại phía sau, đèn pha vạch một đường đỏ quạch bụi đất. Đại bác vẫn nổ đì đùng xa xa. Chẳng hiểu đạn ta hay địch . Đêm nay là đêm thứ hai hành quân về phía nam. Tôi cứ có cảm giác những khu rừng già cứ lùi về phía sau, còn trước mặt cao nguyên dần thấp xuống. Bên cạnh tôi, anh Phạm Long Tuần ngủ rồi. Đầu ngoẹo vào vai tôi nặng chĩu. Trông lúc này anh ấy trẻ lại đúng với cái tuổi 26 của mình. Khuôn mặt thật hiền của chàng trai Kinh bắc chẳng giống như lúc nổ súng thoắt trở thành người tiểu đoàn trưởng già đanh lại. Chợt bật cười khi nhớ lại hình như tôi có đọc ở đâu đó một câu thơ nói rằng các anh đang trẻ lại cùng những chiến công. Bậy, người ta đang già đi qua mỗi chiến công thì có ! Chỉ có những người bạn của chúng tôi đã ngã xuống trên cao nguyên này là trẻ mãi. Họ không bao giờ già thêm được nữa.
Bây giờ đại đội tôi vơi đi quá nửa. Nhớ chúng nó quá. Đánh bao nhiêu trận cùng nhau, rồi tôi phải chia tay đại đội về làm A trưởng trinh sát tiểu đoàn thay cho Mạnh Tiêu bị thương hôm 23/3 ở Củng sơn. Cái hôm nghe Tiêu bị thương lũ lính Sinh viên buồn thiu. Buổi chiều hôm ấy, mặt trời đỏ như lửa. ăn bữa cơm chia tay với trung đội trong vạt rừng ô rô gần Hòn Một. Bữa cơm có cả một con lợn con nướng. Tôi đã phải bò ra cánh đồng dưới tầm đạn đại liên từ trực thăng địch đang bắn khống chế để mang về hai "rùa" nước cho chúng nó mổ lợn .Chập tối thì chia tay . Vậy mà bây giờ thằng Độ Thường tín, thằng Đàm Thái bình đã hi sinh. C7 mất ở đèo Cả mười ba đứa. Nghĩ tới chúng nó lòng tôi lại nôn nao.
Đêm ấy đêm đầu tiên dẫn tiểu đoàn vượt quốc lộ 1, bò dọc đường xe lửa qua cầu Giục Kinh vào chiếm lĩnh điểm cao chân đèo Cả. Đã mấy năm ở rừng, giờ mới thấy đồng lúa tít tắp. Và gió. Gió biển rười rượi như tưới vào da thịt khô nẻ bấy nay cái mát mẻ mằn mặn mùi biển. Lính căng lồng ngực mà hít. Cái mùi cỏ mùi bùn giống quê mình đến thế. Bất ngờ pháo địch ở cầu Bàn Thạch nã vào cánh đồng đội hình đang bò. May mà chả thằng nào chết , chỉ có thằng bỏ chạy tới sáng hôm sau cũng mò về được đại đội. Đêm ấy nhiều muỗi thế, có thể bốc hàng nắm. Chỉ khổ mấy thằng lính thông tin ngồi cho muỗi thử máu. Hai ngày sau đánh dứt điểm Tuy Hoà. Thế là vùng duyên hải Phú Yên hoàn toàn giải phóng ...Nhưng chặng đường đuổi giặc từ Tây nguyên xuống ven biển cũng không ít hi sinh. Hôm chôn mấy đứa trong trận Tuy Hoà, có thằng còn tếu táo : "Nói gì thì nói những thằng này vẫn sướng hơn những đứa chết trên rừng Tây Nguyên cả ngàn lần ! nằm đây coi như nghỉ mát muôn thuở rồi còn gì !”
Có lẽ đêm nay tất cả những thằng nằm trong những cánh rừng khộp, rừng le, hay trên những đỉnh cao chót vót của vùng bắc Kon Tum, trên những cánh rừng đuổi giặc, và kể cả những thằng được nằm bên bờ biển ...đều thao thức dõi theo bước hành quân của sư đoàn vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu có điều gì đáng tiếc nhất với họ thì có lẽ chính là họ đã không được cùng chúng tôi tham gia vào cuộc hành quân kì vĩ này.
