HỒI ỨC VỀ MẶT TRẬN VỊ XUYÊN – HÀ TUYÊN

HỒI ỨC VỀ MẶT TRẬN VỊ XUYÊN – HÀ TUYÊN
Ngày 18/ 7/84, chúng tôi những sinh viên đại học Bách Khoa khóa 24 vừa ra trường nhận được lệnh lên đường nhập ngũ cùng các anh em tân binh quận Hai Bà Trưng vì vùng biên giới Vị Xuyên – Hà Tuyên đang rực lửa. Tháng 3/1986 Tiểu đoàn 6-E24-F10-QĐ3 chúng tôi nhận lệnh tăng cường cho Sư 31-QĐ3 đang chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên. Với tên chiến dịch A3 Sông Lô. Trong đó có 16 anh em mới qua Đại học.
Sau hai ngày hành quân bằng ô tô , chúng tôi đã tới Hà Giang . 50 chiến sĩ C9 tách ra được huấn luyện cùng với một đơn vị đặc công. C12 vào làng Pinh cùng 1 khẩu đội 12,7 lên Pa Hán. C11 lên nóc hang Dơi. C10 và Dbộ lên Cốc Nghè, một khẩu đội DKZ sang điểm cao không tên anh em thường gọi là Phong lan.
Sau thời gian củng cố công sự, chỗ ăn ở, chúng tôi làm nhiệm vụ vận tải bộ cho các đơn vị phía trước như gùi gạo, nước, thực phẩm, gỗ, bê tống chống hầm… mà anh em vẫn đùa là ăn cơm với rơm (củ cải khô), mùn cưa (ruốc cá)… sau đó có tăm (gỗ chống hầm), kẹo lạc (thanh bê tông thẳng), vừng vòng (thanh bê tông cong) tráng miệng.
Sau 1 tháng huấn luyện bổ xung , C9 vào lên dũi địa đạo tại Cô Ích, Đồi đài.Ở đây anh em C9 nằm chốt và làm quen với địa đạo để đánh mở cửa cho chiến dịch.
Sinh hoạt thành nếp bên cạnh công tác hàng ngày chúng tôi còn kiếm rau, kiếm củi, hái chè ở mấy nhà dân do chiến tranh không có người ở. Đời sống sinh hoạt trên mặt trận tuy thiếu thốn nhưng cũng được quan tâm đến những nhu cầu nhỏ trong điều kiện chiến tranh. Mặt trận bố trí có báo cho mọi người đọc và người cắt tóc cho chiến sỹ ngay cạnh đường lên 812.
Tháng 4/1986 , tôi xuống nắm tình hình thương binh của đơn vị tại Nà Cáy trên đường từ Làng Ping qua Nà Cáy, ve bò lổm ngổm trên đường nhựa hát inh tai. Trên đường, đi đâu cũng được anh em vồn vã với câu cửa miệng “đồng hương”: đồng hương có vào không lên xe đi, đồng hương ghé chỗ tôi chơi, đồng hương vào ăn cơm… như anh em trong một nhà vậy. Có lần ra Hà Giang, 2 anh em không có giấy tờ gì ngoài 2 mẩu giấy ra vào khu A bé như vé xem phim nhưng cũng được chị Liên ở nhà khách tỉnh bố trí cho 1phòng hơn 40 giường có cả đèn và quạt và có cả các anh công an, bảo vệ thăm hỏi, chuyện trò ấm áp như người thân.
Tháng 5/1986 , tôi và mấy anh em tháp tùng Chính trị viên Tiểu đoàn đi thăm các đơn vị đóng rải rác quanh ngã 3 Thanh Thủy. Trên đường vào hang Dơi chúng tôi được các “bạn” bên kia chiến tuyến bắn hàng ngàn loạt súng lớn, súng nhỏ chào mừng. Chớp đầu nòng lập lòe như đèn làm nhớ Hà Nội quá. Kẹt hơn tiếng cùng lính tải, chúng tôi quyết định cứ đi bừa. Vừa lội qua suối Thanh Thủy sang hang Dơi, pháo địch chuyển làn bắn ngay suối trước cửa hang. Hôm sau mới được biết có thám báo đạp đổ khẩu cối 60 dựng ngoài hầm chốt. Anh em mình tưởng địch lên nên bắn tín hiệu gọi pháo chụp. Phía địch cũng tưởng ta tấn công lên dội hỏa lực nhiệt tình lên nóc hang dơi, trận pháo dập này kéo dài 3-4 giờ.
Đúng sinh nhật bác 19/5, tôi được ngủ tại “Khách sạn Hà Nội gió” trên nóc hang dơi, đối diện với điểm cao 6A, phòng tuy dài 3-4 cái phản, nhưng hẹp chỉ kê được 1 phản đơn và được chào đón bởi lễ tân là 1 chú chuột. Chú chuột thân thiện chạy lăng xăng từ đầu đến chân rồi bày tỏ tình cảm bằng một nụ hôn ở ngón chân tôi nhưng chắc vội vì thời chiến lên để lại cả dấu răng.
Sáng 21/5 chúng tôi vượt sông Lô lên Pa Hán. Đã ai được đi cầu dây chìm trong nước sông Lô chưa. Súng phải khoác vào người, chân dò dẫm trên sợi dây thép chìm dưới sông còn 2 tay bám vào sợi dây thép phía trên, tùy con nước có thể ướt từ nửa ống quần hoặc bụng trở xuống. Nhìn dọc theo sông thấy đường tải lên 1509 và mấy hầm pháo địch đang nhòm mình. Leo lên Pa Hán, đi trên triền núi nhìn không gian thoáng đãng, tĩnh mịch thỉnh thoảng có tiến súng vang vọng giữa các vách núi, vừa đi vừa liên tưởng đến chuyện An Đéc Xen khi đứng trên cao nhìn xuống và không khỏi mỉm cười, chắc chẳng bao giờ có cảm giác thư thái như lúc đó. Đứng ở Pa hán nhìn rõ các điểm cao đang tranh chấp như 6A, 6B, Cô Ích, Đồi Đài, Cây chuối… cùng con đường lên cửa khẩu Thanh Thủy không một bóng người với không gian trầm lắng, tạo cho ta một cảm giác lâng lâng. Lúc xuống núi, được anh em tiễn bằng nhạc nhảy Dísco 86 thực hiện bằng nhạc cụ 12,7 ly thật hào hùng.
Tháng 6 mưa tầm tã. Nhiều hầm bị sập. Kho bê tông trên đường lên 812 sập, từ sáng sớm anh em đào bới nhưng đến tối mịt mới tìm thấy 2 đồng chí hy sinh trong đó có 1 ở phố Thụy Khuê làm gia đình 1 đồng đội của tôi tưởng là con mình đã mất. Địa đạo dũi được 126m mưa sập một số chỗ lộ cột chống và hầm sập nhiều, vận tải bộ mùa mưa khó khăn nên chúng tôi được lệnh rút.
Trong giai đoạn bàn giao chuyển quân, pháo địch bắn không ngớt. May mắn thay, suốt 4 tháng trên chốt, cả tiểu đoàn tôi chỉ bị thương và xây sát 56 người trong khi mặt trận vẫn có bình quân 1 ngày 1 người hy sinh. Như anh em nói, đấy là nhờ lúc hành quân lên gặp tới 3 đám ma, bà con đi đưa đám ai cũng giơ tay chúc các con đi may mắn và do mưa sập hầm, chiến dịch chưa mở chúng tôi đã nhận lệnh rút. Về đến đơn vị cũ, tôi vẫn nhớ còn nhớ mãi khi đồng đội hỏi muốn gì và chiêu đãi tôi nửa luống rau muống trong đồn điền rau sau nhà với bát nước chấm bù cho 4 tháng không có rau trên chốt.
Các năm sau khi ra quân gặp nhau, phần lớn vẫn là những câu chuyện đáng nhớ trên chốt, nơi giữa sinh và tử mọi người như anh em một nhà. Có lẽ đó là sức mạnh vô địch của quân đội ta mà không vũ khí nào thay thế được.
Hơn 30 năm sau, chúng tôi mới có dịp quay lại chiến trường xưa. Vẫn núi, vẫn sông, vẫn suối đấy, nhưng đã nhìn thấy những mái nhà, những người dân sinh sống trên mảnh đất này. Đỉnh 6A, 6B xưa như 1 lò vôi nham nhở, trắng xóa, đá vụn lạo xạo dưới chân, không 1 bóng cây thì giờ đây đã xanh trở lại. “Sống bám đá, chết hóa đá hóa thành bất tử”. Bao máu xương của những chiến sỹ đã ngã xuống nơi đây đang hồi sinh mảnh đất này.
Hà Giang 7/2016
Quốc - quân lực tiểu đoàn 6, e24, f10, QĐ3
(d62-f411 tại mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên năm 1986)