Nửa đêm ngày 10/4 năm ấy chúng tôi hành quân tới Đức Lập , một huyện lị phía nam Đak Lak. Xe dừng ở một bãi gỗ . Đèn xe, đèn nhà dân, hàng quán đỏ quạch như một nhà ga thời chiến ngoài Bắc. Tôi tìm được một của hàng tạp hoá hỏi mua một ít rượu trắng. Đưa một ngàn tiền Trần Hưng Đạo, ông chủ hỏi :
- Mua cả à ?
- Mua cả !
- Đựng vào đâu?
- Làm ơn kiếm dùm tôi cái gì đó ...
Cô con gái đưa ra một cái can loại mười lít. Trời ơi ! Ai uống hết ngần này rượu lúc hành quân? Cả chủ và khách đều cười ồ. Đêm ấy cả xe say ngất ngư
12/ 4/1975, xe tới một cánh rừng bằng phẳng toàn cây cổ thụ. Những vạt rừng xanh ngắt như đốm vằn trên lưng hổ cao nguyên. Trời nắng to. Đoàn xe ẩn mình dưới tán lá cao vút . Ve kêu râm ran. Có tới hàng ngàn con ve sầu từ trên cao buông những âm thanh như có dây có dợ quấn vào nhau rối mù trong nắng gió. Lũ ve hễ kêu là đái. Nằm ngửa trên võng hứng lấm tấm hạt mưa giữa trưa nắng vàng, thứ mưa của sự bài tiết tí xíu của loài ve. Nằm đó mà không ngủ được, đầu óc cứ ong ong, nghĩ mông lung về chiến dịch sắp tới. Sẽ là những trận đánh nhớ đời, nhất định rồi, nhưng đã phải là những trận đánh cuối cùng chưa thì chưa ai dám chắc?
Chiều tối hôm đó chúng tôi dừng chân ở Bù Đốp. Đây còn gọi là thủ đô của vùng giải phóng. các cơ quan làm việc trong rừng nhưng chế độ giống như ngoài Bắc. Dân ở đây hầu hết là người dân tộc. Cũng có trường cấp 1,2 mà giáo viên toàn là thầy cô giáo dậy giỏi đưa từ ngoài Bắc vào. Thật không thể tưởng tượng, sống ở đó có một đêm mà quên mất mình đang trên đường chiến đấu. Tôi và Ngô Thịnh vào một lớp học, hai đứa thay nhau đứa làm trò đứa làm thầy ngồi trước bảng đen cho đỡ nhớ trường lớp sau bốn năm xa cách. Trưa hôm sau xe tới ngã ba Lộc Tấn. Một cánh rừng cao su rộng mênh mông chứa tới cả ngàn xe ô tô , pháo lớn , xe tăng tụ hội . Đây mới thật là thần thái của câu thơ “ đường ra trận vui như trẩy hội “ của nhà thơ nào nhỉ ? Không nhớ nữa, hoặc giả chẳng phải là một câu thơ cũng nên !
...Mười giờ trưa có lệnh gọi tôi quay về C7 để làm lễ kết nạp đảng viên. Hôm ấy có bốn đứa được vào đảng. Cờ đảng bé tí xíu được cài vào thân cây cao su. Mọi người ngồi dưới cỏ, bí thư chi bộ và những người được tuyên bố kết nạp thì đứng . Lễ kết nạp chỉ diễn ra chừng hai mươi phút rồi ai lại vào việc nấy. Giờ phút thiêng liêng của đời người chiến sĩ Cộng sản chỉ có thế thôi sao? Đang trên đường vào trận, vẽ vời mà làm gì? Khi đứng trước Đảng kỳ, nhìn những người bạn cùng vào sinh ra tử đang sánh vai cùng mình, lại nghĩ về những đứa đã nằm lại đâu đó trên cao nguyên mà Đảng chưa kịp ghi tên họ vào đội ngũ, mặc dù họ rất xứng đáng là những đảng viên, tôi biết từ nay mình sẽ phải sống xứng đáng hơn với họ ...
" Hôm ấy nhằm ngày 14/4/1975. Một ngày tháng tư đẹp nhất cuộc đời của mình, quên làm sao được? Tôi lật tờ lịch trên bàn làm việc, không thấy có cuộc hẹn nào với bạn bè. Chúng nó không thèm nhớ gì tới cái ngày tháng tư đẹp nhất của đời mình hay sao ? Thế thì tệ thật. Đã vậy thì ...đến lượt mình phải nhắc. Tôi nghĩ vậy và vội vàng cầm máy bấm liền hơn chục số điện thoại để tổ chức một buổi gặp mặt. Thời đại thông tin, cũng hay thật. Muốn gặp nhau chỉ cần bấm máy rồi tìm một kẽ hở thời gian ..."
Mờ sáng 15/4 /1975 xe dừng trong một khu rừng rậm ở Chơn Thành nhưng cây cối chỉ cao năm, bẩy mét. Lệnh hành quân bộ khẩn cấp để xe ô tô quay lại trước khi trời sáng r. Bộ đội hành quân không kịp dàn đội hình, cứ bám nhau đi như ma đuổi. Tôi chạy vượt lên đầu để cùng tham mưu trưởng dẫn đường. Lúc 7 giờ sáng gặp một đơn vị pháo binh 130 mới từ Bắc vào trông khí thế lắm, nhưng mất trật tự kinh khủng. Xe pháo chềnh ềnh giữa đường không thèm nguỵ trang. Lính tráng thì nằm ngồi ngổn ngang , lại còn lừng phừng đàn ghi ta nữa mới bỏ mẹ. Tôi túm lấy một tay trông có vẻ cán bộ nói : “ ông nguỵ trang cho pháo đi, và cho lính tản ra, L19 nó đang soi trên đầu kia kìa “ . Tay cán bộ khinh khỉnh. Kinh nghiệm cho hay phải tránh xa cái tụi lính ngố này ngay. Tôi vội bàn với anh Tuần ra lệnh :
-Tiểu đoàn 8 vận động !
Thế là cả tiểu đoàn chạy thục mạng. Mới được hơn cây số đã nghe tiếng sèo sèo bụp, chết bỏ mẹ rồi - đạn khói. Bộ đội dạt vào rừng, chỉ hai , ba phút sau pháo địch cấp tập rót ngay vào khu rừng mới đi qua ... cánh pháo binh ăn đủ rồi. Đúng lúc ấy gặp 2 thằng trinh sát của tôi là Viên và thằng Tiến US đi trước ra đón. Ba thằng quăng ba lô lao vào rừng, chúi mặt trên đất. Đại bác nổ inh tai. Cành cây rơi đè lên người . Nằm không ngóc đầu lên được, thằng nào cũng tưởng chết đến nơi. Nửa tiếng sau, chúng nó mới ngớt bắn .
Từ trong đám cây đổ nát đặc quánh khói đạn chui ra , cả khu rừng lúc trước xanh um bây giờ trơ trụi. Cây cối như bị cầm cưa mà cắt ngang lưng . Một vài chiếc xe kéo pháo cháy nghi ngút ... Cánh lính pháo binh bị thương khá nhiều. Tôi móc được ba lô xách súng nhằm phía rừng còn xanh mà chạy . Ra đến đoạn suối rộng thấy ngót một tiểu đội khoả thân chạy như bị trâu cà. Hoá ra tụi công binh 17 đến từ đêm, đào hầm cho E bộ xong ra suối tắm thì gặp pháo kích. Không chú nào còn quần áo cứ thật thà mà chạy về đơn vị. May mắn nhất là anh chàng Hộ ( người Lâm Thao ) còn kịp nhặt cái xoong quân dụng úp vào bộ hạ chạy về tới kiềng vẫn líu cả lưỡi.
Ai bảo đường ra trận vui như trẩy hội nữa đi ? Coi thường địch bao nhiêu cũng phải trả giá thôi !
Nơi đóng quân hôm nay là kiềng cũ của sư đoàn 9 chủ lực miền. Khi chiến dịch Tây nguyên nổ ra họ cũng đã lật cánh đâu về mạn miền Đông. Chắc họ bám trụ ở đây cũng lâu , vườn rau vẫn còn tươi tốt lắm. Cà ớt rau dền nhiều vô kể . Hầm hố còn kiên cố và sạch sẽ , nhưng nước nôi thì khan hiếm . Ở đây họ dùng nước giếng. Có những cái giếng sâu tới 4, 5 mét đào theo kiểu miền bắc, kéo bằng cần vọt. Tối đến pháo lại bắn dữ dội ngoài trảng rừng lúc sáng. Kệ mẹ nó, bây giờ thì tha hồ cho mày bắn. Họp tiểu đội xong mắc võng đánh một giấc, nhưng tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Tụi nó tán phét tới khuya thì mưa to. Đúng lúc ấy có lệnh đi lấy gạo. đường thì tối om lại không thuộc địa hình ngã lên ngã xuống tới gần sáng mới về, ướt như chuột lụt . Lính tây Nguyên dù lâu nay không còn bị đói nữa nhưng thấy gạo mắt cứ sáng lấp lánh quên cả mệt. Lạ thay đêm đó tôi chỉ nằm mơ toàn thấy gạo là gạo ...
Hôm nay là ngày 3-4...sao tôi có thể quên? Đó là cái ngày mà sư đoàn chúng tôi được lệnh rời Tuy Hoà quay lại Tây Nguyên để bắt đầu cuộc hành quân lớn vào một chiến dịch lớn mà sau này chúng tôi mới biết là chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh ! Chúng tôi lại hành quân ngược trở lại con đường 7 hãi hùng và khủng khiếp, con đường chôn vùi vĩnh viễn số phận quân đoàn 2 nguỵ Sài Gòn. Có lẽ đây là một cuộc truy kích vĩ đại nhất, triệt để nhất trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta cho đến ngày hôm nay. Đi trở lại con đường này, chúng tôi không khỏi bàng hoàng vì sự điêu tàn, chết chóc của chiến tranh. Xác người thối rữa hai ven đường, cả trong rừng, bờ sông, bờ suối. Hàng vạn người di tản còn kẹt lại dọc con đường máu lửa. Xe tăng, xe ô tô cháy thui, đồ đạc ngổn ngang khắp bờ khắp bụi. Hàng trăm xe tăng, xe cơ giới, hàng chục khẩu pháo 155 , 175 li vẫn còn ngổn ngang trên đường. Có lẽ việc thu dọn chiến trường, bao gồm cả việc thu chiến lợi phẩm phải kéo dài tới cả tháng trời. Khối lượng nặng nhọc nhưng vui vẻ ấy đã được giao lại cho các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương vùng mới giải phóng. Còn cánh lính chủ lực chúng tôi phải khẩn trương cho một hành trình mới.
Chỉ có 3 ngày để làm mọi thủ tục, họp hành, giải quyết thương binh tử sĩ và lấy gạo, đạn để tiếp tục hành quân vào chiến dịch mới. Chúng tôi nhẩy cẫng lên reo mừng khi biết tin lần này toàn sư đoàn được hành quân bằng toàn xe cơ giới. Chuyện này ngày hôm nay mà nhắc lại chắc cánh lính trẻ sẽ cười thầm mà bảo rằng “ Trời ạ ......tưởng kí ức của các cụ có những chuyện gì ghê gớm chứ cái chuyện được đi ô tô thì có gì mà phải đáng nhớ ! “. Nhưng bởi chúng tôi là những người đã vượt Trường Sơn bằng chính đôi chân của mình, đã hành quân băng rừng từng truy kích đội hình tháo chạy bằng xe cơ giới từ Tây Nguyên xuống tận bờ biển Đông, đến nỗi chân người nào cũng đều sưng tấy lên, tơ tướp ra, nên chuyện được hành quân bằng ô tô, với đội hình toàn sư đoàn là chuyện ghê gớm lắm ! Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết bằng cách nào mà bỗng chốc Bộ Tư Lệnh mặt trận kiếm được cả một rừng ô tô như vậy ?... Đêm xuống, cả đoàn xe rùng rùng lên đường. Hình ảnh những đoàn xe phủ lá nguỵ trang rầm rập vượt qua những đỉnh núi lúc hoàng hôn mới hùng vĩ làm sao? Bỗng chúng tôi cùng cất tiếng hát. Hát hết bài này bài khác. Những bài hát nhiều khi chẳng ăn nhập gì với cuộc hành quân vĩ đại này cả, thậm chí có cả ... bé bé bằng bông ...bà còng đi đón cơn mưa ... Kệ, cứ hát, chẳng quan trọng gì miễn là được hát vang giữa núi rừng và không nghe thấy cái khẩu lệnh quen thuộc vẫn phả vào tai nhau trong bao đêm tiếp cận “ truyền xuống ! lệnh của chỉ huy ...tuyệt đối im lặng ! Bây giờ thì ngược lại, hãy hét thật to lên các bạn !
Khuya, xe vào thành phố Ban mê Thuột. Điện sáng, hàng quán nhộn nhịp, lẫn trong đông đảo sắc màu là áo lính. Lạ quá, một thành phố vừa mới được giải phóng mà đã gần gũi thân thương với chúng tôi đến thế. Ngàn bàn tay vẫy theo đoàn xe . Chúng tôi cũng hò reo vẫy lại, như để chia tay người thân. Anh nào anh nấy nhao ra nhìn con gái. Sao mà họ ăn mặc đẹp thế. Lại cả váy ngắn áo pun, ai nấy cứ nao nao cả người. Tạm biệt các em nhé, em gái Ban Mê. Bọn anh tặng các em thành phố vừa được giải phóng. Thành phố cao nguyên đẹp làm sao. Tuy vậy những dấu tích của chiến trận vẫn còn nguyên đó . Xác xe tăng , xe cơ giới nằm ngổn ngang . Nhiều dẫy nhà đổ nát. Sân bay Hoà Bình vẫn còn cháy âm ỉ . Những người không còn nhà cửa cắm lều lán nằm nhung nhúc ngoài vườn hoa, công viên và những công sở cũ. Chúng tôi biết rằng còn quá nhiều điều phải làm đối với một thành phố vừa qua một cơn binh lửa. Nhưng cuộc sống rồi sẽ hồi sinh. Ban Mê Thuột sẽ lại trở thành một hòn ngọc của cao nguyên trong tương lai không xa. Chợt có tiếng ai đó thì thầm bên tai tôi - Cậu có biết không? Có một tiểu đội đặc công của ta đã hi sinh đến người cuối cùng khi đánh vào sân bay này năm 1972. Chúng tôi biết, hồi đó chúng tôi đang chiến đấu tại mặt trận Kon tum, những chiến sĩ đặc công đã đánh vào sân bay này để thu hút lực lượng địch, chia lửa với chúng tôi . Tôi nói lại điều ấy với người đồng đội vừa nhắc tôi nhớ tới chiến công của 5 chiến sĩ đặc công . Nhưng thật bất ngờ, khi tôi nghe tiếng anh thoảng bên tai : - Anh trai mình là một trong số năm chiến sĩ đặc công anh dũng đó ! ... Khuya lắm, trên đường xuống Đức Lập xe ùn lại, chen nhau. Những đơn vị lính bắc mới vào dạt ra ưu tiên cho đoàn tôi tiến lên. Xa thành phố, trời vút lên cao đen thẫm. Gío lùa vào xe mát lạ thường. Tranh thủ ngủ mà không ngủ được. Nhìn lại phía sau, đèn pha vạch một đường đỏ quạch bụi đất. Đại bác vẫn nổ đì đùng xa xa. Chẳng hiểu đạn ta hay địch . Đêm nay là đêm thứ hai hành quân về phía nam. Tôi cứ có cảm giác những khu rừng già cứ lùi về phía sau, còn trước mặt cao nguyên dần thấp xuống. Bên cạnh tôi, anh Phạm Long Tuần ngủ rồi. Đầu ngoẹo vào vai tôi nặng chĩu. Trông lúc này anh ấy trẻ lại đúng với cái tuổi 26 của mình. Khuôn mặt thật hiền của chàng trai Kinh bắc chẳng giống như lúc nổ súng thoắt trở thành người tiểu đoàn trưởng già đanh lại. Chợt bật cười khi nhớ lại hình như tôi có đọc ở đâu đó một câu thơ nói rằng các anh đang trẻ lại cùng những chiến công. Bậy, người ta đang già đi qua mỗi chiến công thì có ! Chỉ có những người bạn của chúng tôi đã ngã xuống trên cao nguyên này là trẻ mãi. Họ không bao giờ già thêm được nữa.
Bây giờ đại đội tôi vơi đi quá nửa. Nhớ chúng nó quá. Đánh bao nhiêu trận cùng nhau, rồi tôi phải chia tay đại đội về làm A trưởng trinh sát tiểu đoàn thay cho Mạnh Tiêu bị thương hôm 23/3 ở Củng sơn. Cái hôm nghe Tiêu bị thương lũ lính Sinh viên buồn thiu. Buổi chiều hôm ấy, mặt trời đỏ như lửa. ăn bữa cơm chia tay với trung đội trong vạt rừng ô rô gần Hòn Một. Bữa cơm có cả một con lợn con nướng. Tôi đã phải bò ra cánh đồng dưới tầm đạn đại liên từ trực thăng địch đang bắn khống chế để mang về hai "rùa" nước cho chúng nó mổ lợn .Chập tối thì chia tay . Vậy mà bây giờ thằng Độ Thường tín, thằng Đàm Thái bình đã hi sinh. C7 mất ở đèo Cả mười ba đứa. Nghĩ tới chúng nó lòng tôi lại nôn nao.
Đêm ấy đêm đầu tiên dẫn tiểu đoàn vượt quốc lộ 1, bò dọc đường xe lửa qua cầu Giục Kinh vào chiếm lĩnh điểm cao chân đèo Cả. Đã mấy năm ở rừng, giờ mới thấy đồng lúa tít tắp. Và gió. Gió biển rười rượi như tưới vào da thịt khô nẻ bấy nay cái mát mẻ mằn mặn mùi biển. Lính căng lồng ngực mà hít. Cái mùi cỏ mùi bùn giống quê mình đến thế. Bất ngờ pháo địch ở cầu Bàn Thạch nã vào cánh đồng đội hình đang bò. May mà chả thằng nào chết , chỉ có thằng bỏ chạy tới sáng hôm sau cũng mò về được đại đội. Đêm ấy nhiều muỗi thế, có thể bốc hàng nắm. Chỉ khổ mấy thằng lính thông tin ngồi cho muỗi thử máu. Hai ngày sau đánh dứt điểm Tuy Hoà. Thế là vùng duyên hải Phú Yên hoàn toàn giải phóng ...Nhưng chặng đường đuổi giặc từ Tây nguyên xuống ven biển cũng không ít hi sinh. Hôm chôn mấy đứa trong trận Tuy Hoà, có thằng còn tếu táo : "Nói gì thì nói những thằng này vẫn sướng hơn những đứa chết trên rừng Tây Nguyên cả ngàn lần ! nằm đây coi như nghỉ mát muôn thuở rồi còn gì !”
Có lẽ đêm nay tất cả những thằng nằm trong những cánh rừng khộp, rừng le, hay trên những đỉnh cao chót vót của vùng bắc Kon Tum, trên những cánh rừng đuổi giặc, và kể cả những thằng được nằm bên bờ biển ...đều thao thức dõi theo bước hành quân của sư đoàn vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Nếu có điều gì đáng tiếc nhất với họ thì có lẽ chính là họ đã không được cùng chúng tôi tham gia vào cuộc hành quân kì vĩ này.
Nửa đêm ngày 10/4 năm ấy chúng tôi hành quân tới Đức Lập , một huyện lị phía nam Đak Lak. Xe dừng ở một bãi gỗ . Đèn xe, đèn nhà dân, hàng quán đỏ quạch như một nhà ga thời chiến ngoài Bắc. Tôi tìm được một của hàng tạp hoá hỏi mua một ít rượu trắng. Đưa một ngàn tiền Trần Hưng Đạo, ông chủ hỏi :
- Mua cả à ?
- Mua cả !
- Đựng vào đâu?
- Làm ơn kiếm dùm tôi cái gì đó ...
Cô con gái đưa ra một cái can loại mười lít. Trời ơi ! Ai uống hết ngần này rượu lúc hành quân? Cả chủ và khách đều cười ồ. Đêm ấy cả xe say ngất ngư
12/ 4/1975, xe tới một cánh rừng bằng phẳng toàn cây cổ thụ. Những vạt rừng xanh ngắt như đốm vằn trên lưng hổ cao nguyên. Trời nắng to. Đoàn xe ẩn mình dưới tán lá cao vút . Ve kêu râm ran. Có tới hàng ngàn con ve sầu từ trên cao buông những âm thanh như có dây có dợ quấn vào nhau rối mù trong nắng gió. Lũ ve hễ kêu là đái. Nằm ngửa trên võng hứng lấm tấm hạt mưa giữa trưa nắng vàng, thứ mưa của sự bài tiết tí xíu của loài ve. Nằm đó mà không ngủ được, đầu óc cứ ong ong, nghĩ mông lung về chiến dịch sắp tới. Sẽ là những trận đánh nhớ đời, nhất định rồi, nhưng đã phải là những trận đánh cuối cùng chưa thì chưa ai dám chắc?
Chiều tối hôm đó chúng tôi dừng chân ở Bù Đốp. Đây còn gọi là thủ đô của vùng giải phóng. các cơ quan làm việc trong rừng nhưng chế độ giống như ngoài Bắc. Dân ở đây hầu hết là người dân tộc. Cũng có trường cấp 1,2 mà giáo viên toàn là thầy cô giáo dậy giỏi đưa từ ngoài Bắc vào. Thật không thể tưởng tượng, sống ở đó có một đêm mà quên mất mình đang trên đường chiến đấu. Tôi và Ngô Thịnh vào một lớp học, hai đứa thay nhau đứa làm trò đứa làm thầy ngồi trước bảng đen cho đỡ nhớ trường lớp sau bốn năm xa cách. Trưa hôm sau xe tới ngã ba Lộc Tấn. Một cánh rừng cao su rộng mênh mông chứa tới cả ngàn xe ô tô , pháo lớn , xe tăng tụ hội . Đây mới thật là thần thái của câu thơ “ đường ra trận vui như trẩy hội “ của nhà thơ nào nhỉ ? Không nhớ nữa, hoặc giả chẳng phải là một câu thơ cũng nên !
...Mười giờ trưa có lệnh gọi tôi quay về C7 để làm lễ kết nạp đảng viên. Hôm ấy có bốn đứa được vào đảng. Cờ đảng bé tí xíu được cài vào thân cây cao su. Mọi người ngồi dưới cỏ, bí thư chi bộ và những người được tuyên bố kết nạp thì đứng . Lễ kết nạp chỉ diễn ra chừng hai mươi phút rồi ai lại vào việc nấy. Giờ phút thiêng liêng của đời người chiến sĩ Cộng sản chỉ có thế thôi sao? Đang trên đường vào trận, vẽ vời mà làm gì? Khi đứng trước Đảng kỳ, nhìn những người bạn cùng vào sinh ra tử đang sánh vai cùng mình, lại nghĩ về những đứa đã nằm lại đâu đó trên cao nguyên mà Đảng chưa kịp ghi tên họ vào đội ngũ, mặc dù họ rất xứng đáng là những đảng viên, tôi biết từ nay mình sẽ phải sống xứng đáng hơn với họ ...
" Hôm ấy nhằm ngày 14/4/1975. Một ngày tháng tư đẹp nhất cuộc đời của mình, quên làm sao được? Tôi lật tờ lịch trên bàn làm việc, không thấy có cuộc hẹn nào với bạn bè. Chúng nó không thèm nhớ gì tới cái ngày tháng tư đẹp nhất của đời mình hay sao ? Thế thì tệ thật. Đã vậy thì ...đến lượt mình phải nhắc. Tôi nghĩ vậy và vội vàng cầm máy bấm liền hơn chục số điện thoại để tổ chức một buổi gặp mặt. Thời đại thông tin, cũng hay thật. Muốn gặp nhau chỉ cần bấm máy rồi tìm một kẽ hở thời gian ..."
Mờ sáng 15/4 /1975 xe dừng trong một khu rừng rậm ở Chơn Thành nhưng cây cối chỉ cao năm, bẩy mét. Lệnh hành quân bộ khẩn cấp để xe ô tô quay lại trước khi trời sáng r. Bộ đội hành quân không kịp dàn đội hình, cứ bám nhau đi như ma đuổi. Tôi chạy vượt lên đầu để cùng tham mưu trưởng dẫn đường. Lúc 7 giờ sáng gặp một đơn vị pháo binh 130 mới từ Bắc vào trông khí thế lắm, nhưng mất trật tự kinh khủng. Xe pháo chềnh ềnh giữa đường không thèm nguỵ trang. Lính tráng thì nằm ngồi ngổn ngang , lại còn lừng phừng đàn ghi ta nữa mới bỏ mẹ. Tôi túm lấy một tay trông có vẻ cán bộ nói : “ ông nguỵ trang cho pháo đi, và cho lính tản ra, L19 nó đang soi trên đầu kia kìa “ . Tay cán bộ khinh khỉnh. Kinh nghiệm cho hay phải tránh xa cái tụi lính ngố này ngay. Tôi vội bàn với anh Tuần ra lệnh :
-Tiểu đoàn 8 vận động !
Thế là cả tiểu đoàn chạy thục mạng. Mới được hơn cây số đã nghe tiếng sèo sèo bụp, chết bỏ mẹ rồi - đạn khói. Bộ đội dạt vào rừng, chỉ hai , ba phút sau pháo địch cấp tập rót ngay vào khu rừng mới đi qua ... cánh pháo binh ăn đủ rồi. Đúng lúc ấy gặp 2 thằng trinh sát của tôi là Viên và thằng Tiến US đi trước ra đón. Ba thằng quăng ba lô lao vào rừng, chúi mặt trên đất. Đại bác nổ inh tai. Cành cây rơi đè lên người . Nằm không ngóc đầu lên được, thằng nào cũng tưởng chết đến nơi. Nửa tiếng sau, chúng nó mới ngớt bắn .
Từ trong đám cây đổ nát đặc quánh khói đạn chui ra , cả khu rừng lúc trước xanh um bây giờ trơ trụi. Cây cối như bị cầm cưa mà cắt ngang lưng . Một vài chiếc xe kéo pháo cháy nghi ngút ... Cánh lính pháo binh bị thương khá nhiều. Tôi móc được ba lô xách súng nhằm phía rừng còn xanh mà chạy . Ra đến đoạn suối rộng thấy ngót một tiểu đội khoả thân chạy như bị trâu cà. Hoá ra tụi công binh 17 đến từ đêm, đào hầm cho E bộ xong ra suối tắm thì gặp pháo kích. Không chú nào còn quần áo cứ thật thà mà chạy về đơn vị. May mắn nhất là anh chàng Hộ ( người Lâm Thao ) còn kịp nhặt cái xoong quân dụng úp vào bộ hạ chạy về tới kiềng vẫn líu cả lưỡi.
Ai bảo đường ra trận vui như trẩy hội nữa đi ? Coi thường địch bao nhiêu cũng phải trả giá thôi !
Nơi đóng quân hôm nay là kiềng cũ của sư đoàn 9 chủ lực miền. Khi chiến dịch Tây nguyên nổ ra họ cũng đã lật cánh đâu về mạn miền Đông. Chắc họ bám trụ ở đây cũng lâu , vườn rau vẫn còn tươi tốt lắm. Cà ớt rau dền nhiều vô kể . Hầm hố còn kiên cố và sạch sẽ , nhưng nước nôi thì khan hiếm . Ở đây họ dùng nước giếng. Có những cái giếng sâu tới 4, 5 mét đào theo kiểu miền bắc, kéo bằng cần vọt. Tối đến pháo lại bắn dữ dội ngoài trảng rừng lúc sáng. Kệ mẹ nó, bây giờ thì tha hồ cho mày bắn. Họp tiểu đội xong mắc võng đánh một giấc, nhưng tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Tụi nó tán phét tới khuya thì mưa to. Đúng lúc ấy có lệnh đi lấy gạo. đường thì tối om lại không thuộc địa hình ngã lên ngã xuống tới gần sáng mới về, ướt như chuột lụt . Lính tây Nguyên dù lâu nay không còn bị đói nữa nhưng thấy gạo mắt cứ sáng lấp lánh quên cả mệt. Lạ thay đêm đó tôi chỉ nằm mơ toàn thấy gạo là gạo ...